Hàng chục nghìn tấn ắc quy xả thẳng vào môi trường mỗi năm

(Dân trí) - Hàng chục nghìn tấn ắc quy tại các làng nghề xả thẳng vào nguồn nước mỗi năm. Bản thân người dân, đặc biệt là trẻ em làng nghề, cũng đang đối mặt với tình trạng nhiễm độc chì nặng nề.

Theo báo cáo từ Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong năm 2010 đã có khoảng 40.000 tấn ắc quy chì đã được thải ra môi trường. Đáng lo ngại, dự báo đến năm 2015, con số này sẽ là gần 70.000 tấn. 

Khảo sát từ cơ quan chức năng cho biết, phần lớn lượng ắc quy này đã và đang được tái chế gia công tại các làng nghề. Như tại làng Đông Mai, Hưng Yên, có hơn 60 hộ thu gom ắc quy, với số lao động tham gia trên 500 người. Do không có các biện pháp quản lý sản xuất tốt và thiếu thiết bị xử lý ô nhiễm về môi trường theo quy định nên đất, nước và không khí của làng nghề này đang bị ô nhiễm khói bụi chì, nước thải a-xit trầm trọng. Đáng lo ngại, mức độ nhiễm chì của trẻ em trong làng đã ở mức báo động.

Hàng chục nghìn tấn ắc quy xả thẳng vào môi trường mỗi năm - 1
Công nhân làm chì tại một xưởng gia công. (Ảnh: CTV)
 
Bày tỏ sự lo ngại trước nguy trẻ em ở làng nghề bị nhiễm chì, ông Perry Gottesfeld, Giám đốc, Tổ chức Occupational Knowledge International (Tổ chức Quốc tế về Kiến thức An toàn lao động) đưa ra cảnh báo: Chì nguy hại cho cả trẻ em và người lớn, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Theo ông này các hoạt động tái chế không đúng quy cách sẽ không kiểm soát được bụi chì bay vào trong không khí, dẫn đến hiện tượng ô nhiễm đất và không khí. Trong khi đó, các cháu có thể bị ngộ độc chì nặng dù chỉ nhiễm một lượng chì nhỏ, gây giảm sút trí thông minh và khả năng học hành của trẻ nhỏ, bệnh thiếu máu, suy thận, các bệnh về tim mạch…

Trong báo cáo môi trường do Tổng Cục Môi trường ban hành cách đây 3 năm đã từng khuyến cáo: mỗi người dân sống trong làng nghề Đông Mai đều có khả năng mất 10 năm tuổi thọ do ô nhiễm môi trường.

Còn tại làng Tề Lỗ, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, vốn nổi tiếng với nghề “mổ xe, độ xe“, tuy không trực tiếp tái chế các loại rác thải công nghiệp như pin và ắc quy, nhưng ông Nguyễn Đình Hói, trưởng ban quản lý làng nghề ước tính: Với tốc độ phá xe như Tề Lỗ hiện nay thì mỗi ngày có hàng tấn đất cát nhiễm dầu mỡ và gỉ sắt được tống ra bãi rác dân sinh và một phần đưa ra bờ sông Phan gần xã. Thói quen này của người dân khiến nguồn nước trong khu vực bị ô nhiễm nặng.

Ông Tô Văn Thành - Phó Giám đốc Công ty CP Pin ắc quy Tia Sáng cho - cho biết, cách đây khoảng 10 năm về trước, các doanh nghiệp sản xuất pin và ắc quy lớn của Việt Nam đều thu hồi ắc quy chì và xử lý để tái sử dụng, nhưng nay không thực hiện nữa, bởi giá thu mua của công ty không cạnh tranh nổi với giá thu mua của lực lượng đồng nát.  “Ắc quy là thứ bán ra tiền, không ai vứt ắc quy ra đường cả. Tuy nhiên việc thu gom không được quy định nên doanh nghiệp có muốn cũng chịu. Do đó, cần phải có chế tài quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi doanh nghiệp khi thu hồi sản phẩm thải bỏ. Hiện nay, chúng tôi chỉ có thể chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ như máy chạy pin thân thiện với môi trường, giảm phát thải” - ông Thành nói.

Hàng chục nghìn tấn ắc quy xả thẳng vào môi trường mỗi năm - 2
Bụi chì bám kín từ đầu đến chân người công nhân. (Ảnh: CTV)
 
Theo tính toán của chuyên gia kinh tế, ước tính cả nước hiện có khoảng 28 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô và sẽ tăng khoảng 20-25% mỗi năm. Dự báo, đến năm 2021, Việt Nam có thể có 60 triệu xe mô tô và ô tô các loại. Như vậy, sẽ có hàng triệu bình ắc quy bị thải bỏ mỗi năm.  Nếu một nhà máy tái chế ắc quy chì ra đời và đi vào hoạt động với công suất 40.000 tấn chì /năm và chỉ cần hoạt động một nước cũng xuất cũng đã giúp ngành sản xuất ắc quy tiết kiệm được từ 10 triệu đến 20 triệu đô la Mỹ chi phí nhập khẩu chì tinh luyện (VN đang phải nhập khẩu một lượng lớn chì chất lượng cao làm nguyên liệu cho ngành sản xuất ắc quy pin và ắc quy).

“Các nước trong khu vực đều đã triển khai quy định về trách nhiệm doanh nghiệp trong thu hồi sản phẩm thải bỏ, không có lý do gì Việt Nam chậm trễ hơn nữa. Hiện trong cấu thành giá sản phẩm đặc biệt là các sản phẩm của các tập đoàn lớn đã có tính đến 10% chi phí cho thực hiện trách nhiệm môi trường. Vì vậy, chúng ta phải triển khai quy định này, rồi sẽ có sửa đổi dần dựa theo nhu cầu thực tế”- ông Lê Văn Kiều- nguyên Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra ý kiến.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, hiện  Cục này đang xây dựng, hoàn thiện Dự thảo quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo hướng yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi sản phẩm hết hạn sử dụng, các sản phẩm thải bỏ như ắc quy, pin, săm lốp… để tránh những hậu quả về môi trường mà nguồn rác thải này sẽ gây ra.

Dự thảo cũng quy định cụ thể về tỷ lệ thu hồi, xử lý và lộ trình thực hiện. Pin và ắc quy sẽ được thực hiện thí điểm đầu tiên, kể từ ngày 1/1/2013. Sau đó đến 1/1/2014 và 2015, sẽ là nhóm các thiết bị điện và điện tử. Tỷ lệ thu hồi, xử lý đối với các loại pin dự kiến là 10%, ắc quy là 15%. Trong nhóm thiết bị điện và điện tử thì máy vi tính, máy in, fax, scaner có tỷ lệ thu hồi, xử lý là 15% và các loại sản phẩm còn lại là 10%.

Trong trường hợp thực hiện trách nhiệm thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ chưa đạt tỷ lệ quy định DN sẽ phải chịu chi phí thu hồi, xử lý theo quy định.

 P. Thanh