Hà Tĩnh: Nông dân khốn đốn vì… giun

(Dân trí) - Chỉ chưa đầy 1 năm, hàng chục hộ dân ở các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh đã trắng tay, thậm chí nhiều gia đình trở thành con nợ của Ngân hàng vì ký hợp đồng nuôi giun với Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Hùng Vương.

Theo phản ánh của người dân, khoảng cuối năm 2011, họ được công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Hùng Vương (địa chỉ Km3, QL. Thăng Long, Phương Trạch, Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) do ông Nguyễn Mạnh Khang làm TGĐ giới thiệu về mô hình nuôi giun cao sản cho thu nhập cao và hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp.

Nhẹ dạ cả tin kèm theo những lời giới thiệu ngon ngọt của Công ty, nhiều hộ dân đã ký hợp đồng với công ty “Chuyển giao Công nghệ - Kỹ thuật, phát triển mô hình 3 tầng kinh tế và bao tiêu sản phẩm”. Theo đó, người dân “được mua” con giống, thuốc, chế phẩm từ công ty. Sau khi có sản phẩm thì phía Công ty hứa cứ 3 tháng sẽ tới tận nơi thu mua sản phẩm trong vòng 3 năm.

Tuy nhiên, trên thực tế công ty này chỉ thu mua được lứa đầu, sau đó thì bặt vô âm tín khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh nợ nần vì đã trót đầu tư cả trăm triệu đồng để mở rộng mô hình nuôi giun ..

Anh Nguyễn Trường Giáp (thôn Kim Sơn, xã Gia Hạnh, Can Lộc) trở thành con nợ của Ngân hàng vì ký hợp đồng nuôi giun. Anh Giáp kể, cuối tháng 12/2011,  tình cờ anh gặp ông Nguyễn Mạnh Khang,TGĐ Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Hùng Vương và được ông này giới thiệu về mô hình nuôi giun đang triển khai.

Tin vào những lời giới thiệu bùi tai như nuôi giun đơn giản, tốn ít thức ăn, nhàn nhã lại cho thu nhập cao,  anh Giáp đã đầu tư hơn 180 triệu đồng (trong đó anh phải vay ngân hàng 100 triệu). Số tiền đó, anh mua con giống mất 120 triệu, tiền chuồng trại các trang thiết bị gần 60 triệu. Đến tháng 3/2012, gia đình anh Giáp xuất được lứa đầu tiên thu về được 19 triệu đồng. Những tưởng gia đình đã gặp được “thần hộ mệnh”, với mô hình này chẳng mấy chốc gia mình sẽ thoát được cái nghèo đói. Nhưng niềm vui  chẳng tày gang, từ sau lần mua ấy, phía công ty không còn đả động, mặn mà gì với mua và nuôi giun nữa.

Anh Nguyễn Trường Giáp  trở thành con nợ của Ngân hàng vì ký hợp đồng nuôi giun
Anh Nguyễn Trường Giáp  trở thành con nợ của Ngân hàng vì ký hợp đồng nuôi giun

“Lứa đầu nhà tui xuất được gần 4 tạ giun với giá 135 nghìn/kg. Vị chi là được gần 50 triệu đồng. Nhưng công ty trừ mất gần 30 triệu tiền thuốc, tiền chế phẩm. Họ hứa là cứ 3 tháng một lần đến thu mua nhưng giờ chẳng thấy tăm hơi đâu’’ anh Giáp cho biết.

Vì quá lo lắng, anh Giáp cùng với những hộ dân nơi đây gọi ra công ty, thì họ bảo người dân phải chở ra Hà Nội thì họ mua . Đâm lao phải theo lao, anh Giáp cùng với anh Đông (cùng xã) thuê một chiếc xe tải (4 triệu/chuyến) chở giun ra Hà Nội. Cả hai gom được gần 8 tạ giun và được thu mua nhưng bảo là cho công ty nợ rồi sẽ trả sau  Nhưng tới giờ đã hơn 5 tháng, mặc dù  anh Giáp và anh Đông đã gọi điện mấy lần nhưng vẫn chưa nhận được một đồng nào. Giờ anh Giáp và những hộ nuôi giun nơi đây gọi ra công ty theo số máy 0439540263 thì không có ai nhấc máy nữa.

 ‘‘Nuôi con gà, còn vịt thì còn làm thịt còn bán ra thị trường để bòn chút tiền, giờ nuôi giun mà họ không mua nữa thì chỉ có nước cho gà ăn thôi. Ra tết thì tui phải sang Lào làm ăn, còn vợ và con gái phải cho vào Sài Gòn kiếm việc làm mà sống chứ ngôi nhà này chắc phải bán mà trả nợ cho Ngân hàng thôi’’ anh Giáp rầu rĩ.

Cũng giống như anh Giáp, gia đình anh Đoàn Ngọc Lam thôn Kim Sơn, xã Gia Hạnh (Can Lộc) cũng gom hết vốn đầu tư 145 triệu đồng phát triển mô hình nuôi giun cao sản. Nhưng sau hai lứa thu hoạch thì phía công ty cũng không còn về thu mua nữa khiến gia đình anh từ chỗ khá giả rơi vào cảnh khốn khó, lo bữa ăn từng ngày.

Anh Lam cho biết : ‘‘Lứa đầu thì C.ty họ về tận nơi để thu mua cho bọn tui, nhưng sau đó thì bặt vô âm tín. Những lần sau, chúng tôi gọi điện ra công ty thì họ bảo phải chở đến chỗ này, chỗ nọ. Họ ép giá khổ lắm. Giờ tui không còn tiền để chăm đàn giun này nữa nên mấy tháng ni tui bỏ hoang cả trang trại. Nhìn cả đống tiền đang chết mòn chết dần mà thấy xót quá’’.

Anh Lam cũng cho biết thêm, hiện nay riêng huyện Can Lộc cũng đang có khoảng gần 15 hộ dân gặp tình cảnh tương tự. Ngoài ra còn có một số hộ dân ở các huyện Hương Sơn, Cẩm Xuyên cũng đang lâm vào tình cảnh "bỏ thì thương,vương thì tội".

Bản hợp đồng mà các hộ
dân ký với C.ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Hùng Vương.
Bản hợp đồng mà các hộ dân ký với C.ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Hùng Vương.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Nghĩa, P.Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Can Lộc cho biết: “Gần đây chúng tôi cũng nhận được mt s đơn thư của người dân nhờ can thiệp. Tuy nhiên, đây là mô hình người dân tự ý ký kết với công ty mà không thông qua chính quyền địa phương nên chúng tôi cũng bó tay. Các bản hợp đồng mà người dân đang giữ là không đầy đủ thủ tục pháp lý nên chưa tìm được cách tháo gỡ”    

Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ hành vi trên của công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Hùng Vương.

Xuân Sinh