Hà Nội: Giật mình trước những việc “lạ lùng” ở xã Phú Diễn

(Dân trí) - Trong khi các hộ đều còn một diện tích đất sau khi thu hồi, Chủ tịch xã lại “nại” ra lý do các hộ lấn chiếm đất để cắt điện, nước và “cưỡng chế” biển số nhà. Không chỉ vậy, có những phương án đền bù “khống” được “vô tình” lập ra.

Những lời giải thích “khập khiễng”

Dân trí đã phản ánh về những chuyện “lạ” ở xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội qua 2 bài viết: “Lạ lùng” một cuộc “cưỡng chế” biển số nhà” và “Hàng trăm hộ dân bị “cấm điện” giữa thủ đô”. Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những sự việc này, phóng viên không khỏi bất ngờ trước những lời giải thích “khập khiễng” của các cán bộ xã Phú Diễn.

Ông Phí Lê Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Diễn, khẳng định rằng, xã không cho các hộ dân ở tổ 1 và tổ 2 dùng điện và không cho treo biển số nhà nữa vì các hộ dân không còn đất nữa, đất của họ đã bị thu hồi hết để mở đường 32. Theo ông Bình, toàn bộ các hộ dân tổ 1 và 2 ở mặt đường 32 cũ đã bị thu hồi hết đất. “Đất còn lại họ đang sử dụng để ở và làm cửa hàng kinh doanh là do lấn chiếm, mà mới lấn chiếm 2-3 năm gần đây thôi…” - ông Bình khẳng định.
 
Hà Nội: Giật mình trước những việc “lạ lùng” ở xã Phú Diễn - 1
Hàng trăm hộ dân xã Phú Diễn phải sử dụng điện "chui" một cách "công khai" như thế này.

Tuy nhiên, ông Bình cứ khất lần khi phóng viên đề nghị được tiếp cận các tài liệu về nguồn gốc đất, hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân trước khi bị thu hồi một phần để mở đường 32 và các phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư…

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, các phương án bồi thường, thu hồi đất mà huyện Từ Liêm lập khi tiến hành GPMB mở đường 32 lại “tố cáo” lời nói của ông Bình. Hầu hết các hộ dân ở đây đều còn một diện tích đất để sử dụng sau khi bị thu hồi.

Cụ thể, hộ ông Khúc Minh Cường (số nhà 100, tổ 2) bị thu hồi 79,2m2, diện tích còn lại là 28,4m2; hộ ông Lê Đức Dương (số nhà 30, tổ 2) sau khi bị thu hồi, đất còn lại là 14,5m2; hộ bà Nguyễn Thị Thái (số nhà 14, tổ 2) sau khi bị thu hồi 82m2, diện tích đất còn lại là 14,1m2; hộ bà Nguyễn Thị Tâm (số nhà 38, tổ 2) bị thu hồi 172,5m2, diện tích còn lại của bà Tâm là 21,5m2; hộ ông Lê Thiện Quý (ở tổ 1) sau khi bị thu hồi 77,6m2, diện tích đất còn lại là 28,6m2;…

Đáng chú ý, nội dung ghi chú trong các phương án mà huyện Từ Liêm lập ra cho thấy những phần đất còn lại nói trên đều được các hộ sử dụng trước 15/10/1993 hoặc từ sau năm 1993 đến trước 1/7/2004. Những phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nói trên đối với các hộ đều do Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Từ Liêm lập ra, có chữ ký của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Kim Vinh, lãnh đạo các phòng chức năng của huyện và cả chữ ký của chính ông Phí Lê Bình - Chủ tịch UBND xã Phú Diễn.

Những điều nói trên càng trở nên rõ ràng khi PV làm việc với ông Trần Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diễn, người trực tiếp phụ trách mảng địa chính nơi đây. Tại buổi làm việc với PV, ông Bằng thừa nhận, sau khi thu hồi thì các hộ vẫn còn đất và họ có quyền lợi hợp pháp đối với phần đất còn lại này. Theo ông Trần Bằng, phần đất này cũng không phải là đất các hộ mới lấn chiếm như lời ông Chủ tịch UBND xã Phí Lê Bình, mà nhiều hộ đã sử dụng từ trước ngày 15/10/1993.

Ai “đạo diễn” phương án bồi thường “khống”?

Trong quá trình tìm hiểu về những sai phạm trong quản lý đất đai nơi đây, chúng tôi đã phát hiện những dấu hiệu sai trái trong việc lập các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Một trường hợp điển hình là phương án đền bù hỗ trợ thu hồi đất do cơ quan chức năng của huyện Từ Liêm lập, ghi tên chủ hộ bị thu hồi đất là: Trần Thị Nguyệt Ánh (địa chỉ tại tổ 2 Phú Diễn). Theo Quyết định số 7464/QĐ-UBND “về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết đối với hộ gia đình bà Trần Thị Nguyệt Ánh - địa chỉ: Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án: Cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn Cầu Diễn - Nhổn, tại xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm” được Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ký ngày 5/7/2010, hộ chị Nguyệt Ánh bị thu hồi 52,3m2 đất thuộc diện “Đất lưu không chân cầu vượt hộ gia đình tự sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004”.
 
Hà Nội: Giật mình trước những việc “lạ lùng” ở xã Phú Diễn - 2
Ông Trần Quốc Đạt, bố chị Trần Thị Nguyệt Ánh, bất ngờ khi con gái mình nhận được phương án đền bù, hỗ trợ thu hồi đất.

Quyết định này giao Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư (TĐC) huyện đôn đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất phối hợp với UBND xã Phú Diễn thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ đối với hộ gia đình chị Trần Thị Nguyệt Ánh. Tuy nhiên, qua điều tra, tìm hiểu, phóng viên đã phát hiện sự thật rằng đây là chuyện “người thật, mà việc không thật”.

Chị Trần Thị Nguyệt Ánh, người được ghi tên trong các văn bản nói trên, 25 tuổi, sống cùng bố mẹ tại tổ 2 Phú Diễn và không hề có mảnh đất nào để mà thu hồi như trên. Trần Thị Nguyệt Ánh là con gái của ông Trần Quốc Đạt và bà Nguyễn Thị Hòa, trú tại số nhà 108 tổ 2 Phú Diễn. Gia đình ông bà Đạt - Hòa có 2 sổ hộ khẩu tại địa chỉ này, một sổ đứng tên chủ hộ là ông Trần Quốc Đạt, một sổ đứng tên chủ hộ là chị Trần Thị Nguyệt Ánh.

Thực tế mảnh đất của ông bà Đạt - Hòa tại 108 tổ 2 Phú Diễn chỉ có 60,2m2 và năm 2010 đã bị thu hồi toàn bộ để phục vụ dự án mở đường 32. Chị Trần Thị Nguyệt Ánh ở cùng bố mẹ và cũng không hề có mảnh đất nào khác và tại tổ 2 Phú Diễn, Ánh lại càng không có đất để mà bị thu hồi.

Khi phóng viên tìm đến gặp trực tiếp tại nhà thì cả ông Đạt, bà Hòa và chị Nguyệt Ánh đều khẳng định điều này. Chị Ánh quả quyết: “Tôi làm gì có đất nào để mà thu hồi như phương án này. Có lần ông Trần Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diễn gọi điện thoại thông báo tôi đến nhận đền bù, hỗ trợ, tôi mới ngớ ra và tất nhiên là không đến nhận vì tôi làm gì có đất đâu để mà thu hồi với hỗ trợ…” (!?).
 
Hà Nội: Giật mình trước những việc “lạ lùng” ở xã Phú Diễn - 3
Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ chị Nguyệt Ánh của UBND huyện Từ Liêm.

Gia đình chị Ánh còn cung cấp cho phóng viên các bản phương án bồi thường, hỗ trợ có đóng dấu đỏ như nói trên. Bà Hòa chỉ vào Quyết định số 7464/QĐ-UBND của UBND huyện, kèm theo “phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình Trần Thị Nguyệt Ánh” và nói rằng: “Cháu Nguyệt Ánh không hề có mảnh đất nào và chúng tôi không biết gì về việc này cả. Tôi nhớ trước đó mấy tháng, ông Trần Bằng có mượn sổ hộ khẩu của cháu Ánh nói là để làm chế độ bồi thường cho gia đình tôi tốt hơn, mượn đến mãi sau mới trả. Tôi nghi ngờ họ lạm dụng sổ hộ khẩu của cháu Nguyệt Ánh để “đạo diễn” việc đền bù, nhằm tư lợi cá nhân”.

Phương án đền bù hỗ trợ nói trên đối với hộ Trần Thị Nguyệt Ánh chỉ thể hiện việc bồi thường, hỗ trợ bằng tiền, chưa có phương án TĐC. Tuy nhiên, theo khẳng định của Chủ tịch UBND xã Phú Diễn Phí Lê Bình với PV thì do các khu đất bố trí TĐC không đủ nên hiện có nhiều hộ vẫn chưa có đất TĐC, nhưng tối thiểu mỗi hộ cũng được 40m2 đất TĐC.

Lời khẳng định này của ông Chủ tịch UBND xã là hoàn toàn có căn cứ, bởi năm 2010 Ban Chỉ đạo GPMB thành phố đã có Tờ trình 268/TTr-BCĐ đề nghị UBND thành phố cho áp dụng bổ sung chính sách TĐC khi thực hiện GPMB dự án đường 32 (đoạn Cầu Diễn - Nhổn) trên địa bàn huyện Từ Liêm. Tờ trình này đã được UBND thành phố chấp thuận bằng văn bản số 3485/UBND-TNMT do Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh ký ngày 19/5/2010. Theo đó, những hộ gia đình ở khu vực này có đất bị thu hồi GPMB (dù đó là đất không thuộc diện được bồi thường hoặc hỗ trợ về đất theo giá đất ở) mà không còn nơi ăn ở nào khác thì được giao một suất đất TĐC là 40m2.

Chiếu theo cơ chế đã được UBND thành phố chấp thuận đó, hộ Trần Thị Nguyệt Ánh đương nhiên sẽ nhận được một suất đất TĐC 40m2. Tính theo thị giá ở khu TĐC Xuân Phương (không dưới 70 triệu đồng/m2), nếu phương án “khống” này trót lọt, người ta sẽ “ẵm” ngon vài tỷ đồng. Theo chị Nguyệt Ánh, do bản thân không có đất bị thu hồi, nên chị không đến lấy tiền hỗ trợ theo phương án bỗi thường hỗ trợ “khống” đó, còn đất TĐC có được không và nếu được thì ai đã lấy suất TĐC đó, chị cũng không biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, còn nhiều chuyện “lạ lùng” tương tự đã diễn ra tại đây. Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.

Tiến Nguyên