Hỗ trợ gần 40 lao động Việt đang kêu cứu tại Nga

(Dân trí) - Hàng nghìn người đã xuất khẩu lao động sang Nga bằng đường dây “đen”. Không ít trường hợp phải làm việc quần quật hơn 10 giờ mỗi ngày, chịu cảnh đói rét, thậm chí quỵt lương; nhiều lá đơn kêu cứu liên tiếp gửi về quê nhà...

Làm việc quần quật 12-14 giờ/ngày, luôn chịu đói, phải chịu đựng cái lạnh thấu xương và nhiều lúc ngất đi. Đó là tình cảnh của gần 40 lao động nghèo tại nhiều địa phương của Việt Nam đang phải chịu đựng khi làm việc tại thành phố Ekaterinbua, tỉnh Svetlov (Liên bang Nga).

Những lao động này liên tục điện thoại cho người thân ở Việt Nam nhờ gửi đơn cầu cứu khắp nơi, khắc khoải từng giờ chờ đợi được giải cứu. Trước đó, người lao động qua một công ty môi giới có trụ sở tại Nga đã nhận được lời hứa hẹn mức lương 400-500 USD/tháng, chưa kể tiền thưởng, làm thêm.

Trao đổi với PV Dân trí về sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Cục đang làm việc với Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao để phối hợp xử lý. Trước mắt, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao đã thống nhất yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Nga can thiệp, xác minh và hỗ trợ giải quyết theo trách nhiệm bảo hộ công dân.

Lãnh đạo khác của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thêm, thông tin ban đầu cho thấy đây là vụ việc người lao động đi theo đường dây “đen”. Trên thực tế, đến thời điểm này Cục chưa có thêm thông tin về số lao động này kể cả số visa, địa chỉ tạm trú của họ tại Nga. Trong khi đó, hiện tại tại Nga không có cơ quan Quản lý lao động của Việt Nam nên việc xác minh thông tin rất khó khăn.
 
Vụ việc này không phải lần đầu tiên diễn ra, trước đó đã có hàng loạt vụ việc về lao động Việt Nam tại Nga bị đối xử tàn tệ bị phanh phui bởi cơ quan kiểm tra sở tại và báo chí.

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, trong những năm gần đây, tình trạng nhiều người lao động Việt Nam sang Nga làm việc theo hình thức tự do (đa số được đưa qua bằng các con đường không chính thức như du lịch, thăm thân nhân...) ngày càng nhiều. Trong khi chỉ có khoảng 3.000 lao động Việt Nam sang Nga làm việc theo đường chính thống (thông qua các công ty xuất khẩu lao động được quản lý và được cấp visa lao động), thì có tới hơn 7.000 người sang Nga làm việc quan đường dây môi giới “đen”.

Hỗ trợ gần 40 lao động Việt đang kêu cứu tại Nga

Người thân của hàng chục lao động tại xã Đại Cương, Kim Bảng, Hà Nam hoang mang lo lắng. (Ảnh: Tuổi trẻ)
 
Sau khi sang đến Nga, các tổ chức trung gian, cò mồi này thường rũ bỏ trách nhiệm, người lao động bị “sang tay”, trở thành lao động bất hợp pháp; không có giấy tờ tùy thân và thường bị ép làm việc trong các công ty, xưởng may bất hợp pháp trong điều kiện làm việc và ăn ở mất vệ sinh và mất an toàn phòng cháy chữa cháy; tiền lương, thu nhập không đảm bảo.

Đặc biệt, gần đây các cơ quan chức năng của Liên bang Nga đã tổ chức truy quét lao động bất hợp pháp tại Nga. Từ tháng 3/2011 và tháng 5/2011 phía bạn cũng phát hiện tổng cộng 800 lao động Việt Nam làm việc tại ngoại ô Matxcơva trong điều kiện tồi tàn.

Theo báo cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, hiện có khoảng 400 xưởng may quy mô lớn nhỏ (từ vài ba chục công nhân đến vài trăm công nhân) nằm ở rải rác trên khắp nước Nga. Chỉ riêng thủ đô Mát-xcơ-va và các tỉnh xung quanh, ước tỉnh có khoảng trên 200 xưởng may với khoảng 20.000 công nhân. Các xưởng may đều nằm ở những khu vực xa dân cư, trong các cơ sở của các nhà máy cũ của Nga.

Hiện nay, các nhà máy tiếp nhận lao động nước ngoài được phân làm 3 loại: Nhà máy, công xưởng hoàn toàn hợp pháp (thường gọi là xưởng trắng), hàng sản xuất ra có giấy tờ hợp lệ và đăng ký mẫu mã. Lao động làm việc tại các xưởng trắng được đăng ký tạm trú, đóng thuế đầy đủ, nơi ăn ở đảm bảo yêu cầu vệ sinh, an toàn lao động. Nhà máy, công xưởng bán hợp pháp (thường gọi là xưởng xám) do chủ sử dụng chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật. Nhà máy, công xưởng bất hợp pháp (xưởng đen), chủ sử dụng không đăng ký, không đóng thuế, công nhân không có đăng ký cư trú, không có giấy phép lao động.

Theo thống kế, phần lớn người lao động đi theo hình thức cá nhân đi tự do phải làm việc trong các nhà máy, công xưởng bất hợp pháp (xưởng đen).
 

Liên quan tới 36 lao động khác tại Nga có ý kiến về việc không được thanh toán đầy đủ tiền lương, làm việc không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động, bị doanh nghiệp Nga đơn phương cắt hợp đồng, hiện đang tạm trú tại Trung tâm thương mại Emeral (Matxcơva) để chờ được về nước, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: Cục sẽ yêu cầu doanh nghiệp cử đại diện sang xác minh và trực tiếp làm việc với đối tác phía bên Nga để giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho lao động ta tại Nga.

  

Số lao động này do Trung tâm hợp tác lao động với nước ngoài (Tổng công ty Thép Việt Nam) đưa sang Nga làm việc trong ngành xây dựng (hai đợt tháng 12/2008 và đầu tháng 1/2009) theo Hợp đồng được ký giữa Tổng công ty Thép Việt Nam với Công ty trách nhiệm hữu hạn APC tại Nga. (Phúc Hằng - TTXVN) 

Thanh Trầm