Hà Nội: Bao vây trung tâm dạy nghề nhân đạo để đòi nợ

(Dân trí) - Nhiều lần bị bà giám đốc trung tâm dạy nghề nhân đạo thất hứa trả món nợ lên tới nhiều tỷ đồng, các chủ nợ đã kéo đến “bao vây” trung tâm này, yêu cầu bà giám đốc phải giữ đúng cam kết.

Mất nhà vì tin tưởng trung tâm nhân đạo

Ngày 27/1, khoảng 40 người mang theo băng-rôn, biểu ngữ, loa đài kéo tới Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm (ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội; đăng ký trụ sở ở thôn 8, xã Canh Nậu, Thạch Thất) để yêu cầu bà Giám đốc Vũ Thị Xiêm (SN 1965) trả số nợ lên tới hàng chục tỷ đồng.

Theo những người đến đòi nợ, bà Vũ Thị Xiêm đã vay nợ của nhiều người, khi thì lấy tư cách cá nhân, khi thì dùng con dấu của Trung tâm để “đảm bảo” việc vay tiền. Quá thời gian trả nợ đã hàng năm trời, bà Xiêm nhiều lần hứa hẹn song đến nay vẫn chưa trả tiền, khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, phải gán nhà cho ngân hàng.
 
Các chủ nợ quây trung tâm nhân đạo để đòi nợ.
Các chủ nợ quây trung tâm nhân đạo để đòi nợ.

Chị Phan Thị Điều (SN 1974, ở xóm Đông, xã Hữu Bằng, Thạch Thất), một trong những người tới vây Trung tâm nhân đạo Minh Tâm, cho biết, do tin tưởng vào uy tín của của một trung tâm nhân đạo và sẵn có mối quan hệ thân quen từ trước nên năm 2008, khi bà Xiêm ngỏ ý muốn vay tiền, chị Điều không ngần ngại vay mượn thêm và chi ra tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng cho nữ Giám đốc vay “nóng”, lãi suất thỏa thuận.

Tưởng được thu hồi cả vốn lẫn lãi trong thời gian ngắn, không ngờ bà Xiêm vẫn “ngâm” số nợ đó cho tới nay. Chị Điều phải bán toàn bộ xưởng gỗ của gia đình trả nợ nhưng vẫn không xuể, ngày đêm sống trong tâm trạng sợ hãi, lo lắng vì người tới đòi nợ.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Điều, anh Nguyễn Xuân Biết (SN 1981, ở thôn Phú Nghĩa, xã Phú Kim, Thạch Thất) cho hay, tin tưởng bà Xiêm, anh đã cho nữ giám đốc này vay số tiền hơn 3 tỷ đồng từ tháng 3/2011. Trong giấy vay nợ, bà Xiêm “cộp” cả dấu đỏ của trung tâm để “đảm bảo”.

“Bà Xiêm cam kết đến tháng 1/2012 sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền này cả vốn lẫn lãi nhưng quá hạn hơn 1 năm rồi, bà Xiêm hứa hẹn hết lần này đến lần khác nhưng vẫn không trả nợ tôi” - anh Biết bức xúc.

Ngoài anh Biết, chị Điều, nhiều người khác cũng “trưng” ra các giấy vay nợ do chính tay bà Xiêm viết, hoặc các giấy vay nợ có dấu đỏ của trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Tâm.

Chiều cùng ngày 27/1, bà Vũ Thị Xiêm đã có buổi “đàm phán” với những người đến đòi nợ. Tuy nhiên, sau buổi làm việc này, các chủ nợ dường như đều bức xúc thêm và không đồng tình với cách giải quyết của bà Xiêm. Phần lớn các chủ nợ đều nhận được những lời hứa hẹn như những lần trước. Đặc biệt, trường hợp của chị Phan Thị Điều, bà Xiêm chỉ thừa nhận đã vay số tiền hơn 1 tỷ và “chối bay” số tiền hơn 3 tỷ còn lại.

Lý giải bất ngờ của Giám đốc trung tâm

Làm việc với phóng viên Dân trí, bà Vũ Thị Xiêm - Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm - thừa nhận có vay nợ của một số người song do “tình hình kinh tế khó khăn chung” nên chưa có khả năng trả nợ.
 
Các chủ nợ quây trung tâm nhân đạo để đòi nợ.


Các chủ nợ quây trung tâm nhân đạo để đòi nợ.

Ngoài những giấy nợ có "cộp" dấu đỏ như thế này, các chủ nợ còn "trưng" ra nhiều giấy vay tiền do chính tay bà Xiêm ký.

Với khoản nợ của chị Phan Thị Điều, bà Xiêm lý giải một cách rất bất ngờ: “Do gia đình chị Điều có vay tiền của “xã hội đen”, đến hạn bị siết nợ nên đến nhờ tôi viết giấy nhận là tôi vay của chị Điều số tiền hơn 4 tỷ đồng để chủ nợ của chị Điều tin tưởng. Chị Điều còn nhờ tôi viết đi viết lại nhiều lần giấy vay tiền đó. Tôi viết giấy nhận vay nợ là vì tình cảm chứ thực tế tôi chỉ nợ chị điều hơn 1 tỷ đồng tiền vay để mua rừng.”

Theo Quyết định thành lập Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm của UBND huyện Thạch Thất năm 2006 và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề do Sở LĐ-TB&XH cấp năm 2012, trung tâm này chỉ được phép đào tạo sơ cấp 5 nghề, không hề có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay trồng rừng.

Về vấn đề này, bà Xiêm “nại” lý do, các học viên trong trung tâm cần nguyên liệu để học tập nên bà đầu tư trồng rừng lấy nguyên liệu(?). Tuy nhiên, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng do bà Xiêm mua mang tên cá nhân bà Vũ Thị Xiêm chứ không phải là Trung tâm Minh Tâm!
 
Bà Xiêm tỏ ra bình thản trước khoản nợ khổng lồ.
Bà Xiêm tỏ ra "bình thản" trước khoản nợ khổng lồ.

Trước câu hỏi của PV Dân trí về việc bà Xiêm mua rừng với tư cách trung tâm nhưng đã lấy danh nghĩa trung tâm, sử dụng dấu đỏ của trung tâm để vay tiền mua rừng, như vậy có lợi dụng danh nghĩa trung tâm để hoạt động kinh tế cá nhân không, bà Xiêm “thản nhiên”: “Tôi hoàn toàn không lợi dụng, bởi vì khi vay tiền (của anh Nguyễn Xuân Biết - PV) chỉ có sổ vay tay thôi, không có ký, đóng dấu gì cả.

Đến lúc khó khăn, cháu Biết bảo “cô ký là vay cho trung tâm đi cho cháu yên tâm”. Tôi nhất trí vì dù là trung tâm hay cá nhân thì tôi đều phải giải quyết công nợ.”

Như vậy, sự nhập nhèm giữa tư cách cá nhân bà Xiêm và danh nghĩa trung tâm nhân đạo đã khiến nhiều người dân tin tưởng, giao tiền cho bà Xiêm mà không hề biết số tiền của mình thực tế được sử dụng vào mục đích gì.

Công an vào cuộc điều tra

Để làm rõ những vấn đề trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thất. Ông Hồng cho biết, Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm được thành lập theo quyết định số 1949/QĐ-UBND huyện Thạch Thất cấp ngày 28/11/2006 chỉ có chức năng, nhiệm vụ dạy nghề chứ không được phép kinh doanh, mua rừng.

Ông Hồng cũng khẳng định, không có chuyện một trung tâm dạy nghề nhân đạo lại đi vay vốn để phục vụ mục đích dạy nghề cho người khuyết tật. “Khi một trung tâm dạy nghề nhân đạo ra đời thì tất cả các học viên tại trung tâm đó đều được tài trợ hoàn toàn từ cơ sở vật chất tới điều kiện học tập. Ví dụ, người khuyết tật muốn học mây, tre đan thì được tài trợ toàn bộ học phí, nguyên liệu để học nghề mây tre đan… nên không thể có chuyện đi huy động vốn vay ngoài để phục vụ mục đích dạy nghề cho người khuyết tật” - ông Hồng nói.

Về nghi vấn bà Vũ Thị Xiêm lợi dụng danh nghĩa Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm để huy động, vay vốn phục vụ mục đích kinh doanh cá nhân, ông Hồng cho hay sẽ lập tức tiến hành làm việc với cơ sở này và những người dân cho bà Xiêm vay tiền để xác minh. “Nếu có chuyện lợi dụng danh nghĩa Trung tâm nhân đạo để vay vốn sử dụng sai mục đích, chúng tôi sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.”

Trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Nguyễn Sơn - Phó Trưởng Công an huyện Thạch Thất - cho biết mới nhận được đơn của 5 người dân cho bà Xiêm vay tiền. Hiện công an huyện Thạch Thất đã mời những người có đơn lên làm việc đề xác minh, giải quyết vụ việc.

Theo tìm hiểu có chúng tôi, trung tâm Minh Tâm còn có dấu hiệu “đào tạo chui” và lợi dụng các cháu khuyết tật để kêu gọi các nguồn viện trợ, đầu tư nhân đạo. Nhiều người dân các xã tại huyện Thạch Thất đã “tố” với phóng viên những việc làm không mang tính chất nhân đạo của Trung tâm Minh Tâm. Lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất cũng đã cung cấp một số thông tin về nghi vấn trên. Dân trí sẽ tiếp tục tìm hiểu, làm rõ những điều “bất thường” xung quanh trung tâm này.

Tiến Nguyên