Quảng Bình:

Hàng trăm ha lúa chết rét, nông dân điêu đứng

(Dân trí) - Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua đã làm cho hàng trăm ha diện tích lúa vụ đông xuân ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình chết rét hoàn toàn, kém phát triển. Hàng ngàn hộ dân đang trở nên điêu đứng.

Nông dân điêu đứng!

Những ngày đầu xuân, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Minh Hóa để tìm hiểu về tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện nghèo này. Vụ sản xuất đông xuân năm nay, huyện Minh Hóa đã xuống giống hơn 300ha lúa dài ngày, thế nhưng sau hơn 1 tháng từ khi xuống giống, rét đậm kéo dài đã làm cho khoảng 105ha bị chết rét, khiến hàng trăm hộ dân nơi đây đang trở nên điêu đứng.

Gia đình ông Đinh Hữu Quang (thôn Hợp Lợi, xã Xuân Hóa) gieo cấy được 3 sào lúa. Tất cả mọi nguồn lực về giống, phân bón, sức kéo đều được gia đình ông Quang đầu tư vào vụ lúa này, thế nhưng đã hơn 1 tháng trôi qua từ khi xuống giống, cây lúa chỉ phát triển được 10 - 15 cm, tỷ lệ lúa sống chỉ đạt khoảng 30%.

Để khắc phục tình trạng lúa chết, gia đình ông Quang đành phải phá đi số lúa còn sống để gieo lại. Ông Quang lo lắng: "Để bắt tay vào gieo cấy lại, gia đình tôi thiếu phân bón và giống lúa trầm trọng, không biết sau khi gieo lại thời tiết có thuận lợi nữa hay không. Gặp phải một trận rét nữa chắc năm nay cả nhà thiếu đói mất".

Hàng trăm ha lúa chết rét, nông dân điêu đứng - 1
Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua, ở Quảng Bình có hơn 300ha diện tích lúa vụ đông xuân chết hoàn toàn

Trên cánh đồng lúa chết trắng ở xã Xuân Hóa, gia đình chị Cao Thị Phương đang tận dụng những cây lúa còn sống trên các thửa ruộng của những gia đình khác để mang về cấy trên ruộng của mình. Chị Phương buồn rầu cho biết, gia đình chị chỉ có 1 sào, rét quá nên lúa chỉ lên được 30%, vì không có giống lúa ngắn ngày nên chị xin nhổ lúa của những gia đình khác phá gieo lại để cấy giặm vào thửa ruộng của gia đình mình.

Không chỉ riêng gì gia đình ông Quang và chị Phương mà ở xã Xuân Hóa có trên 600 hộ nông dân đang rơi vào tình cảnh này, sau tết ai ra đồng cũng lo lắng khi nhìn thấy cánh đồng lúa đang ngày càng thưa dần những màu xanh của lúa.

Vụ đông xuân năm nay, Xuân Hóa gieo cấy được 58,8 ha lúa, tranh thủ thời tiết nắng ấm nên bà con nông dân đã xuống giống ngay từ những ngày đầu tháng 10, lúa gieo xong do gặp rét đậm kéo dài, cộng với mưa phùn và sương muối nên cây lúa không phát triển được, trên 80% diện tích lúa của xã Xuân Hóa đã bị chết, số diện tích còn lại cũng đang chết dần.

Khoảng 77 ha lúa ở thị trấn Quy Đạt cũng đang phát triển rất kém do gặp thời tiết rét đậm kéo dài. Với 70% diện tích lúa bị thiệt hại do rét đậm kéo dài đã khiến nhiều hộ nông dân thị trấn Quy Đạt đang hết sức lo lắng.

Hàng trăm ha lúa chết rét, nông dân điêu đứng - 2
Tận dụng những ngày thời tiết nắng ấm, bà con nông dân Quảng Bình đang khẩn trương ra đồng gieo lại số diện tích lúa bị chết rét. Tuy nhiên, họ đang hết sức lo lắng, năm nay sẽ mất mùa do thiên tai

Những ngày này, tận dụng thời tiết nắng ấm, bà con nông dân huyện Minh Hóa đang khẩn trương ra đồng đưa nước vào các chân ruộng, tiến hành cày ải lại đất để gieo trồng lác giống lúa ngắn ngày.

Không chỉ riêng gì nông dân huyện Minh Hóa điêu đứng vì lúa chết hàng loạt mà các huyện như Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Bố Trạch cũng đang sống trong cảnh tương tự. Đợt rét vừa qua, huyện Tuyên Hóa có 75ha; Quảng Trạch có 110ha và Bố Trạch có khoảng 43ha diện tích lúa bị chết, phải gieo lại.

“Không để bà con thiếu giống”

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Quý Nhân - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, vừa qua UBND huyện đã tiến hành kiểm tra, khảo sát lại số diện tích lúa bị thiệt hại do rét. Qua đó, huyện đã vận động bà con sử dụng giống lúa ngắn ngày tự có để gieo lại. “Trước mắt, UBND huyện đã trích kinh phí hỗ trợ giá giống 100% cho bà con nông dân”.

Trước những khó khăn mà ngành nông nghiệp Quảng Bình đang gặp phải, ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật, Sở NN&PTNN Quảng Bình cho biết, đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 300ha diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại hoàn toàn, phải gieo lại. Tuy nhiên, rất may trước vụ đông xuân năm nay, Trung ương đã hỗ trợ cho tỉnh 200 tấn lúa giống X23 (giống dài ngày) và khoảng 18 tấn KD 18 (giống ngắn ngày), cùng với số giống dự trữ của người dân nên không lo ngại tình trạng thiếu giống.

Hàng trăm ha lúa chết rét, nông dân điêu đứng - 3

"Không để bà con thiếu giống" - ông Trần Đình Hiệp

Ông Hiệp cho biết thêm, vừa qua Sở đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra, khảo sát ở những địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại do rét để chỉ đạo Công ty CP Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình chuẩn bị đủ giống để cung ứng kịp thời cho người dân.

Sở NN&PTNN Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương đăng ký giống lúa với công ty để sớm gieo cấy vụ đông xuân trước ngày 15/2. “Hiện nay, lượng giống lúa dài ngày và ngắn ngày ở Công ty CP Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình để cung ứng cho bà con không thiếu”, ông Hiệp khẳng định.

Đặng Tài