Hiến sức cho bệnh nhân tâm thần

(Dân trí) - Áp lực trong công việc và trong cuộc sống đã dẫn nhiều người đến căn bệnh thần kinh, nhẹ thì trầm cảm, nặng thì mất trí, không kiểm soát hành vi, có những hành động “khác người”…

Đi vào “thế giới” những người thần kinh ở bệnh viện tâm thần Nghệ An mới thấy hết những quằn quại và mơ hồ trong cuộc sống của họ.

Những câu chuyện tâm thần

Bác sỹ trưởng khoa cấp tính nam Hồ Văn Thân cho biết, theo phân loại bệnh quốc tế thì có tới 99 loại bệnh và phân loại nhỏ ra thì có tới 397 biểu hiện của chứng bệnh thần kinh. Hầu như mỗi bệnh nhân vào viện đều mang trong mình một sự hoang tưởng nhất định, nặng nhẹ đủ cả.

Có người vào chỉ để điều trị những áp lực bức xúc thường ngày, có người vào vì thần kinh ảnh hưởng của rượu và ma tuý.

Nhìn bề ngoài, những người này vẫn đi lại sinh hoạt bình thường. Còn với những bệnh nhân nặng thì mỗi người là một thế giới hoàn toàn cách biệt, họ trở thành tù nhân bị giam chặt, quằn quại trong chính thế giới của mình.

Bệnh nhân Nguyễn Võ Bình, quê ở Thanh Chương đã vào trung tâm từ 7, 8 năm nay vì chứng loạn thần kinh cấp do nghiện rượu nặng. Khi lên cơn, trong tư tưởng, tâm trí ông Bình thấy những tiếng la hét, đuổi đánh bao vây. Hồi còn ở nhà ông thường thủ sẵn dao để chống lại “kẻ thù” vô hình đó. Đồ đạc trong nhà bị phá nát, vợ con không ít phen chạy bán sống để tránh những lưỡi dao của ông.

Mới vào được hơn 2 tuần bệnh nhân Đặng Sỹ Tuấn, trú ở phường Cửa Nam dường như vẫn chưa thoát khỏi những ảo giác do thuốc lắc mang lại. Nếu không có y tá và người nhà ở gần thì Tuấn có thể lao vào tường bất cứ lúc nào. Cách đây mấy hôm Tuấn đã phá hỏng một cánh cửa chỉ vì nghĩ đó là kẻ đe doạ mình.

Bên cạnh những bệnh nhân nam, còn có những “số phận” là nữ giới vào đây cũng đủ thứ bệnh. Ở khoa cấp tính nữ, không hiếm những nữ công chức có công việc bình thường có chồng con… Nhưng gia đình vẫn phải đưa vào nhờ y bác sỹ.

Vừa mới vào được mấy ngày, nhưng “cô giáo” Phan Giang Nam lúc nào cũng âm thầm tìm cách cắn lưỡi để tự tử vì chuyện công việc giảng dạy không được như ý muốn. Chỉ một mình cô Nam nhưng các y tá phải thay phiên nhau kè kè xem chừng.

Có những phụ nữ vì mặc cảm xấu xí không lập được gia đình, suy nghĩ đến mức phát điên. Không có ý định tự tử nhưng bệnh tật đã biến thân thể họ thành tàn tạ, tâm hồn rối loạn, họ cứ vật vờ đi lại, cười nói rồi khóc hát bất kể ngày đêm…

Hiến sức cho bệnh nhân tâm thần - 1

Y tá chăm sóc một bệnh nhân

 

Tình người trong chốn mông lung

Bác sỹ Phan Kim Thìn - Giám đốc bệnh viện cho biết, công việc của đội ngũ y bác sỹ tại một bệnh viện đặc thù như thế này quả thật nặng nề hơn rất nhiều so với những bệnh viện khác. Chữa bệnh cho người tỉnh khó một thì chữa cho người tâm thần khó gấp 5, gấp 7 lần. Điều nguy hiểm là với những người bị cấp tính thì họ đều có ý định “chết”.

Cán bộ của bệnh viện hiện nay gần 170 người, cơ sở vật chất được thiết kế để chữa trị cho khoảng 200 bệnh nhân. Từ hơn 10 năm nay số y bác sỹ chủ động về đây xin việc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết những người xin về đều vì bố mẹ họ từng có thời gian công tác tại đây, họ sinh sống làm quen với người bệnh từ nhỏ.

Còn những bác sỹ, y tá mới học ra cũng có vài người đến thử việc nhưng một thời gian sau là cao chạy xa bay vì sợ. Ngoài mức lương ấn định thì phụ cấp ở đây cũng không có gì hấp dẫn để họ chấp nhận “nguy hiểm”.
    
Một điều chắc chắn là không có y bác sỹ nào ở bệnh viện này thoát được sự “truy kích” của người bệnh. Nhẹ thì bị đuổi chạy từ phòng này sang phòng khác, bình thường là xước tay xước chân, có không ít người bị bệnh nhân nổi “cơn điên” đánh phải cấp cứu.

Bác sỹ Nguyễn Đức Toàn, trước đây đã từng đi bộ đội, khi còn ở khoa cấp tính nam anh chuyên đi khống chế bệnh nhân bị kích động. Anh nói đùa: “ba chàng công an chưa chắc đã khống chế được một người thần kinh… Nhưng đã vào tay tụi tui là ổn cả. Người mà bị kích động thì mình nhẹ nhàng, người mà ủ dột, ù lì thì mình phải áp đặt, ra lệnh”.

Đối với những người bệnh không nơi nương tựa hay bị người nhà đem đến rồi “bỏ quên” thì y bác sỹ không thể bỏ mặc bởi nhiều người chỉ biết ngồi một chỗ, việc chăm sóc thậm chí còn hơn con đẻ của mình.

“Thế giới” của những người điên ai đã từng gặp, hay chia sẻ một đôi điều với họ đã là một hành động dũng cảm. Còn với những bác sỹ, y tá tại bệnh viện tâm thần Nghệ An, họ mang đến cho người bệnh những điều đẹp hơn nhiều điều tốt đẹp trong cuộc đời này, đó là tình người.

Nguyễn Duy