Hà Nội sẽ trồng thay thế cây gì sau khi di dời hơn 1.300 cây xanh

(Dân trí) - Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định số liệu dịch chuyển, giải tỏa hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng mới là đề xuất của chủ đầu tư dự án. Còn quan điểm nhất quán của thành phố là chọn phương án ưu tiên bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh kinh phí…

Ngày 6/6, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin rõ việc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh phục vụ thi công mở rộng đường Phạm Văn Đồng – thuộc Vành đai 3 và quan điểm chủ trương về cây xanh, môi trường của TP Hà Nội.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tuyến đường Vành đai 3 là trục giao thông huyết mạch của TP Hà Nội, tuyến đường quan trọng của giao thông liên tỉnh. Do vậy, việc xây dựng, mở rộng tuyến đường theo quy hoạch là yếu tố cấp bách và cũng phù hợp với tốc độ tăng trưởng, nhu cầu đi lại của người dân.

Hàng cây xanh mướt trên đường Phạm Văn Đồng (Ảnh: Toản Vũ)
Hàng cây xanh mướt trên đường Phạm Văn Đồng (Ảnh: Toản Vũ)

Trong quá trình làm đường, ngoài việc giải tỏa nhà dân, hạ tầng thì có khoảng 1.300 cây xanh phải dịch chuyển, giải tỏa, cắt tỉa. Trong đó có 1.015 cây xà cừ, bàng, lát, sưa, xoài… phải giải tỏa, chặt hạ; 158 cây phải dịch chuyển; 142 cây được giữ nguyên.

Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định nhu cầu, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng đến nay mới là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, chỉ trong điều kiện không thể dịch chuyển mới chặt hạ.

Đối với số cây xanh phải xử lý trong dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng, theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đã giao cho các đơn vị liên quan lên danh sách, hồ sơ cây xanh, phương án đối với từng cây, có sự giám sát chặt chẽ việc xử lý như di dời hay chặt hạ.

Sau khi di dời hơn 1.300 cây kể trên, Hà Nội sẽ trồng thay thế 1.547 cây, gồm giáng hương, bàng Đài Loan, cọ dầu, ban hoàng hậu. Ngoài ra, còn có khoảng 4.600 cây bụi như đại sứ, tường vi, hoa giấy… được trồng trên tuyến đường này. Gần 70.000 m2 thảm cỏ, cây thảm lá màu cũng được trồng trên tuyến đường.

Quang Phong