1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hiến kế thoát nước Hà Nội

(Dân trí) - Dự án Metro Hà Nội dự định xây dựng đường hầm ngầm dưới đất 18-22m. Hầu hết các thiết bị kỹ thuật đặt dưới tầng hầm. Với cách đối phó ngập nước hiện tại, ai dám đảm bảo đường metro không phải là cái cống khổng lồ không lối thoát?

Bài học “thọ” 120 tuổi

Cách đây khoảng 150 năm, các cha cố phương Tây đến truyền đạo đã từng ví Hà Nội là Venise Phương Đông. Ngày ấy, việc đi lại cơ bản là bằng thuyền, sông hồ nối nhau chi chít, mấy con đường bộ nhìn trên bản đồ bé như sợi tơ. Mãi đến 1885, người  Pháp mới cho đắp một con đường nối khu Đồn Thủy với thành Hà Nội.

Công trình có quy mô đầu tiên là dự án lấp hào kết hợp với san phẳng thành Hà Nội để làm phố Phùng Hưng, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hùng Vương vào năm 1890. Sau đó, khu 36 phố phường cũng đua theo. Rất nhiều hồ (hồ Mã Cảnh, hồ Sao Sa, hồ Tân Khai…) bị san lấp để lấy đất làm nhà. Tại những khu phố mới mọc lên mang dáng vẻ châu Âu, kỹ sư công chính đã thiết kế các phương án thoát nước bài bản, hiệu quả cho đến tận ngày nay.
 
Hiến kế thoát nước Hà Nội  - 1
Mặt cắt cống tại khu phố Hàng Tre, lòng cống người có thể đi lại được, hai thềm cao hơn để công nhân đi lại nạo vét cống.

Bản vẽ thiết kế mạng lưới thoát nước thực hiện năm 1890, trước khi phá thành Hà Nội vạch ra các điểm thu gom các mạng lưới cống ngầm toàn bộ khu 36 phố phường và khu phố Tây phía Nam Hồ Gươm (hồ sơ thiết kế minh hoạ bản giải trình vay 1,5 triệu Franc để làm vốn xây dựng đô thị).

Đến giờ, nhìn vào các bản vẽ đó, có lẽ các nhà thoát nước Hà Nội cũng còn học hỏi được ít nhiều. Đây cũng là lời giải đáp cho băn khoăn về việc mưa to, phố mới thành sông mà phố cũ Hà Nội vẫn không bị ngập.

Cống tắc, hầm nhà thành giếng

Kể từ tháng 11/2008  đã có nhiều mổ xẻ tình trạng úng ngập. Trước hết vì Hà Nội chưa có chiến lược thoát nước. 50 năm nay, chưa có ông Chủ tịch thành phố, ông KTS, TS nào đưa ra một giải pháp thoát nước cho Hà Nội một cách thuyết phục. Ngay cả khi đã uỷ thác hết cho tư vấn Nhật Bản lập dự án thoát nước thì các dữ liệu đầu vào không đầy đủ.

Dự án nghiên cứu cả chục năm trước đây, thành phố đã có nhiều biến đổi.

Tốc độ san lấp khai thác mặt bằng nhanh hơn nhiều lần nâng cấp hệ thống tiêu thoát. Tài liệu Quy hoạch thoát nước các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, huyện Từ Liêm, Thanh Trì đều dồn nước cho 2 con sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Mở rộng mặt bằng thành phố gấp 3-4 lần nhưng vẫn chất tải lên một một trạm bơm duy nhất, ngay cả khi nâng công suất lên gấp đôi thì phụ thuộc vào một vị trí tập trung như vậy rõ ràng chứa nhiều rủi ro.
 
Hiến kế thoát nước Hà Nội  - 2
Thi công cẩu thả đất cát chui vào cống, vẫn lát đè lên trên.

Một thực tế rộn ràng, Hà Nội thừa tiền tráng lát bề mặt, thiếu khôn ngoan dưới mặt đất. Rất nhiều nơi vỉa hè cứ lát gạch xi măng lại cậy lên lát gạch tự chèn, ít lâu sau, lại nậy gạch tự chèn lên lát đá xẻ. Nhưng cái đường cống ở  2 bên mép đường kia thì thật cẩu thả, cống ghép lại nhưng “thả cửa” bụi đất trên mặt, bùn lơ lửng trong các ống nhựa nối vào, bùn đất các khe đùn ra…

Một trận mưa to, nước đẩy bùn ứ chặt cửa thoát, phố xá thế là dềnh nước. Ngập chán, vài chiếc xe sơn vàng chờ tới bơm sục bùn, nước thoát nhưng bùn rác vẫn tích tụ trong cống, đợi cơn mưa tiếp theo để… tắc tiếp. Không thành phố nào trên thế giới có hệ thống thoát nước “độc” như vậy.

Khi đất trung tâm thành phố đắt đỏ, vô số công trình tính đến chuyện ngầm hoá. Những toà nhà rón rén 1 tầng, 2 tầng rồi 5 tầng ngầm. Dự án Metro Hà Nội dự định xây dựng đường hầm ngầm dưới đất 18-22m. Hầu hết các thiết bị kỹ thuật đặt dưới tầng hầm (trạm phát điện, máy bơm, trung tâm điều khiển …).

Trận mưa lụt cuối tháng 10/2008  “chôn” luôn cả máy móc lẫn xe cộ để tầng hầm trong biển nước. Trận mưa đầu mùa vừa rồi, tầng hầm toà nhà văn phòng phố tôi cũng đã đầy ắp nước.

Với cách đối phó ngập nước của Hà Nội và TPHCM bây giờ, ai dám đảm bảo đường metro kia không phải là cái cống nước khổng lồ không lối thoát. Xem mặt cắt đường ngầm bé tí (đường kính khoảng 6m), chỉ vừa đủ toa tầu chui lọt thì nguy cơ không phải chuyện xa xôi.

Xử lý nước, xây nhà máy hay giếng ngầm?

Kể từ khi mở cửa,  rất nhiều sở ngành, quận huyện của Hà Nội tổ chức đi tham quan các nước lân cận nhưng sao vẫn chưa thấy đơn vị nào đem về bài học bổ ích. Chuyện úng ngập thành phố nào cũng có. Tokyo (Nhật Bản), đường dưới đất dài hơn đường “lộ thiên”. Cuối những năm 1970, mưa bão lớn làm ngập mấy tuyến metro nguy hiểm đến cả hành khách, dự án “G-cans” lập tức được tính đến. Nhật xây liền 5 giếng thu nước sâu 65m, hồ ngầm chứa hàng chục triệu m3 nước (sức chứa 4 con sông và các hồ nội thành Hà Nội là 22,8 triệu m3). Giếng thu nước của các đường ngầm, nối lại bằng những đường ống bê tông đường kính 50m, bơm ra sông công suất 200 tấn nước/giây, gấp 4 lần trạm bơm Yên Sở.

Trung tâm Kulalumpur (Malaysia) cũng có vùng trũng ngập. Người ta làm những đường hầm sâu hàng chục mét, đường kính 13,2m dài 9,7km. Trong đường hầm có 2 tầng xe và một tầng làm đường thoát nước. Khi ngập lớn thì toàn bộ mặt cắt sử dụng thành ống tiêu úng ngập khổng lồ. Tổng đầu tư dự án hơn nửa tỷ USD.
 
Hiến kế thoát nước Hà Nội  - 3

Hà Nội thì thừa nước ngập mỗi khi mưa nhưng vô cùng thiếu đường cho xe cộ đi lại. Tắc nghẽn nhiều nhất là tại các giao cắt giữa vành đai 2 với các trục xuyên tâm. Vấn đề sẽ được quyết nếu các giao cắt có cầu vượt (10 nút cần 200-300 triệu USD).

Trong khi cả tỷ USD làm mấy nhà máy xử lý nước thải tập trung cuối nguồn lãng phí vì quá tốn kém và vô nghĩa. Nếu làm 1 tuyến ngầm 10-12 km theo hướng Đông Tây, đường hầm có đường kính 13,2 -20m, ngăn trên bố trí Metro, ngăn dưới thoát nước ngầm, chi phí sẽ thấp hơn nhiều. Ở hai đầu tuyến bố trí các ga trung chuyển cực lớn kết hợp gara ngầm, siêu thị ngầm và tất nhiên là giếng ngầm bơm tiêu úng. Tiền bán các không gian kinh doanh ngầm, đấu giá các lô đất làm ga có thể làm thêm vài tuyến nữa.

Ông Mah Bow Tan - Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Singapore - đưa ra một lời khuyên cho vấn đề đô thị Việt Nam: “Điều quan trọng là có quyết tâm làm hay không và thực hiện nghiêm túc hay không?  Đây mới là bí quyết có tính quyết định để giải quyết vấn nạn úng ngập Hà Nội”.

KTS Trần Huy Ánh