Hà Nội áp dụng giải pháp giao thông “nửa mở, nửa bịt”

(Dân trí) - “Chúng tôi đang trưng cầu dân ý và nghiên cứu các phương án khả thi, chuyện bịt hay mở ngã tư như thế nào chỉ là những giải pháp tình thế. Giao thông Hà Nội chỉ được đảm bảo khi có cầu vượt”.

Liên quan đến nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng nên dùng hàng rào inox để bịt lại các ngã tư mà Sở GTVT Hà Nội mới tháo dỡ hồi đầu tháng 6/2010 và những giải pháp phát triển bền vững giao thông đô thị, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Thạch Như Sỹ (Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội).

Sau 1 tháng tháo dỡ hàng rào inox ở 3 nút giao thông trọng điểm là Nguyễn Chí Thanh - La Thành, Nguyễn Chí Thanh - đường Láng - Trần Duy Hưng, Giảng Võ - La Thành - Láng Hạ, ông đánh giá sao về tình hình giao thông tại đây?

Sau khi tháo dỡ hàng rào inox, tình hình giao thông ở các nút này chưa có gì phức tạp lắm nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc này, có người ủng hộ, có người phản đối, có người nói nên mở ra, có người lại bảo phải bịt lại, nhiều ý kiến khác lại đề xuất nên bịt theo giờ…
 
Hà Nội áp dụng giải pháp giao thông “nửa mở, nửa bịt” - 1

Ngã tư Nguyễn Chí Thanh - đường Lãng - Trần Duy Hưng khi còn bịt... (ảnh: Như Quỳnh)

Ngay khi Sở GTVT tháo dỡ hàng rào chắn inox, phía CSGT Hà Nội đã đề xuất bịt lại, ông nghĩ sao về điều này?

Nếu bịt chặt nút giao thông lại thì sẽ chống được ùn tắc giờ cao điểm nhưng là sự bất tiện trong giờ thấp điểm, còn mở ra để giải quyết cho giờ thấp điểm thì giờ cao điểm lại ùn tắc, vậy nên mỗi giải pháp có lợi cho một nhóm người nhất định.

Thực tế, chúng tôi đang áp dụng biện pháp “mềm”, tức là “nửa mở, nửa bịt” chứ không cưỡng bức giao thông theo kiểu cứng nhắc bằng hàng rào inox 24/24 như trước kia.

Tại các nút giao thông, chúng tôi triển khai nhiều giải pháp khác nhau như: cho phép rẽ phải, điều chỉnh chu kỳ đèn giao thông, tăng cường CSGT, cưỡng bức giao thông bằng cách phạt “tăng nặng” và có thể chúng tôi sẽ tiến hành thí điểm bịt theo giờ (bịt 15 phút như ở nút Tôn Thất Tùng, đường Khuất Duy Tiến…). Tuy nhiên, những cách đó cũng vẫn chỉ là những giải pháp trước mắt.
 
Hà Nội áp dụng giải pháp giao thông “nửa mở, nửa bịt” - 2
... và sau khi được tháo dỡ (ảnh: Tiến Nguyên)

Bịt theo giờ, giải pháp này sẽ được thực hiện hay chỉ đang nghiên cứu?

Đó là ý kiến của nhiều người dân, nhưng chúng tôi vẫn đang nghiên cứu. Giải pháp nào được nhân dân ủng hộ, đem lại hiệu quả cao nhất, phục vụ lợi ích cho nhiều người nhất thì chúng tôi sẽ làm.
 
Vậy không lẽ cứ nghiên cứu và thí điểm mãi sao thưa ông? Người dân chắc chắn sẽ không chấp nhận điều đó.

Tôi đã nói rồi, tất cả chỉ là những giải pháp tình thế. Chúng tôi đang trưng cầu dân ý và tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi, chuyện bịt hay mở ngã tư như thế nào chỉ là những giải pháp tình thế. Giao thông Hà Nội chỉ được đảm bảo khi có cầu vượt.

Trên thực tế, khi lưu lượng phương tiện tăng lên dẫn tới áp lực giao thông ngày càng lớn, các tham số thay đổi thì các phương thức mới về tổ chức giao thông lại được nghĩ ra. Những công trình tiêu tốn cả trăm, nghìn tỉ đồng nhưng có khi người dân vẫn chưa hài lòng thì nói chi mấy cái hàng rào inox, vì vậy tôi nói đó chỉ là giải pháp tình thế và còn nhiều giải pháp tình thế nữa.
 
Hà Nội áp dụng giải pháp giao thông “nửa mở, nửa bịt” - 3
"Giao thông và việc tổ chức giao thông luôn là bài toán vô cùng khó" (ảnh: Như Quỳnh)

Không nói đến chuyện sẽ bịt hay mở các ngã tư nữa bởi giải pháp nào ông cũng nói là tình thế, vậy thì người dân Hà Nội bao giờ mới hết “đau đầu” vì tình hình giao thông?

TP Hà Nội nay phát triển về phía Đông, mai lại phát triển về phía Tây kèm theo đó là sự nảy sinh của các vấn đề xã hội. Dân số Hà Nội hiện nay khoảng 10 triệu người, lượng phương tiện cứ tăng lên ầm ầm nên giao thông và việc tổ chức giao thông luôn là bài toán vô cùng khó.

Về bản chất tổ chức giao thông là không bền vững nên chúng tôi không thể chiều theo ý của người này người nọ mà chỉ cố gắng làm hài hòa. Đối với người tổ chức giao thông như chúng tôi, mỗi giải pháp đưa ra dù rằng chỉ nhận được ý kiến ủng hộ của 1 người đã là thành công.

Tại Hội thảo quốc tế về phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội được tổ chức mới đây, các chuyên trong nước và nước ngoài đã đưa ra rất nhiều ý kiến nhưng tựu chung lại họ đều nhận định rằng giao thông Hà Nội muốn phát triển bền vững thì ưu tiên hàng đầu phải là giao thông công cộng với các loại phương tiện như tàu điện ngầm, xe buýt; phải tăng vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, phát triển các trục đường hướng tâm, các trục đường vành đai…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)