Hóa vàng dịp lễ Vu Lan: “Mua tiền giả để đốt thật lãng phí và vô nghĩa!”

“Nhà Phật không dạy mọi người đốt vàng mã để cúng những người đã mất. Đây là điều mê tín và rất lãng phí. Tuy nhiên, điều khó là quan niệm đốt vàng mã đã đi sâu vào tiềm thức trong dân chúng từ lâu, nên chỉ có thể từng bước giảm dần để đi tới dừng hẳn”.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu
Đó là những lời tâm sự của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật Giáo VN, trụ trì chùa Bái Đính (Ninh Bình) - với Lao Động thứ 7 nhân dịp lễ Vu Lan đang tới gần.

 

Hòa thượng cho rằng, trong ngày lễ Vu Lan - báo hiếu cha mẹ, chúng sinh nên ăn chay niệm Phật, làm những việc từ thiện cứu giúp người nghèo khổ nơi trần gian và phóng sinh tích đức.

 

Thưa hòa thượng, tục lệ đốt vàng mã được xuất xứ từ đâu?

 

Quan niệm đốt vàng mã xuất phát từ Trung Quốc và đã du nhập vào VN từ rất lâu, gắn với tiềm thức của nhiều thế hệ. Không chỉ ngày lễ Vu Lan, ngày rằm tháng 7 mà nhiều ngày lễ khác như Tết Nguyên đán, giỗ chạp, ngày 15 hay mồng 1 âm lịch hằng tháng người dân vẫn mua tiền vàng và các đồ vàng mã mô phỏng đồ dùng sinh hoạt để đốt cúng cho người thân đã khuất.

 

Không chỉ đốt vàng mã, việc đốt các hình nhân thế mạng cũng được lạm dụng nhiều. Đây cũng là xuất phát từ các triều đại Trung Quốc xa xưa, khi nhà vua băng hà thì tất cả cung nữ, người hầu sẽ phải bị chôn theo để hầu hạ dưới âm phủ. Sau này, họ thấy việc đó độc ác quá nên mới dùng các hình nhân thế mạng để thay vào.

 

Ở VN, nhiều gia đình có điều kiện hiện cũng lạm dụng việc dùng hình nhân thế mạng. Mỗi dịp đầu năm, họ đều mua nhiều hình nhân thế mạng cho mình và đốt đi nhằm cầu tai qua nạn khỏi. Nếu đúng như vậy thì người giàu chả bao giờ bị ốm hoặc chết cả, vì cứ khi sắp chết họ lại tiếp tục dùng hình nhân thế mạng cho mình! Đây là quan niệm mê tín và việc dùng vàng mã, hình nhân thế mạng cần phải loại bỏ ngay. 
 
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu

 

Lễ Vu Lan là dịp để nhiều người thể hiện tình cảm của người con tới cha mẹ, ông bà. Tuy nhiên nhiều người vẫn cho rằng phải đốt thật nhiều vàng mã mới là có hiếu, thưa hòa thượng?

 

Phật giáo VN không ủng hộ việc đốt vàng mã, vì đó là hành động mê tín. Ngay trong những đám tang hoặc ngày giỗ của các nhà sư, hòa thượng, tuyệt nhiên không hề có một tờ giấy vàng mã não được dùng để hóa. Hóa nhiều tiền vàng để thể hiện sự hiếu đức và kỳ vọng sự may mắn cho bản thân là nhận thức không đúng.

 

Đạo Phật luôn khuyên con người coi trọng quy luật nhân - quả: Người làm điều thiện cho người khác, cho xã hội và cộng đồng thì sẽ gặp may mắn phúc đức và ngược lại. Lễ Vu Lan là dịp để mọi người nhìn lại chính mình, nhìn lại những việc đã làm để  báo hiếu trước công đức sinh thành, nuôi nấng của cha mẹ, ông bà.

 

Cha mẹ vất vả sinh thành ra chúng ta sau 9 tháng 10 ngày. Cha mẹ không quản ngại công sức chăm sóc khi chúng ta ốm đau, khi chúng ta chập chững những bước đi đầu tiên, học hành… để chúng ta mới được như ngày hôm nay. Khi khỏe mạnh, cha mẹ thường không mong các con cái giúp đỡ mình. Nhưng khi già yếu hoặc ốm đau, cha mẹ rất cần sự quan tâm của con cái. Những lúc đó, các cụ rất hay suy nghĩ và tủi thân nếu con cái không chăm sóc, thăm hỏi kịp thời. Những ai còn cha mẹ đang sống trên đời thì nên làm nhiều hành động hiếu nghĩa, kẻo khi cha mẹ mất đi thì không còn cơ hội đền đáp.

 

Thay vì chuẩn bị những đồ vàng mã đắt tiền để hóa trong dịp lễ Vu Lan, mọi người nên có những hành động thực tế chăm sóc tới sức khỏe, giấc ngủ của cha mẹ. Với những ai không còn cha mẹ trên đời nên dành thời gian làm việc thiện, giúp người nghèo trong xã hội.

 

Nhiều gia đình vẫn quan niệm “trần sao âm vậy” nên còn quá chú trọng tới việc đốt vàng mã, thưa hòa thượng?

 

Tại nhiều chùa, tôi chứng kiến không ít gia đình tới cúng vong chuẩn bị các mô hình nhà ba tầng, ôtô, nồi cơm điện, tủ lạnh. Vàng mã thường làm từ các loại giấy tái chế và có nhiều hóa chất tạo màu. Người đốt vàng mã bị hại phổi, khói cùng tro than gây ô nhiễm môi trường. Đem tiền thật đi mua tiền giả để đốt thật là lãng phí và vô nghĩa. Đức Phật và cha mẹ đã khuất đâu có cần tiền bạc! Làm gì có chuyện các cụ đã mất lại “về” báo cho con cháu là “con ơi chuẩn bị tiền vàng để hóa cho bố mẹ!”.

 

Nhiều người với tư tưởng “trần sao âm vậy”, nghĩ rằng mình được sung sướng với các tiện nghi vật chất thì cũng mong muốn cho cha, mẹ ông bà đã khuất được điều đó. Những đồ vàng mã thành tro bay tứ tung thì sao mà có thể ghép lại được?

 

Cứ giả sử bàn tiếp về chuyện “trần sao âm vậy”, nếu thế thì dưới âm phủ cũng có người thợ may áo, nhà băng, nhà sản xuất, cha mẹ mình cũng có thể tự phục vụ được chứ sao lại phải gửi xuống! Đây là những suy nghĩ mê tín và lệch lạc.

 

Dường như năm nào, nhà chùa cũng khuyến cáo các phật tử việc đốt vàng mã là thừa và lãng phí, nhưng sao việc này vẫn chưa giảm, thưa hòa thượng?

 

Từ góc độ nhận thức, việc đốt vàng mã đã có từ lâu đời nên phải chấp nhận giảm từ từ. Nhà chùa chỉ khuyên răn nhưng khi người dân đem đến thì không thu và cấm họ đốt được. Trong nhiều buổi giảng đạo, chúng tôi thường nhấn mạnh việc không dùng vàng mã. Tuy nhiên, đa số người tới nghe là các cụ già và người lớn tuổi. Thanh niên rất cần nghe nhưng lại bận phải đi kiếm tiền.

 

Ở các chùa, người làm lễ thường mua 5 lễ tiền vàng thì nay bớt đi mua 3 lễ thôi, nếu ai mua 3 lễ thì bớt xuống 1 lễ. Cứ bớt dần thì sẽ đến lúc dừng hẳn. Còn ở gia đình thì khó hơn. Giả sử người con dâu được bố hoặc mẹ sai đi mua bộ quần áo hay xấp tiền vàng để hóa cho các cụ.

 

Cô con dâu bảo không mua thì dễ bị hiểu lầm là “tiếc mấy đồng tiền vàng đốt cho ông, bà”. Đây là điều khó. Bởi vậy, mình cứ giảm đi dần dần. Bao giờ mọi người hiểu ra thì không đốt nữa. Cũng giống như việc hút thuốc lá, uống rượu. Dù ai cũng biết là có hại nhưng để dừng và bỏ ngay thì không phải ai cũng làm được, cũng như việc vượt đèn đỏ giao thông, hằng ngày vẫn còn rất nhiều trường hợp vi phạm.

 

Thưa hòa thượng, bên cạnh yếu tố về nhận thức, liệu có biện pháp nào song hành để dừng tập tục đốt vàng mã?

 

Tôi cho rằng nên chú ý tới cái gốc, đó là từ khâu sản xuất vàng mã. Nếu cấm được nguồn sản xuất thì sẽ có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn để cho sản xuất vàng mã phát triển để thu được tiền thuế nên khó cấm.

 

Cũng như mặt hàng thuốc lá, dù nhiều cách để hạn chế mặt hàng này nhưng không dừng các nhà máy sản xuất thuốc lá thì làm sao cấm được triệt để? Tiền thuế thu được từ sản xuất thuốc lá liệu có đủ tiền để chữa bệnh cho những bệnh nhân ung thư vì thuốc lá không?

 

Tất nhiên, nhiều người sẽ nói là cấm nhà máy thuốc lá hoạt động thì thu nhập của hàng ngàn công nhân ra sao?

 

Nói vậy thì tại sao vùng làng nghề pháo Bình Đà (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) gây ra bao tai nạn nhưng khi cấm sản xuất pháo và chuyển đổi ngành nghề thì đời sống người dân nơi đây vẫn phát triển tốt? Bởi vậy, nếu cứ nói là không mang hoặc không lễ bằng vàng mã tại chùa là không cấm được. Nhà chùa không bao giờ bán vàng mã. Người dân mang từ đâu đến chứ chúng tôi không dám thu của họ.

 

Xin cảm ơn hòa thượng.

 

Lễ Vu Lan hay còn gọi là Ngày lễ báo hiếu - một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo. Theo kinh Vu Lan của đạo Phật, Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo tu luyện thành công nhiều phép thần thông vẫn không nguôi nỗi nhớ mẹ. Mẹ của ông là bà Thanh Đề đã qua đời, nhưng khi sống gây nhiều ác nghiệp nên bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói.
 

Mục Kiền Liên có phép nên biết điều ấy, đã đem cơm xuống địa ngục cho mẹ. Nhưng khi ăn, bà Thanh Đề không cho cô hồn khác ăn cùng nên cơm hóa thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên đau xót, nhờ Phật Tổ chỉ cách giúp cứu mẹ. Phật Tổ dạy, chỉ có hợp sức của chúng tăng vào ngày Rằm tháng 7 mới mong cứu được mẹ. Mục Kiền Liên làm theo và đã giải thoát được bà Thanh Đề.

 

Theo Hoàng Mạnh
 Lao Động