1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hàng trăm nhà khoa học quốc tế thảo luận về “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương”

(Dân trí) - Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại - Nghiên cứu tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam”, kéo dài suốt ngày 13/4, với 130 ý kiến tham luận của các nhà khoa học quốc tế đến từ 16 quốc gia.

Hàng trăm nhà khoa học quốc tế thảo luận về “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo Trung ương và địa phương tại buổi lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước.
 
Với sự có mặt của bà Katherine Muller Marin - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cùng  gần 200 nhà nghiên cứu đại diện cho 16 Quốc gia và vùng lãnh thổ, Hội thảo về "Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại - Nghiên cứu tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam" đã diễn ra sôi nổi với hàng trăm ý kiến tham luận chuyên sâu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc cho rằng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tiền đề văn hoá mang tính nhân văn và phổ quát cao. Sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên luôn mang đến cho mỗi cộng đồng những bản sắc riêng.

Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam, thờ cúng Hùng Vương có vị thế đặc biệt - thờ cúng những người khai mở nước Văn Lang cổ đại. Phú Thọ nói riêng, trên đất nước Việt Nam nói chung, Hùng Vương đã được coi là thuỷ tổ của dân tộc, một thánh vương thiêng liêng và gần gũi với mỗi người dân và mỗi cộng đồng làng xã, là điểm tựa tinh thần, tạo ra sự cố kết vững bền của mỗi quốc gia - dân tộc.
 
Hàng trăm nhà khoa học quốc tế thảo luận về “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” - 2

"Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - những người có công khai mở nước Văn Lang cổ như một điểm tựa tinh thần, tạo nên sự cố kết vững bền cho Quốc gia, dân tộc".

Tại Hội thảo, với 6 vấn đề trao đổi và hàng trăm ý kiến, tham luận khác nhau, các nhà khoa học đã sôi nổi thảo luận nhưng tập trung “xoáy sâu” vào vấn đề làm thế nào để bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà cụ thể là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - một di sản văn hóa phi vật thể.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương lễ hội Đền Hùng năm Tân Mão 2011 - bà Nguyễn Thị Kim Hải cho biết, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là thành tố văn hóa mang tính nhân văn, thể hiện nhu cầu tâm lý của con người luôn muốn tìm về, hướng về nguồn cội. Sự hình thành, phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang đến cho mỗi cộng đồng những bản sắc riêng.

Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - những người có công khai mở nước Văn Lang cổ như một điểm tựa tinh thần, tạo nên sự cố kết vững bền cho quốc gia, dân tộc.

Kết thúc buổi thảo luận kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ, Ban tổ chức đã nhận được 130 tham luận của các nhà khoa học đến từ 16 Quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Úc, Đan Mạch, Hàn Quốc, Anh…
 
Hàng trăm nhà khoa học quốc tế thảo luận về “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” - 3
Buổi hội thảo khoa học quốc tế "Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại - Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam" thu hút hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự. (Ảnh: Anh Thế - Quốc Đô)

Các bài tham luận đã đề cập đến những khía cạnh khác nhau của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của các dân tộc, quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó đặc biệt quan tâm phân tích, so sánh những nét riêng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương so với các dân tộc, quốc gia khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Hải cho biết, đây là hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên có quy mô lớn nhất về đề tài này. Việc tổ chức thành công hội thảo khoa học là cơ sở tham khảo để UNESCO đánh giá, thẩm định hồ sơ, sớm đưa “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  

Việt Hà - Hồng Ngân