Hà Nội giảm tần suất xe buýt chạy trên tuyến phố có “lô cốt”

(Dân trí) - Trước tình hình ùn tắc giao thông đang diễn biến phức tạp, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục giảm tần suất lưu thông xe buýt vào giờ cao điểm trên các tuyến có “lô cốt” đường sắt đô thị đi qua như Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Cầu Giấy.

Chiều ngày 23/10, Sở GTVT Hà Nội cùng các đơn vị liên quan họp bàn phương án điều tiết, phân luồng giao thông trên trục đường có 2 dự án đường sắt đô thị đó là Cát Linh - Hà Đông và ga Hà Nội - Nhổn. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều độ giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trên tuyến Nguyễn Trãi – Trần Phú, hiện có 9 tuyến xe buýt hoạt động. Hiện trung tâm này đã điều chỉnh tần suất của 5 tuyến xe buýt chạy qua khu vực này, giảm 30/70 xe một hướng vào giờ cao điểm.

Trên tuyến đường từ Quốc lộ 32 đến - Cầu Giấy, hiện có 12 tuyến xe buýt hoạt động. Qua khảo sát Trung tâm điều độ điều chỉnh 5 tuyến cắt ngang không đi qua trục đường Xuân Thủy - Cầu Giấy. Các tuyến xe buýt này được “bẻ” sang tuyến đường Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông. Qua đó, đã giảm 30 xe/60 xe một hướng trên trục đường Xuân Thủy - Cầu Giấy vào giờ cao điểm.

“Lô cốt” đường sắt đô thị chiếm lòng đường Nguyễn Trãi từ nhiều năm nay
“Lô cốt” đường sắt đô thị chiếm lòng đường Nguyễn Trãi từ nhiều năm nay

Trước đó, theo nhận định của các đơn vị liên quan, vào những tháng cuối năm, tình hình giao thông trên địa bàn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Do vậy, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Trung tâm điều độ giao thông đô thị điều chỉnh tần suất xe buýt hoạt động trên trục đường có 2 dự án đường sắt đô thị đang ì ạch thi công.

Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong những năm qua Hà Nội vẫn tập trung phát triển giao thông công cộng, còn việc điều chỉnh tần suất xe buýt trên 2 trục đường trên là giải pháp tình thế, mang tính thời điểm. Vì trong bối cảnh đang thi công 2 dự án đường sắt trên trục đường xuyên tâm có lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc, rất dễ xảy ra ùn tắc, do vậy phải điều chỉnh xe buýt vào giờ cao điểm, trên từng đoạn đường cụ thể.

Một trong những lý do Sở GTVT Hà Nội giảm tần suất xe buýt vì các hàng rào chắn công trường tuyến đường sắt quá lớn, chỉ còn lại từ 3,5-4,5m lòng đường. Do vậy, nếu nhiều xe buýt dừng đỗ đón trả khách trên các đoạn đường này rất dễ dẫn đến ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, theo ông Quang  việc điều chỉnh tần suất xe buýt này không ảnh hưởng đến sản lượng của xe buýt.

“Giảm tần suất xe buýt hoạt động giờ cao điểm cũng không thể chấm dứt được tình trạng ùn tắc trên tuyến QL6 và QL32, nhưng giải pháp này có thể cải thiện được tình hiện nay. Khi nào hai dự án đường sắt đô thị hoàn thiện, tháo dỡ rào chắn, chúng tôi sẽ tăng tần suất xe buýt trở lại”, ông Quang khẳng định.

Quang Phong