Hà Nội đồng ý phương án xây 4 cổng chào

(Dân trí) - UBND Thành phố Hà Nội đã đồng ý phương án lắp dựng cổng chào tại 4 cửa ngõ Thủ đô, với thời gian dự kiến hoàn thành trước 2/9 năm nay. Thiết kế cổng chào được yêu cầu đảm bảo kỹ, mỹ thuật cao nhất…

Theo UBND Thành phố, thiết kế cổng chào phải đảm bảo yêu cầu là công trình có nét đẹp văn hóa, không mang tính chất vĩnh cửu, là công trình có thể chỉnh sửa được, đảm bảo kỹ, mỹ thuật cao nhất để tuyên truyền, cổ động trực quan trang trí cho thành phố, chào đón khách trong nước và quốc tế đến dự Đại lễ…
 
Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan chuyên môn, ý kiến góp ý của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thành phố đã đồng ý phương án lắp dựng cổng chào tại các địa điểm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định (trừ cổng chào tại vị trí đường số 5 đi Hải Phòng).
 
Hà Nội đồng ý phương án xây 4 cổng chào - 1
Mẫu thiết kế cổng chào tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ
 
Theo UBND TP, dự án xây dựng cổng chào được được các doanh nghiệp đóng góp kinh phí xây dựng và không quảng cáo sản phẩm trên cổng chào. Hiện các sở, ngành và các doanh nghiệp đang tích cực triển khai theo đúng tiến độ, chất lượng trước ngày Đại Lễ mà cụ thể là trước 2/9.
 
4 cổng chào được chấp thuận xây dựng nói trên bao gồm những vị trí sau:
 
Đầu đường 1 (tiếp giáp với tỉnh Hà Nam): Đây là hướng Nam tiến mở mang bờ cõi của dân tộc, cũng là con đường Nam tiến để đấu tranh bảo vệ non sông, thống nhất đất nước.
 
Đường Hà Nội - Lạng Sơn (khu vực tiếp giáp huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh): nơi phát tích nhà Lý với Lý Thái Tổ khai sáng kinh đô Thăng Long.
 
Đường vào sân bay Nội Bài (khu vực ngã tư Bắc Thăng Long - Nội Bài và đường số 2 đi Vĩnh Phúc): cửa ngõ Hà Nội giao lưu quốc tế.
 
Đường Láng - Hoà Lạc (khu vực ngã ba rẽ vào khu liên hợp thể thao Mỹ Đình): hướng về dãy núi Ba Vì với ngọn Tản Viên in đậm dấu ấn lịch sử dân tộc.
 
Kim Tân