1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hà Nội xin có công ty kinh doanh vốn riêng

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, thành phố đang xây dựng đề án thành lập Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước trực thuộc.

Đề nghị lập Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc UBND thành phố đã được Hà Nội gửi lên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Hà Nội đang đề xuất xin thành lập công ty SCIC riêng, trực thuộc thành phố

Hà Nội đang đề xuất xin thành lập công ty "SCIC" riêng, trực thuộc thành phố

Theo UBND Hà Nội, việc lập Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc sẽ giúp thành phố đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước. Đến nay, trên địa bàn đã có 9 doanh nghiệp xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó 5 đề án đã thẩm định trình phê duyệt.

Tuy nhiên, số lượng này chỉ là phần nhỏ trong tổng số 30 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp mà thành phố phải tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015. Trong đó, cổ phần hoá 16 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, 14 doanh nghiệp còn lại sẽ sắp xếp theo hình thức khác.

Giai đoạn đầu, thành phố sẽ sáp nhập 5 Xí nghiệp môi trường đô thị các huyện vào Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội. Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội cũng sẽ được tái cơ cấu theo hướng đảm bảo việc quản lý quỹ nhà. Với Công ty cổ phần Dịch vụ truyền thanh, truyền hình Hà Nội, thành phố sẽ tổ chức Đại hội cổ đông để bàn việc tái cơ cấu nhân sự.

Hiện nay, cả nước mới có một Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng nhằm thực hiện quá trình cải cách doanh nghiệp và tái cơ cấu kinh tế.

SCIC quản lý và đại diện vốn ở hàng trăm doanh nghiệp, với giá trị danh mục đầu tư tính đến hết năm 2012 lên tới 50.000 tỷ đồng theo giá thị trường.

Là đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ phân bổ, điều tiết vốn cho các doanh nghiệp hỗ trợ nền kinh tế phát triển nhưng SCIC lại mang 19.600 tỷ đồng gửi vào ngân hàng để lấy lãi.

Thông tin SCIC trên được nêu rõ trong báo cáo doanh thu tài chính của đơn vị này. Báo cáo nêu, năm 2012 chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm nên chỉ đạt 1.568 tỉ đồng.

Như vậy có thể thấy các khoản đầu tư tài chính khác hầu như không đáng kể, doanh thu tài chính của SCIC có được là tiền lãi gửi các ngân hàng. Với số tiền lãi thu về 1.568 tỉ đồng, ước tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới 19.600 tỉ đồng, tăng mạnh so với năm 2011 (số tiền mang gửi ngân hàng ước trên 10.500 tỉ đồng, lãi thu về khoảng 1.479 tỉ đồng).

Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp để duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện nền kinh tế hiện nay.

Xin cơ chế đặc thù

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có hàng loạt văn bản xin Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù như: “xin” được trao quyền quy định các loại công trình được miễn phép xây dựng, phải cấp phép xây dựng. Phía Hà Nội viện dẫn cơ sở là do Luật Xây dựng quy định có 5 loại phải cấp phép XD, trong khi đó Nghị định số 12/2009 của Chính phủ lại quy định 6 loại... gây khó khăn cho Hà Nội trong việc quản lý trật tự xây dựng.

Hà Nội cũng từng đề nghị đưa vào Luật Thủ đô cho phép thành phố được quy định chế tài xử lý mạnh những trường hợp chây ì, không chấp hành chính sách GPMB. Đồng thời tạo cơ chế khen thưởng cho những trường hợp chấp hành nghiêm túc ngay từ đầu.

Theo kiến nghị của Hà Nội, Chính phủ nên giao việc quản lý các trục đường quốc lộ chạy qua địa bàn cho thành phố quản lý. Đồng thời giao nguồn vốn Trung ương cấp để đầu tư nâng cấp các tuyến đường cho Hà Nội.

Phía Hà Nội cũng xin được phân cấp cho thành phố “đặc quyền” được quy định về chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT, thay vì chỉ được quản lý lòng đường như hiện nay.
Theo Vân Lan
Báo Đất Việt