Hai cây cầu nguy hiểm ở cửa ngõ TPHCM

(Dân trí) - Sở Giao thông Vận tải vừa yêu cầu khu quản lý giao thông đô thị số 2 nghiên cứu, khắc phục các nguy cơ gây ra tai nạn tại cầu Rạch Chiếc và cầu vượt Cát Lái - hai cây cầu chính yếu trên tuyến cửa ngõ phía Bắc thành phố.

Hai cây cầu nguy hiểm ở cửa ngõ TPHCM - 1
Trong vụ tai nạn ngày 25/7, rất may là thùng container không rơi xuống phần đường bộ có nhiều xe lưu thông (ảnh: Trung Kiên)

Tại cầu vượt Cát Lái (nhánh rẽ từ Xa lộ Hà Nội về cảng Cát Lái) ngày 25/7 đã xảy ra sự cố rất nghiêm trọng, một chiếc xe container đã lật ngang khi bẻ cua trên nhánh cầu này. Rất may là thùng container hàng vướng lại ở thanh chắn bảo vệ an toàn cầu, không rơi xuống phần đường bộ bên dưới cầu nên không có thiệt hại về người.

Theo Sở GTVT, sau gần 1 năm thông cầu, trên cầu vượt này đã xảy ra 3 vụ lật container như trên; trong đó có 2 vụ xảy ra ở khúc cua trên nhánh rẽ từ Xa lộ Hà Nội về cảng Cát Lái và 1 vụ trên nhánh rẽ từ Đại lộ Đông Tây về hướng cảng Sài Gòn. Tình trạng này đã được Dân trí phản ánh từ tháng 11/2010 qua bài “Hồi hộp đi qua gầm cầu vượt”.

Đến nay, sau nhiều tai nạn xảy ra, Sở GTVT mới chỉ đạo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát hiện trạng kỹ thuật cầu và nguyên nhân tai nạn. Từ đó, đề ra các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực trên như hạn chế tốc độ, biển báo dẫn hướng dọc theo lan can cầu tại các vị trí đường cong…

Sở GTVT cũng đề nghị Công an TP chỉ đạo lượng lực tăng cường tuần tra tại khu vực nút Cát Lái xử lý nghiêm tình trạng các loại xe lưu thông quá tốc độ cho phép tại khu vực trên.

Hai cây cầu nguy hiểm ở cửa ngõ TPHCM - 2
Mối họa xe tải lao từ cầu vượt xuống đất đã được cảnh báo từ lâu, nay cơ quan chức năng mới phát hiện ra

Cách cầu vượt Cát Lái chừng 500m về hướng Ngã tư Thủ Đức là cầu Rạch Chiếc. Cuối năm 2009, TP quyết định xây dựng lại cầu Rạch Chiếc với hai nhánh biên và 1 nhánh chính ngay tại vị trí cầu cũ. Đến ngày 19/2, cầu Rạch Chiếc cũ đóng cửa, phá dỡ để thi công nhánh chính cầu Rạch Chiếc mới. Các phương tiện giao thông 2 bánh muốn qua Rạch Chiếc phải lưu thông qua hai cây cầu tạm bằng sắt.

Nhưng do cầu tạm làm bằng sắt, mặt cầu trơn trượt nên sau mỗi cơn mưa thường xuyên xảy ra tai nạn té ngã trên hai cây cầu này. Ông Nguyễn Anh Huy, một người từng trượt ngã trên cây cầu này phản ánh: “Tôi chạy rất chậm nhưng vẫn té vì mặt cầu trơn quá. Lúc đó cũng có nhiều xe trượt té giống tôi”.

Đại diện Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 cho biết: “Hiện nay, mặt cầu tạm Rạch Chiếc 1 và cầu tạm Rạch Chiếc 2 làm bằng thép cho nên mặt cầu thường trơn trượt khi trời mưa. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đã tiến hành hàn tăng cường các thanh thép ngang trên mặt cầu để tăng độ ma sát mặt cầu tại các đoạn dốc lên, xuống cầu”.

Còn việc thời gian qua vẫn xảy ra nhiều tình trạng té ngã trên cầu, khu Quản lý giao thông đô thị số 2 giải thích: “Lưu lượng xe 2 bánh lưu thông qua cầu tạm Rạch Chiếc 1, 2 ngày càng tăng cao dẫn đến mặt cầu thép nhanh chóng bị mòn, giảm độ ma sát nên đã xảy ra tình trạng trơn trượt như trên”.

Để khắc phục, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đã tiến hành khảo sát và hàn thêm các thanh thép gân ngang trên mặt cầu để tăng độ ma sát mặt cầu.

Tùng Nguyên