Hiểm họa mang tên “mìn tự chế”

Khi vụ nổ mìn cướp tiệm vàng tại Hà Nội làm hơn 10 người bị thương vẫn đang gây xôn xao. Khi cơ quan công an xác định loại mìn đối tượng sử dụng là mìn tự chế, trong đầu tôi đã bật lên câu hỏi: Người ta đã chế tạo ra loại mìn này như thế nào?

Hiểm họa mang tên “mìn tự chế”

Cơ quan chức năng phải thuê máy xúc để san lấp một hố rộng 8m, sâu hơn 2m do mìn tự tạo phát nổ. Ảnh: P.V.H

"Nấu” mìn bằng… phân đạm, dầu thải và mùn cưa

Qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, tôi biết chắc các xã Lại Xuân, An Sơn của huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng có những “lò” sản xuất mìn. Thời gian qua, các chủ lò đã lén lút cung cấp mìn cho một số máng khai thác đá ở huyện Thủy Nguyên cũng như nhiều tỉnh phía bắc. Một nguồn tin cho biết: “Chẳng biết ai là người “sáng chế” ra công thức làm mìn tự chế. Cũng có người nói là nó bị rò rỉ từ một cơ quan nghiên cứu nào đó. Tuy nhiên, hơn 10 năm trước ở Thủy Nguyên, người ta đã biết cách làm mìn tự chế rồi”.

Dù mất nhiều ngày lân la, tìm đủ mọi cách thức nhưng ý tưởng thâm nhập một “lò” sản xuất mìn của tôi thất bại hoàn toàn. Đ - một thổ dân ở xã Lại Xuân - sau nhiều ngày đưa tôi đi tìm hiểu đã ngán ngẩm thở hắt: “Ông có cạy mồm bọn nó thì cũng chẳng thằng nào nói cho ông biết đâu. Người làm nghề này luôn đề phòng cao độ, vì nếu bị bắt thì coi như cầm chắc vài cuốn lịch (bị tù vài năm)”. Đang chán nản định bỏ đề tài thì hôm sau Đ gọi điện, thông báo vừa tìm được một người từng làm mìn tự chế.

Cuộc gặp giữa tôi với V - người được giới thiệu là từng có một thời tham gia một “lò” sản xuất mìn ở xã Lại Xuân - diễn ra bí mật như những kẻ đang buôn ma túy. V rụt rè trả lời những câu hỏi của tôi mà không quên nhắc đi nhắc lại: “Tôi bỏ nghề lâu rồi, anh em mình chỉ nói chuyện vui thôi”. Theo lời V thì cách đây 3 năm, anh ta nhận lời làm mìn thuê cho một chủ “lò” tên là K ở xã Lại Xuân. Việc làm mìn được tiến hành lén lút, lúc thì ở lán trại trên núi, khi thì ngay trong vườn nhà K.

Mỗi tháng vài lần, V cùng 3 người khác đến nhà K, âm thầm bắt tay vào công việc trong vòng 2 ngày với mức thù lao 2 triệu đồng/đợt. “Các ông làm mìn thế nào chẳng có chất phân dơi” – tôi đem kiến thức đã từng đọc được ở đâu đó từ thời trung học nói với V, những tưởng hắn sẽ cho rằng mình... hiểu biết. Thật không ngờ, tôi bị hắn cười vào mặt: “Các ông chỉ có sách vở, biết quái gì. Mỗi “lò” một lần sản xuất tới hàng tạ mìn, phân dơi ở đâu cho đủ”.

V giải thích: Nguyên liệu sản xuất mìn tự chế gồm 3 loại chính là phân đạm, dầu thải và mùn cưa. Không phải loại phân đạm nào cũng có thể dùng làm nguyên liệu nấu mìn được, đó phải là loại phân đạm do Trung Quốc sản xuất. Sau khi được đun trên một nồi gang với nhiệt độ lên đến hàng nghìn độ, phân đạm bị nung chảy thành dạng lỏng sền sệt rồi trộn với dầu thải và mùn cưa xay nhỏ. Sau khi trộn đều, chúng quyện thành những viên to, nhỏ khác nhau.

Để trở thành mìn, chúng phải được tán nhỏ, phơi khô trong một nhiệt độ thích hợp. Và khi thành mìn, chúng cũng không thể tự nổ được mà phải dùng đến kíp nổ. Những người khai thác đá trái phép ở Việt Nam vẫn chưa thể làm được kíp nổ, họ vẫn phải mua kíp nổ trôi nổi từ Trung Quốc.

Đọc “công thức” chế tạo mìn như trên, xin đừng độc giả nào tò mò mà thử chế tạo, bởi V khẳng định dù biết nguyên liệu chính gồm phân đạm, dầu thải và mùn cưa nhưng cứ nấu rồi trộn vào nhau thì chúng chỉ thành... bùn. Để thành mìn, chúng phải kết hợp giữa những bí quyết như bảo đảm nhiệt độ đun, tỉ lệ pha chế và có thêm chất phụ gia khác mà không một chủ nấu mìn nào chịu nói ra. Hơn nữa, cần nói thêm rằng đây là hành động phi pháp, bị pháp luật nghiêm cấm với khung hình phạt rất cao.

Sức công phá của vụ
nổ mìn tự tạo ở Kỳ Sơn khiến ngôi nhà này tan nát.

Sức công phá của vụ nổ mìn tự tạo ở Kỳ Sơn khiến ngôi nhà này tan nát.

Gian nan chống “mìn tặc”

“Nấu và buôn bán mìn tự chế là một “nghề” hái ra tiền, nên người ta bất chấp mọi thứ” - anh N.V.D ở xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết. Chỉ tay vào ngôi nhà 3 tầng bề thế như một biệt thự ở giữa thôn Pháp Cổ, xã Lại Xuân, anh D nói: “Đó là nhà Nguyễn Văn Lâm, người 2 năm trước đã gây ra vụ nổ mìn kinh hoàng ở thôn Niêm Ngoại, xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên”.

Chuyện xảy ra vào đêm 29/6/2010. Thời điểm đó, hai bố con Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Văn Đôn dùng xe ôtô chở 120kg thuốc nổ, 1.000 kíp mìn và 26kg dây cháy chậm từ nhà đi tiêu thụ. Giữa đường đi, gặp lực lượng công an, bố con Lâm điều khiển xe chạy vào đường liên xã, đoạn qua thôn Niêm Ngoại, xã Kỳ Sơn rồi vứt khối thuốc nổ, kíp mìn, dây cháy chậm xuống rãnh nước bên đường.

Sau khi chạy thoát thân về nhà, Lâm và Đôn đã rủ Ngô Văn Hiếu - là hàng xóm - quay trở lại, lấy đám rơm bên đường ném lên khối thuốc nổ, rút bật lửa đốt khiến mìn phát nổ. Sức công phá của hơn 100kg mìn tự chế khiến con đường nhựa dẫn vào thôn Niêm Ngoại bị cắt ngang bởi 1 hố rộng khoảng 8m, sâu gần 2m, hơn 10 người bị thương phải nhập viện và hơn 100 ngôi nhà trong vòng bán kính 1km nứt toác, bay mái.

Hiện Nguyễn Văn Lâm vẫn đang “bóc lịch” trong tù để trả giá cho hành vi của mình.

Tuy đã có bài học đắt giá như vậy, nhưng tới nay vẫn còn nhiều người bất chấp pháp luật, lén lút sản xuất mìn vì nghề này thu nhập quá cao. Chỉ cần làm trót lọt một vụ nấu mìn, trong vòng 2 ngày, các đối tượng có thể đút túi tới vài chục triệu đồng.

Là một người từng bắt nhiều vụ sản xuất, chế tạo mìn, trung tá Lê Văn Hiếu - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng - than: “Bắt các vụ sản xuất mìn tự chế là cả một quá trình trinh sát công phu, vì công an không thể bắt một người khi họ cất giữ trong nhà vài tạ phân đạm, chục lít dầu thải và một ít mùn cưa. Chỉ khi họ dùng để nấu, pha chế và làm rõ hành vi này nhằm sản xuất mìn tự chế, chúng tôi mới có cơ sở để tiến hành bắt giữ”.

Xác minh hành vi sản xuất mìn đã khó, tiến hành bắt giữ các đối tượng này cũng chẳng dễ dàng gì. Cách đây 2 năm, lực lượng công an tiến hành vây bắt một “lò” sản xuất mìn ở xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. Chủ “lò” này đã huy động hàng chục thanh niên, phụ nữ ra ngăn cản khiến tổ công tác không thể tiếp cận được căn nhà nghi chứa mìn. Khi lực lượng hỗ trợ gồm cả cảnh sát hình sự, cơ động đến hiện trường thì gần 1 tấn mìn trong căn nhà đã được phi tang xuống dòng sông cạnh đó.

Đại tá Nguyễn Trọng Phượng - Phó Giám đốc CA Hải Phòng - khẳng định: “Nhiều năm qua, CA Hải Phòng liên tục tổ chức các đợt cao điểm thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, qua đó thu hồi hàng tấn mìn các loại. Chỉ tính riêng đợt cao điểm mới nhất, từ ngày 27/6 đến nay, CA Hải Phòng đã phát hiện, bắt giữ 619kg, vận động nhân dân giao nộp 132kg thuốc nổ. Quan điểm của chúng tôi là bất cứ vụ việc nào liên quan đến sản xuất, buôn bán, vận chuyển mìn tự chế đều phải tiến hành điều tra, xử lý tận gốc với hình phạt thích đáng. Ngăn chặn mìn tự chế chính là triệt xóa từ gốc nhiều vụ án đau lòng”.

Chống “mìn tặc” là một cuộc chiến dai dẳng. Thời gian qua, lực lượng công an đã phá hàng chục vụ sản xuất, buôn bán, vận chuyển mìn, nhưng tình trạng bom mìn tự chế trôi nổi không giảm. Vụ cưỡng chế đất đai tại Tiên Lãng, anh em Đoàn Văn Vươn dùng mìn tự chế và súng hoa cải làm bị thương 6 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội; vụ cướp tiệm vàng Hoàng Tín ở Hà Nội, vụ giận người yêu nổ mìn tự sát hay vụ các đối tượng cầm mìn... đi chơi khiến không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng bom mìn giờ sẵn có trong nhà dân(?).

Dạy cách chế thuốc nổ trên mạng

Gõ từ khóa “chế tạo thuốc nổ” trên trang tìm kiếm “Google”, trên 1 triệu kết quả hiện lên trong 0,12 giây. Không ít các trang mạng xã hội như: “rongdai...us”; “a5pro...com”; “toi...com”, công khai đăng tải, truyền bá thông tin, hướng dẫn cách chế tạo thuốc nổ, địa điểm mua hóa chất để làm thuốc nổ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Có trang còn hướng dẫn chi tiết địa chỉ để mua các mặt hàng hóa chất được Chính phủ đưa vào danh mục chất hạn chế kinh doanh để chế tạo thuốc nổ như: Amoni nitrat (NH4NO3); Natri nitrat (NaNO3); Kali clorat (KCLO3)... Đặc biệt, trang mạng “You...com” đang lưu trữ một clip trên 5 phút, dạy chi tiết “cách làm thuốc nổ đen” và một clip dài hơn 10 phút dạy “cách làm thuốc nổ dân gian”.

H.V.M

Theo Phạm Việt Hòa
Lao động