Hà Tĩnh:

Hai người chết oan vì bò, ai chịu trách nhiệm?

(Dân trí) - Vụ 2 người đàn ông đi xe máy tránh con bò thả rông và bị xe đầu kéo cán tử vong trên quốc lộ 1A địa phận xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thêm một lần nữa khiến giới tài xế và người dân vô cùng bức xúc. Người dân khẩn thiết kêu gọi chính quyền hành động quyết liệt để chấm dứt những cái chết oan đau lòng.

Suýt mất mạng vì bò

Sau khi báo điện tử Dân trí đăng tải thông tin “Tránh con bò, 2 người đàn ông bị xe đầu kéo cán tử vong” xảy ra vào chiều tối ngày 25/10 trên quốc lộ 1A địa phận xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), rất nhiều bạn đọc là những người thường xuyên qua lại tuyến QL 1A địa phận tỉnh Hà Tĩnh đã gửi bình luận, phản ánh nỗi bức xúc trước tình trạng vô trách nhiệm của người nuôi, thiếu trách nhiệm của chính quyền các cấp khi để tình trạng bò mặc sức hoành hành trên tuyến đường này.


Chiều 25/10, hai người đàn ông đi xe máy đã bị ô tô cán chết khi bất ngờ bẻ lái tránh con bò băng qua đường.

Chiều 25/10, hai người đàn ông đi xe máy đã bị ô tô cán chết khi bất ngờ bẻ lái tránh con bò băng qua đường.

Bạn đọc Nguyễn Văn Vũ phản ánh, địa phận quốc lộ 1A từ TP Hà Tĩnh đến thị trấn Cẩm Xuyên rất nhiều bò đi lại, đứng, nằm trên quốc lộ, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chính anh Vũ cũng đã có lần suýt mất mạng vì bò.

Bản thân tôi vì phanh gấp tránh một con bò đang nằm im bỗng lao sang đường mà suýt bị xe tải phía sau tông. Sau lần ấy cứ mỗi lần đi trên cung đường này tôi không dám chạy nhanh, đôi mắt cũng luôn căng ra để ý tránh bò giữa đường”, anh Vũ viết.

Một bạn đọc Vinhhieunhan chia sẻ: "Đoạn đường 1A từ thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) đến gần cầu bến Thủy (nối hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh) bò thả rông rất nhiều, không ai quản lý, người trông cũng không có ý thức. Cơ quan chức năng cũng không có giải pháp, nên tai nạn là đương nhiên".

Bạn đọc Nguyễn Hồng Anh cho biết, không năm nào trên tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa phận tỉnh hà Tĩnh không có người chết oan uổng vì trâu bò thả rông trên đường. “Người chết thì đã chết, tội cho họ vô cùng. Nhưng những người chịu thương tật cũng đau, cũng tội không kém. Vô số chủ xe cũng gánh thiệt hại quá nặng nề”- bạn đọc Hồng Anh phản ánh.


Cả đàn bò thả rông nghênh ngang đi lại trên QL 1A địa phận xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ảnh PV Dân trí chụp chiều ngày 26/10/2017.

Cả đàn bò thả rông nghênh ngang đi lại trên QL 1A địa phận xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ảnh PV Dân trí chụp chiều ngày 26/10/2017.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người cũng bày tỏ nỗi bức xúc trước thực trạng tai nạn xảy ra mỗi ngày liên quan đến tình trạng bò thả rông trên đường.

Anh Nguyễn Thanh Hải, một cán bộ tại Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du (Hà Tĩnh) phản ánh: “Ngày 24/10 đi qua địa bàn Can Lộc thấy chiếc xe tải chở cát bị lật cũng vì tránh một đàn bò, 25/10 cũng lại là những con bò được thả rông và cũng là nguyên nhân chính cướp đi sinh mạng của 2 nam thanh niên ở Can Lộc! Trách nhiệm này thuộc về ai?

Ở Hồng Lĩnh, Nghi xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Can Lộc, bò ngang nhiên nằm la liệt giữa QL1A, phá hoại hoa, cây cảnh... như tôi không ít lần phải dừng lại đuổi trâu bò khỏi đường cho xe lưu thông, thế nhưng cũng chẳng nghĩa lý gì. Nếu ý thức của người dân chăn nuôi trâu bò thiếu suy nghĩ, cứ thả rông mạnh ai nấy đi thì còn có nhiều vụ tai nạn thương tâm sẽ xảy ra. Chết bò thì ra ăn vạ bắt đền, còn chết người thì có dám ra nhận là trâu, bò của mình không?".

Hai người chết oan vì bò, ai chịu trách nhiệm? - 3

Dòng chia sẻ trên của anh Hải nhận được hàng trăm lượt bình luận đồng tình trên mạng xã hội.

Chị Hằng Nguyễn thầm cảm ơn trời phật đã thương khi chồng sống sót sau khi xe tông phải đàn bò. “Chồng em cũng vì đàn bò. May mà ng không sao. Nhìn xe hư toe toét mới thầm cảm ơn trời phật nhiều lắm. Họ toàn buộc dây cho ăn gần đường, nhiều hôm chạy xe qua còn kịp phanh lại, không chắc giờ không được nằm mà online như này rồi”- chị Hằng viết.

Yêu cầu xử nghiêm chủ nuôi và địa phương

Nhà báo Đức Thiện (Báo Hà Tĩnh), người chuyên theo dõi, đưa tin về mảng an toàn giao thông trên địa bàn cho biết, thực tế thời gian qua ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn yêu các địa phương tuyên truyền, buộc người dân ký cam kết không thả rông trâu, bò trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nếu vi phạm người dân phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra tai nạn giao thông có liên quan đến trâu bò thả rông.


Một đàn bò rông rải trên QL 1A địa phận xã Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh chiều ngày 26/10.

Một đàn bò rông rải trên QL 1A địa phận xã Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh chiều ngày 26/10.

Theo nhà báo Đức Thiện, thực tế chỉ đạo trên chưa thực sự mang lại sự bình yên cho người tham gia giao thông.

Anh chia sẻ một câu chuyện để minh chứng cho việc người chết oan vì bò, nhưng nếu may mắn người sống sót mà đâm chết bò thì cũng phải "đền ốm".

Theo đó vào lúc 17h ngày 14/10, chiếc xe tải BKS 38C 015-4… lưu thông trên QL 1A đến tuyến đường tránh thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) thì bất ngờ gặp một con bò băng qua đường. Tài xế đánh tay lái để tránh, song không may lại tông trúng 2 con bò của gia đình ông Nguyễn Văn T. (trú xã Xuân An) đang gặm cỏ bên đường làm 1 con chết, 1 con bị gãy chân. Chiếc xe tải lao xuống vệ đường, tài xế may mắn thoát nạn. Sau khi thương lượng, tài xế phải bồi thường 38 triệu đồng mời được rời khỏi địa bàn.

Để ngăn ngừa những cái chết oan uổng do tình trạng trâu bò thả rông, nhà báo Đức Thiện kiến nghị Ban ATGT tỉnh cần có thêm quy định trách nhiệm cụ thể đối với địa phương, đồng thời, thay đổi chế tài xử phạt theo hình thức tăng nặng đối với chủ nuôi.

Anh Nguyễn Mạnh Hà, tài xế tại huyện Can Lộc, đề xuất: “Không thể để tình trạng này kéo dài mãi được. Theo tôi phải thành lập một đội cơ động gom bắt bò thả rông như ở TP Hồ Chí Minh tổ chức bắt gom chó thả rông gây nguy hiểm cho người đi đường. Nếu tuyên truyền, giải thích rồi không nghe, cứ thấy bò bước chân trên quốc lộ mà không có người chăn dắt là gom về phạt thật nặng. Phạt không chỉ người nuôi mà còn phạt cả địa phương. Tiền thu được dùng để chi trả cho đội cơ động này”.

Chị Hà Anh, một giáo viên tại huyện Can Lộc, không chỉ kêu gọi chấm dứt hẳn "lệ làng" tồn tại lâu nay là người gặp nạn phải đền bù cho chủ bò, mà còn đề nghị cơ quan pháp luật phải truy tố trách nhiệm của chủ bò thả rông gây tai nạn.

Ông Nguyễn Đăng Trung, một cán bộ về hưu tại TP Hà Tĩnh, đề xuất ngoài xử nghiêm chủ nuôi cần xử lý nghiêm, cách chức Chủ tịch UBND các xã, huyện để xảy ra tình trạng này.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hà Tĩnh, trong năm 2016 và 10 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông có liên quan đến trâu bò thả rông, trong đó có 4 vụ nghiêm trọng dẫn đến chết người, 10 vụ va chạm đường sắt làm hàng chục con trâu bò bị chết.

Văn Dũng – Tiến Hiệp