Hội đồng chung khảo Nhân tài Đất Việt thị sát “khu dân cư xanh”

(Dân trí) - Ngày 30/10, Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015 đã khảo sát, đánh giá công trình Bảo vệ môi trường "Xử lý rác thải sinh hoạt, biến rác thải hữu cơ thành phân vi sinh phục vụ phát triển nông nghiệp" tại xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Đoàn khảo sát, đánh giá do GS.VS Nguyễn Văn Hiệu làm Trưởng đoàn.

Hội đồng chung khảo “thị sát” các công trình trong lĩnh vực môi trường

Công trình bảo vệ môi trường này xuất phát từ ý tưởng của Luật sư Phạm Hồng Điệp – Nhà hoạt động bảo vệ môi trường, người đi tiên phong vận động chính quyền và nhân dân xây dựng khu dân cư xanh tại huyện Thủy Nguyên – Thành phố Hải Phòng. Luật sư Điệp cũng là người được Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt  năm 2014 vinh danh.

Ấn tượng với vùng quê tiên phong bảo vệ môi trường

Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát, UBND xã Phục Lễ cho biết, căn cứ thực tế tình hình địa phương về rác thải, vệ sinh môi trường đang gây ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đến an sinh xã hội và phát triển bền vững, công tác thu gom, xử lý rác thải cần sớm được ưu tiên giải quyết.

Thực hiện Kế hoạch của UBND huyện về việc thu gom tạo bãi chôn lấp rác tạm tại địa bàn các xã, UBND xã Phục Lễ đã xây dựng bãi chôn lấp rác tạm với diện tích 0,5ha. Tuy nhiên trên thực tế diện tích đất bãi chôn lấp rác chỉ giải quyết tạm thời trong giai đoạn trước mắt. Việc chôn lấp rác tạm gặp nhiều hạn chế như diện tích đất bị thu hẹp, gây ô nhiễm đến nguồn nước phục vụ sản xuất, ô nhiễm môi trường khí quyển; đặc biệt quá trình chôn lấp gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm.

 

Giáo sư- viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu phát biểu tại chuyến đi thị sát giải thưởng Nhân tài đất việt lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Giáo sư- viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu phát biểu tại chuyến đi thị sát giải thưởng "Nhân tài đất việt" lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nhằm góp phần giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường trong việc chôn lấp rác thải rắn tại địa phương, UBND xã Phục Lễ đã xin phép UBND huyện cho Công ty TNHH Phát triển Du lịch Non nước Việt, một doanh nghiệp ngoài quốc doanh xây dựng lò đốt rác trên địa bàn xã và khu vực lân cận. Lò đốt rác được xây dựng với mô hình công nghệ nhằm xử lý có hiệu quả nguồn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn trên địa bàn xã và các xã lân cận tại khu vực đồng Ma Giấu là vị trí bãi chôn lấp rác tạm của địa phương theo hướng tái chế sản xuất phân bón hữu cơ, tận dụng nhiệt từ lò đốt để sấy nông sản, đồng thời giải quyết được việc làm cho một số lao động địa phương.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, điều đặc biệt nhất ở vùng quê xã Phục Lễ là chính quyền địa phương đã kiên trì vận động nhân dân, phổ cập được mỗi gia đình 2 thùng rác để thay đổi hành vi phân loại rác thải tại nguồn (rác hữu cơ và rác thải vô cơ); xây dựng cách thức thu gom rác thải cùng trên cơ sở đã phân loại. Càng ngạc nhiên hơn là chính quyền địa phương đã xây dựng được quy chế cũng như cách thức xử phạt đối với những gia đình không thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn.

Từ việc phân loại rác thải, địa phương đã tiến hành ủ phân Compost cho rác thải hữu cơ, xử lý triệt để để dùng phân hữu cơ nuôi giun quế và bón cho đồng ruộng, rau xanh…

 

Đoàn khảo sát làm việc tại xã Phục Lễ huyện Thuỷ Nguyên Hải Phòng
Đoàn khảo sát làm việc tại xã Phục Lễ huyện Thuỷ Nguyên Hải Phòng

Bên cạnh đó, với sự hợp tác của công ty cổ phần Lilama 69-2 và Công ty Non Nước Việt đã chế tạo thành công lò đốt rác thải rắn tích nhiệt xử lý triệt để khí CO2, SO2, Dioxin tại nhiệt độ 1500 độ. Đồng thời làm tự động hóa các khâu cấp điện, tổng diện tích tiếp xúc nhiệt của rác vô cơ trong quá trình đốt làm tăng gấp 9 lần công suất. Tiếp tục sự sáng tạo, nguồn nhiệt thu được dùng để cấp nước nóng cho sinh hoạt tại chỗ, cấp nhiệt cho lò sấy nông sản của nhân dân thu hoạch. Sáng kiến này đã tiết kiệm vô cùng lớn nguồn năng lượng được sinh ra từ rác thải rắn.

“Ủy ban Nhân dân xã Phục Lễ sẽ quyết tâm thực hiện đến cùng mô hình sáng tạo này để xây dựng mô hình khu dân cư xanh theo tiêu chí của Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt” – Lãnh đạo UBND xã Phục Lễ nhấn mạnh.

“Tôi khâm phục tinh thần của bà con Phục Lễ”

Đó là khẳng định của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu sau khi đi “thị sát” thực tế quy trình xử lý rác cũng như sử dụng rác thải hữu cơ ủ thành phân vi sinh.

Trao đổi với người dân, lãnh đạo chính quyền xã Phục Lễ, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cho biết: Ở lĩnh vực Môi trường thì tính đến nay chưa một đơn vị nào của nước ta được nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt chính thức. Năm 2013 chỉ mới có hai đơn vị được nhận giải khuyến khích. Năm 2014 Ban tổ chức đã quyết định vinh danh kỹ sư Phạm Ngọc Điệp – là người đi tiên phong, tổ chức, động viên nhân dân bảo vệ môi trường, đây là giải thưởng cá nhân, chưa phải là giải thưởng dành cho đơn vị nào đó xử lý về môi trường.

“Phấn bón vi sinh đắt hơn tất cả các loại phân bón nào khác. Sử dụng phân bón để cải tạo đất nông nghiệp là rất tốt đối với những vùng ven biển, đất đai không được mầu mỡ” – GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nói.

 

Mô hình nuôi giun đất của người dân Phục Lễ.
Mô hình nuôi giun đất của người dân Phục Lễ.

GS. VS Nguyễn Văn Hiệu cũng nhấn mạnh: "Là một người rất tha thiết với sự nghiệp bảo vệ môi trường, tôi rất khâm phục tinh thần bảo vệ môi trường của nhân dân xã Phục Lễ. Tôi mong không chỉ các ông, bà, cô, bác tham gia bảo vệ môi trường mà chúng ta hãy động viên lớp trẻ, các em học sinh...tham gia. Điều này là vô cùng thiết thực để nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường".

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cũng mong muốn việc xử lý phân vi sinh sẽ tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn để có thể đưa vào sử dụng rộng rãi thay thế cho phân hóa học cũng như góp phần giảm thiểu thuốc trừ sâu nhằm biến các vùng nông thôn trở thành một khu dân cư xanh trong tương lai.

Trao đổi với Dân trí, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cho biết, sau khi đi khảo sát thực tế, Hội đồng chung khảo sẽ họp bàn trước khi quyết định việc trao thưởng cho bà con nhân dân xã Phục Lễ.

Nguyễn Hùng – Trọng Trinh