TPHCM:

Gửi xe không vé, chuốc họa vào thân

(Dân trí) - Trên địa bàn TPHCM hiện có rất nhiều điểm giữ xe theo kiểu giao kèo miệng mà không ghi phiếu, vé... Khi xảy ra mất xe, người trông xe tìm đủ cách để chối bỏ trách nhiệm đền bù.

Mất xe máy tại cửa hiệu làm đẹp

Ngày 21/5, chị Nguyễn Thị Thanh Vy (24 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) nhận được cuộc gọi của Toàn - người phụ trách marketing của Thủy Mộc Spa (134 Quang Trung, P.10, Q.Gò Vấp), hẹn đến bàn công việc. Vì là chỗ đối tác làm ăn lâu nay nên Vy rủ thêm cô em gái đến đây duỗi tóc, làm đẹp da mặt…

Đúng 14h, Vy và em gái có mặt tại Spa Thủy Mộc. Thấy khách đến, nhân viên tiệm spa này liền ra mở cửa mời vào, đon đả: “Chị cứ để xe đó đi, có người coi”. Như những lần trước đến đây làm việc cũng không có nhân viên xé vé giữ xe đưa cho khách nên Vy yên tâm cùng em gái lên lầu chăm sóc da mặt.

Nhưng khi quay ra lấy xe về, 2 chị em Vy phát hiện chiếc xe gắn máy Taurus Yamaha biển số 59E1-653… , màu đỏ của mình đã “không cánh mà bay”. Khi hỏi thì một nhân viên nữ cho biết chắc là xe đã được dắt qua bên hông tiệm.
Gửi xe không vé, chuốc họa vào thân - 1
Nhiều cơ sở vì sợ tốn chi phí nhân công mà không thuê người “chuyên trách” giữ xe

Chị em Vy tất tả chạy ra tìm chiếc xe của mình nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Trong khi đó, nhân viên và cả người quản lý của Spa Thủy Mộc vẫn “bình chân như vại” trước sự cuống cuồng vì mất tài sản của khách hàng.

Một trường hợp tương tự xảy ra vào 21h15 ngày 21/9/2010. Anh Dương Ngọc Đắc (31 tuổi, ngụ P. Nguyễn Thái Bình, Q.1, TPHCM) cùng bạn đến quán Bò bít tết Mars Steak House tại 199B, đường Phạm Hùng, P.4, Q.8 để ăn. Khi đến trước quán, anh Đắc được cô nhân viên giữ xe của quán chỉ cho chỗ dựng xe song song với nhiều xe khác. Do quán này có tổ chức trông giữ xe cho khách nhưng không làm thẻ giữ xe nên anh Đắc dựng xe xong là vào phòng lạnh phía bên trong quán ăn uống. Khoảng 22h cùng ngày, anh Đắc trở ra thì không thấy chiếc xe Future Neo F1, biển số 52S7-02… đâu. Hỏi cô nhân viên giữ xe thì cô này chỉ biết lắc đầu, cười xuề xòa.

Gian nan đi đòi xe mất

Anh Đắc liền báo sự việc cho bà chủ quán bò bít tết này là bà Quan Bùi Linh biết và cùng trình báo công an lập biên bản. Tuy nhiên bà chủ quán nhất định không chịu nhận trách nhiệm về chiếc xe vừa bị mất. Đã nhiều lần anh Đắc yêu cầu nhưng bà Quan Bùi Linh không đồng ý bồi thường. Bà Linh còn cho rằng anh Đắc câu kết với kẻ gian để ăn cắp xe rồi vu oan cho tiệm của bà.

Quá bức xúc với kiểu làm việc “phủi trắng tay” này, anh Đắc đã làm đơn khởi kiện Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Hòa Phong (do bà Linh làm giám đốc) ra tòa yêu cầu đền bù số tiền 25 triệu đồng (chiếc xe lúc mua giá 30 triệu đồng). Tòa án nhân dân quận 8, TPHCM đã thụ lý vụ án này.
 
Gửi xe không vé, chuốc họa vào thân - 2
Khó lòng an tâm khi gửi xe mà không phiếu

Trở lại sự việc của chị Nguyễn Thị Thanh Vy, ngay khi phát hiện chiếc xe của mình bị mất, Vy trình báo công an rồi đến gặp một người phụ nữ tên Phương. Bà Phương tự xưng là phó giám đốc Spa Thủy Mộc và nói với Vy rằng camera quay nên dễ dàng nhận ra kẻ trộm, đồng thời cho biết sẽ hỗ trợ 50% giá trị chiếc xe. Do hiện tại không có tiền mặt nên bà Phương hẹn Vy ngày hôm sau đến nhận tiền.

Theo hẹn, Vy đến thì lần này bà Phương đổi thái độ, nói rằng đã tham khảo ý kiến luật sư, trong chuyện này bên tiệm spa không có lỗi nên không bồi thường.

Sáng 26/5, PV Dân trí đã liên hệ với bà Phương của cơ sở Spa Thủy Mộc. Qua điện thoại, bà Phương hẹn phóng viên lúc 15h chiều cùng ngày đến làm việc. Tuy nhiên sau đó bà Phương đã hủy cuộc hẹn vì “ban giám đốc bận họp”.

Thực tế, trên địa bàn TPHCM hiện nay có rất nhiều điểm giữ xe không chịu ghi phiếu mà chỉ giao kèo miệng, trong khi đó, nạn trộm cắp vẫn hoành hành ngày càng rộng khắp, đủ chiêu thức. Điển hình như tại Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn, phía cổng chính, nhân viên bảo vệ không hề ghi phiếu giữ xe. Khi chạy xe vào gửi thì không thấy bảo vệ ở đâu hay bất kỳ ai ghi phiếu. Nhưng khi dắt xe ra thì bảo vệ xuất hiện thu tiền 3.000 đồng/xe. Rất nhiều cửa hàng ăn uống, công ty… không ghi phiếu nên nhiều người vào sử dụng dịch vụ mà lòng bất an. Thậm chí, cũng không ít người vào quán café mà phải dắt xe sát bàn của mình, vừa uống nước vừa tự trông xe khi chủ quán không thực hiện việc giữ xe.

Các chủ cơ sở này thì viện lý do thu phí thì khách không vào, thuê người trông xe thì tốn chi phí trả nhân công…

Về phía chính quyền, một công an viên tâm sự: “Những sự việc này xảy ra như cơm bữa. Công an chúng tôi cũng chỉ lấy lời khai thôi. Nếu may mắn tìm được thì không nói gì. Còn không thì giữa khách và chủ tiệm thương lượng giải quyết với nhau. Nếu chủ tiệm có đạo đức thì sẽ đền 100% hay 50%, tùy "lòng hảo tâm" của họ…”.
 

Trao đổi với Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, tình trạng mất xe bởi giao kèo miệng hiện nay rất là nhiều. Đa phần người mất “ngậm bồ hòn” bởi chủ cơ sở kinh doanh phủi trách nhiệm, thủ tục trình báo và các vấn đề khác khá rườm rà nên ít nạn nhân nào khởi kiện. Khi gửi xe, nếu có vé, thẻ xe thì có nghĩa là đã có một giao dịch dân sự xảy ra giữa chủ xe và người giữ. Việc giao kèo miệng, thỏa thuận cũng là giao dịch dân sự, có giá trị pháp lý. Nếu chủ cơ sở, người trông giữ thừa nhận có mất xe tại cơ sở của mình và khách đến cơ sở này để sử dụng dịch vụ hay làm việc với cơ sở này thì cơ sở đó có trách nhiệm đền bù khi xe của khách, đối tác bị mất.

Công Quang