Hỗ trợ muối I ốt cho người nghèo: Ăn 3 năm không hết!

(Dân trí) - Nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo vùng khó khăn đã và đang được tỉnh Nghệ An triển khai. Tuy nhiên, trên thực tế, những chính sách này đã bộc lộ những bất cập cần được điều chỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ muối I ốt.

Mỗi khẩu thuộc hộ nghèo vùng khó khăn tỉnh Nghệ An được hỗ trợ mỗi năm 5kg muối i ốt và muối bột canh (ảnh minh họa)
Mỗi khẩu thuộc hộ nghèo vùng khó khăn tỉnh Nghệ An được hỗ trợ mỗi năm 5kg muối i ốt và muối bột canh (ảnh minh họa)

Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 2709/QĐ-UBND ngày 22/6/2017. Có 250.748 khẩu thuộc các xã khu vực II, bãi ngang, ven biển, xã khu vực III thuộc được thụ hưởng chính sách này. Trong đó 58.817 khẩu được hỗ trợ 80 nghìn đồng/khẩu/năm và 191.931 khẩu được hỗ trợ 100 nghìn đồng/khẩu/năm.

Tổng số tiền thực hiện chính sách này là hơn 23,8 tỷ đồng, trong đó hơn 12,7 tỷ đồng mua muối I ốt và muối bột canh. Theo quy định, người dân thuộc đối tượng trên ở 10 huyện miền núi của tỉnh Nghệ An sẽ được hỗ trợ 2kg muối I ốt và 3 kg bột canh cho mỗi khẩu. Riêng huyện Quỳ Hợp có 21.999 khẩu được hỗ trợ, trong đó kinh phí mua muối I ốt và muối bột canh là hơn 1,1 tỷ đồng.

Phát biểu tại cuộc thảo luận tổ kì họp thứ 5 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, ông Lang Văn Vân – đại biểu huyện Quỳ Hợp nói: “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân kêu nhiều lắm. Mỗi khẩu được hỗ trợ 5 cân muối, bột canh, nhà 7 khẩu được 35kg muối, ăn 3 năm cũng không hết! Chúng ta nên nghiên cứu điều chỉnh, người dân cần cái gì thì mình hỗ trợ cái đó chứ hỗ trợ đến cả nửa tạ muối mỗi năm người dân cũng không dùng hết. Có nhà phải bán muối để mua thứ khác cần thiết hơn”.

Ông Nguyễn Đình Tùng: Khi nhận được nhiều ưu đãi từ nhà nước, người dân nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỉ lại mà không chịu thoát nghèo
Ông Nguyễn Đình Tùng: Khi nhận được nhiều ưu đãi từ nhà nước, người dân nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỉ lại mà không chịu thoát nghèo

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư huyện ủy Con Cuông chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia khoanh nuôi bảo vệ rừng cũng bộc lộ những bất cập cần phải được điều chỉnh.

“Hộ nghèo nhưng người dân mất khả năng lao động thì làm sao khoanh nuôi bảo vệ rừng được. Trong khi đó hộ cận nghèo, cần số gạo này để tham gia bảo vệ, trồng rừng thì không đến nơi”, ông Hùng cho hay.

Đại biểu huyện Con Cuông đề nghị tỉnh Nghệ An có ý kiến với Trung ương trong việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ gạo bảo vệ rừng bao gồm cả hộ cận nghèo. Đối với hộ nghèo là người dân tộc thiểu số mặc dù xét về đối tượng là đúng nhưng nếu không có khả năng lao động cũng cần phải xem xét có nên hỗ trợ hay không?

“Khi hỗ trợ trúng, đúng đối tượng thì công tác bảo vệ rừng mới phát huy được hiệu quả”, ông Nguyễn Đình Hùng nói.

Các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng cần có chính sách phù hợp hơn trong việc hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế
Các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng cần có chính sách phù hợp hơn trong việc hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Đình Tùng – đại biểu huyện Quỳ Hợp thì lại cho rằng, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hộ nghèo hiện nay chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa phải là biện pháp kích thích người dân thực sự phấn đấu thoát nghèo.

“Chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ hộ nghèo là đúng nhưng trên thực tế, khi được nhận nhiều ưu đãi từ nhà nước, người dân nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỉ lại. Người dân không muốn ra khỏi hộ nghèo hoặc nhường nhau để được hưởng chính sách ưu đãi bởi được hưởng mãi mãi thì người dân tội gì ra khỏi hộ nghèo”, ông Tùng cho hay.

Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng cần thay đổi cách thức hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế. “Ví dụ như hỗ trợ 1 con bò, con gà chẳng hạn. Trong 1 thời gian nhất định, khi có kết quả thì phải cho ra khỏi hộ nghèo, cho họ thoát nghèo luôn, không đầu tư nữa và chuyển sang hỗ trợ hộ nghèo khác theo hình thức cuốn chiếu. Như vậy may ra có thể giảm được hộ nghèo”.

Hoàng Lam