Hà Nội có hơn 200 ngõ nhỏ xe cứu hoả "chịu chết"

(Dân trí) - Theo thống kê của Sở PCCC Hà Nội, Thủ đô còn thiếu khoảng 6.000 trụ nước cứu hỏa tại các khu dân cư và có 200 ngõ nhỏ xe cứu hoả không vào được.

Theo đánh giá mới đây của Sở PCCC Hà Nội, 6 tháng cuối năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra không phức tạp.

Số liệu thống kê sơ bộ cho biết, Hà Nội đã xảy ra 85 vụ cháy, hơn 100 vụ sự cố. Nghiêm trọng hơn cả là vụ cháy ngày 11/6 vừa qua khiến 5 người tử vong tại quận Hoàng Mai. Đây là vụ cháy có thiệt hại lớn về người nhất từ đầu năm đến nay. Theo Đại tá Tô Xuân Thiều - Phó Giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, qua vụ cháy gây thiệt hại về người nói trên cho thấy ý thức phòng ngừa cháy nổ của người dân chưa cao, đặc biệt là ở mức độ hộ gia đình.

Cụ thể, theo Đại tá Tô Xuân Thiều, nguyên nhân chủ yếu của các vụ hỏa hoạn là do sự cố hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.

Hiện trường vụ cháy khiến 5 người thiệt mạng vừa xảy ra tại Hà Nội


Hiện trường vụ cháy khiến 5 người thiệt mạng vừa xảy ra tại Hà Nội

Mặc dù các lực lượng chức năng đã phát động phong trào PCCC trong nhiều năm qua, tuy nhiên nhu cầu sử dụng lửa, điện, tổ chức bố trí, sắp xếp vật tư hàng hóa đảm bảo các điều kiện an toàn và trách nhiệm của người dân còn chủ quan, chưa thực sự được quan tâm, cũng như kiến thức người dân trang bị cho phòng chống cháy nổ còn hạn chế.

Hàng hóa buôn bán, đồ dùng sinh hoạt ở các chợ và các hẻm khu dân cư chưa đảm bảo an toàn phòng cháy là những nguy cơ trực tiếp gây cháy.

Bên cạnh đó, tại các chợ, người dân đã trang bị bình cứu hỏa để phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng quan tâm tìm hiểu cách sử dụng và thậm chí có người vì kiến thức hạn hẹp nên chưa nắm bắt được tình hình nghiêm trọng hoặc không quan tâm đến vấn đề cấp thiết này.

Cũng theo Đại tá Tô Xuân Thiều, hiện nay Hà Nội có khoảng hơn 200 ngõ nhỏ, phố nhỏ xe cứu hỏa không vào được. Vì vậy, nếu công tác tuyên truyền đến người dân về kiến thức phòng cháy không được nâng cao thì nguy cơ cháy nổ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng là khó tránh khỏi.

Một vấn đề nữa là hạ tầng phục vụ cho công tác PCCC còn chưa đồng bộ và tồn tại nhiều bất cập. Mặc dù Chính phủ đã rất tích cực đầu tư thiết bị và cho thành lập mới nhiều Sở Cảnh sát PCCC, nhưng lực lượng vẫn còn quá mỏng, bán kính hoạt động rộng.

Nhiều đám cháy xảy ra cách Đội Cảnh sát PCCC quá xa nên khi tới nơi, đám cháy đã phát triển lớn, gây rất nhiều khó khăn cho công tác cứu chữa. Bên cạnh đó, phương tiện vẫn còn rất yếu kém, hạ tầng chữa cháy lạc hậu, nhiều nơi thậm chí không có họng nước chữa cháy. Đơn cử như vấn đề trụ cứu hỏa trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, theo thống kê của Sở PCCC Hà Nội, Thủ đô còn thiếu khoảng 6.000 trụ nước cứu hỏa tại các khu dân cư. Khu vực trục đường Nghi tàm – Quảng Bá hiện dân cư tập trung rất đông đúc, nhưng chưa có hề một trụ nước cứu hỏa nào.

Trong năm 2014, thành phố đã đầu tư 500 trụ nước cứu hỏa mới tuy nhiên việc vận hành các trụ nước này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó, tai các khu dân cư tập trung đông như khu vực phố cổ, trụ nước cứu hỏa đã bị hư hỏng nhiều vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn. Trong điều kiện khó khăn như vậy, chỉ có việc nâng cao ý thức của lãnh đạo các địa phương, của chủ doanh nghiệp, của mỗi người dân mới có thể hạn chế bớt nguy cơ.

Mùa nắng nóng đang diễn ra, đây là lúc nhu cầu sử dụng điện tăng cao và là đợt cao điểm xử lý thực bì để trồng rừng… nguy cơ xảy ra các vụ cháy là rất lớn. Việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức, chủ động phương án phòng, chống cháy nổ đang là nhiệm vụ hết sức cấp thiết nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy.

Lê Tú