Hà Nội kiến nghị tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông

(Dân trí) - Báo cáo UB Pháp luật Quốc hội, Hà Nội kiến nghị xử phạt nặng với hành vi vi phạm giao thông, cho phép áp dụng biện pháp tạm giữ biển số xe ô tô.

Từ thực tiễn UBND thành phố Hà Nội đề nghị riêng lĩnh vực TTATGT, cho phép cấp trưởng có thể uỷ quyền cho cấp phó xử phạt mà không cần văn bản vì thực tế cấp phó xử phạt nhiều và phổ biến, nếu hồ sơ nào cũng yêu cầu giấy uỷ quyền thì sẽ thêm công đoạn. Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 34/2010 theo hướng tăng nặng đối với một số hành vi vi phạm; cho phép áp dụng thêm một số biện pháp như tạm giữ biển số xe ô tô... Tuy nhiên lại đề nghị giảm mức phạt tiền với một số hành vi lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng đường.
 
Hà Nội kiến nghị tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông
CSGT trong một ca xử lý hành vi vi phạm luật giao thông

Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị các Bộ ngành có văn bản hướng dẫn, giải quyết giúp Thủ đô giải quyết tình trạng quá tải trong việc tạm giữ, quản lý xe ba bánh, bốn bánh vi phạm; xem xét quy định về tịch thu tàu thuyền vi phạm vì tàu vi phạm thường là nơi cư trú của cả gia đình người vi phạm, về giá trị kinh tế lại gấp nhiều lần so với hình phạt chính và thường là tài sản thế chấp tại ngân hàng.

Trong 3 năm (2009-2011), theo nhận xét của UBND TP Hà Nội, tình hình ùn tắc và TNGT đường bộ “tuy có giảm nhưng vẫn phức tạp” với những con số cụ thể: hơn 3.300 vụ TNGT làm hơn 2.400 người chết và hơn 1.400 người bị thương; 104 vụ TNGT đường sắt làm hơn 100 người chết, 16 người bị thương; 4 vụ TNGT đường thuỷ (trong đó có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 7 người). Tổng số tiền phạt vi phạm giao thông là gần 500 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 3 năm cũng xảy ra 112 vụ chống người thi hành công vụ (con số này là mới chỉ tính những vụ nghiêm trọng, bị khởi tố).

Hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội chủ yếu là loại hình xe buýt, mới đáp ứng được 9% nhu cầu đi lại, số lượng phương tiện cá nhân tăng rất nhanh (12-15%/năm). Số liệu cho thấy, lưu lượng phương tiện giao thông trên địa bàn quản lý tính đến tháng 2/2012 là gần 4,9 triệu xe ô tô, mô tô. Bên cạnh đó, tỉ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 7-8% trong khu vực đô thị (quy hoạch 20-25%), mạng lưới đường giao thông còn chưa hoàn thiện, hoàn chỉnh để kết nối liên thông, tạo thành mạng lưới đồng bộ, các tuyến đường có mặt cắt ngang đường phần lớn là hẹp (mặt cắt từ 11m trở lên chỉ chiếm khoảng 30%).

Quang Phong