“Hãy khoan sức dân, dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy”

(Dân trí) - “Thu phí bảo trì đường bộ từ xe máy rất khó khăn nhưng lại không được nhiều. Do vậy, theo tôi, thời điểm này hãy khoan sức dân, dừng thu phí xe máy”, đại biểu Ngô Văn Minh - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói.

Ngày 24/6, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đã phân tích rõ những bất cập liên quan đến chính sách thu phí bảo trì đường bộ với xe máy.

Thảo luận Luật phí và lệ phí, đại biểu kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Câu chuyện này càng nóng hơn trong cuộc “đối chất”giữa Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng với đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM bên hành lang Quốc hội. Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy?

Trước đây khi ban hành luật nhưng chưa lường hết được những khó khăn, phức tạp trong việc thu loại phí này. Do vậy, bây giờ phải tính toán kỹ lại nguồn thu đó được bao nhiêu, có đáng thu hay không. Đối tượng thu cũng vậy, một người họ sở hữu 3 đến 4 xe máy thì thu thế nào, có thu tất cả hay không? Rồi một gia đình chắt bóp mua được chiếc xe cà tàng, nhưng là phương tiện chính để kiếm kế sinh nhai thì sao?

Đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị khoan sức dân, bỏ thu phí đường bộ với xe máy (Ảnh: Việt Hưng)
Đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị khoan sức dân, bỏ thu phí đường bộ với xe máy (Ảnh: Việt Hưng)

Thực tế, mức đóng phí bảo trì đường bộ với xe máy đem lại nguồn thu không lớn. Phương thức thu cũng vậy, chúng ta giao tổ dân phố, ban công tác mặt trận đi thu không được bao nhiêu thì để lại cho họ thế nào thì hợp lý. Quá trình đi thu cũng khổ thân họ vì không phải ai cũng tự giác đóng, người ta cũng phản ứng.

Chính vì những bất cập đó, theo tôi cần phải rà soát lại, thực hiện chính sách khoan sức dân, không nhất thiết phải thu phí bảo trì đường bộ với xe máy.

Cũng trong cuộc “đối chất” với Chủ tịch HĐND TPHCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phân tích rõ Thông tư 133 ban hành tháng 11/2014 hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, quy định mức thu tối đa, không quy định mức thu tối thiểu. Theo ông, việc không quy định mức tối thiểu nghĩa là các tỉnh, thành phố quyết định có thu hoặc không thu loại phí này, tương ứng với mức thu bằng 0 đồng?

Tôi không chia sẻ quan điểm đó với Bộ trưởng Đinh La Thăng. Tại sao anh lại bảo chỉ quy định mức tối đa, không có tối thiểu là có thể thu 0 đồng. Anh đã quy định mức trần nghĩa là phải có thu. Mục đích khi đưa ra mức trần như vậy là để tránh lạm thu tiền của người dân. Còn nếu nói thu 0 đồng thì đưa ra Thông tư để làm gì. Nói như vậy là không thuyết phục.

Thực tế cho thấy, ở Hà Nội và TPHCM thu phí bảo trì đường bộ gặp rất nhiều khó khăn, một mặt dân không chịu đóng, mặt khác quá trình triển khai cũng có những bất cập nhất định. Do đạt mức thu thấp năm 2014, Chủ tịch 4 quận, huyện bị lãnh đạo TP Hà Nội kiểm điểm rút kinh nghiệm. Những bất cập như vậy có diễn ra ở tỉnh Quảng Nam không, thưa ông?

Đây là hai thành phố lớn, có rất nhiều xe máy, nhưng câu chuyện này tôi không nói riêng Hà Nội và TPHCM và cũng không phải câu chuyện riêng của Quảng Nam. Thu phí bảo trì đường bộ gặp khó khăn ở tất cả các địa bàn trên cả nước. Vì vướng mắc rất nhiều nên mất một thời gian dài nhiều địa bàn không thực hiện được. Do thu phí bảo trì đường bộ đem lại nguồn ngân sách không lớn, thực hiện lại rất khó khăn nên theo tôi phải tính toán lại chứ để mãi như hiện nay là không được.

Mức thu không lớn, nhưng đây cũng là nguồn tiền để bổ sung vào quỹ bảo trì đường bộ, điều này tạo điều kiện cho địa phương có nguồn ngân sách, chủ động sửa chữa những tuyến đường xuống cấp?

Có người cho rằng việc thu phí đó là để bảo trì đường bộ, tôi nghĩ như vậy cũng chưa thuyết phục. Phương tiện phá đường bộ là xe trọng tải nặng, chứ còn mấy chiếc xe máy thì phá làm sao được đường mà phải thu phí bảo trì đường bộ.

Vậy xin ông cho biết, quan điểm cụ thể của mình về vấn đề này như thế nào, chúng ta có nên thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy hay không?

Theo tôi là không nên thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Tiến tới Quốc hội phải bàn thảo vấn đề này đề sửa luật cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Đề cập đến vấn đề thu phí Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng cho rằng, nếu chỉ ngồi chờ vào ngân sách thì còn rất lâu nữa chúng ta mới dám mơ tới những con đường hiện đại. Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Thế nhưng quan điểm của người dân lại hoàn toàn ngược lại, đầu tư hạ tầng là việc của nhà nước và tiền đầu tư cũng là tiền thuế của người dân?

Đất nước chúng ta còn nghèo nên mới cố gắng động viên người dân tham gia cùng nhà nước làm những công trình phúc lợi phục vụ xã hội như công trình giao thông công cộng. Nhưng theo tôi, cũng không thể lập luận như Bộ trưởng Thăng được vì cái gì nhà nước phải đáp ứng cho người dân thì nhà nước phải làm. Vì dân đã đóng thuế rồi thì họ phải được hưởng giá trị mà họ bỏ ra.

Nhiều địa phương cho rằng, việc thu phí đường bộ đối với xe máy gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bỏ thu phí này. Ý kiến của bạn:
Thu phí này là bất hợp lí bởi người dân đã gánh nhiều loại thuế, phí khác để xe chạy được trên đường
Duy trì loại phí này giúp các địa phương có những con đường đẹp hơn
Ý kiến khác
  

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)