1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Giữ rừng dựa vào đồng bào Cơtu

(Dân trí) - Trong khi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, tình trạng phá rừng xảy ra thường xuyên khiến dư luận bức xúc thì ở huyện Tây Giang, chính quyền địa phương lại biết dựa vào dân để giữ rừng. Đồng bào Cơtu bao năm nay sống dựa vào rừng, nếu không giữ được rừng thì bản sắc văn hóa của đồng bào Cơtu cũng mất luôn.

Huyện Tây Giang có hơn 60 ngàn ha rừng tự nhiên, 2,2 ngàn ha rừng trồng. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm hơn 70% diện tích với nhiều loại cây gỗ quý hiếm như lim, đỗ quyên, giổi cùng đa dạng về hệ động thực vật quý hiếm còn sót lại trên dãy Trường Sơn. Riêng khu rừng di sản pơmu có trên 2.000 cây; trong đó, có 725 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam được bảo vệ nghiêm ngặt.

Cây di sản pơmu ngàn năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt
Cây di sản pơmu ngàn năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt

Già làng Alăng Đưm (thôn Ganil, xã Axan) cho biết, từ ngàn đời xưa đồng bào Cơtu nơi đây đã biết bảo vệ môi trường sống của mình, nhất là rừng già, rừng đầu nguồn. Họ sống dựa vào rừng và chính rừng che chở, nuôi sống họ.

Để giữ được rừng, ngàn đời nay, người Cơtu đã biết làm lễ tạ ơn thần rừng, cảm ơn Mẹ thiên nhiên đã che chở cho dân làng. Mẹ thiên nhiên che chở cho rừng cũng là cho nguồn nước, mạch sống của dân làng. Người Cơtu không dám xâm hại đến rừng già, rừng quý hiếm, vì nếu xâm hại rừng thì thần rừng quở trách, làm dân làng ốm đau, dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt rình rập... và những ai phá rừng già sẽ bị phạt nặng, đuổi ra khỏi làng.

Quần thể hoa đỗ quyên được phát hiện năm 2017
Quần thể hoa đỗ quyên được phát hiện năm 2017

Còn già làng Cơlâu Blao (thôn Voòng, xã Tr’hy) cho biết thêm: “Từ xa xưa, luật tục bảo vệ rừng của người Cơtu luôn được cộng đồng làng đồng tình hưởng ứng và thực hiện rất tốt. Trước kia, những cây gỗ quý như pơmu, lim, giổi chúng tôi thường lấy để làm quan tài, làm nhà, làm gươl. Nhưng khi nghe Đảng, Nhà nước tuyên truyền không phá rừng già, chúng tôi không chặt phá nữa mà bảo vệ nghiêm ngặt. Bây giờ những cây này như vật thiêng của bản làng mình nên quyết tâm gìn giữ cho con cháu mai sau”.

Từ ngàn đời, đồng bào Cơtu nơi đây sống và canh tác chủ yếu bằng nghề nương rẫy, nhưng có một điều rất thú vị là họ vẫn giữ được các khu rừng già, rừng đầu nguồn. Để giữ rừng, chính quyền nhiều xã đã có những cách làm hay như tuyên truyền vận động người dân tự giác giao nộp cưa lốc về cho xã quản lý, rồi lập ra tổ tự quản bảo vệ rừng.

Ông Alăng Sanh - Phó Chủ tịch xã Axan - cho biết: "Việc thu cưa lốc của dân lúc đầu họ phản đối; thế nhưng, sau nhiều lần vận động, phân tích phải trái, họ dần hiểu và chấp thuận. Từ năm 2010 đến nay, năm nào người dân cũng tự nguyện giao nộp cưa cho xã quản lý. Họ muốn dùng cưa lấy củi hay xẻ gỗ làm nhà thì phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương. Nhờ đó, những cánh rừng nguyên sinh, đặc biệt là khu rừng pơmu được bảo vệ nguyên vẹn cho đến ngày nay".

Lực lượng kiểm lâm huyện kiểm tra rừng pơmu
Lực lượng kiểm lâm huyện kiểm tra rừng pơmu

Một trong những biện pháp hữu hiệu để người dân gắn bó với rừng và sống được nhờ rừng là giao khoán bảo vệ rừng cho nhân dân. Hàng tháng, Nhà nước chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho họ. Hiện nay, 10/10 xã đã triển khai chương trình này.

Ông Alăng Sanh - Phó Chủ tịch xã Axan - cho biết thêm, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân có ý thức và tự giác hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng. Trước đây, người dân hay chặt phá cây cối, xâm lấn rừng già làm nương rẫy, thì bây giờ nhờ chính sách chi trả tiền cho việc bảo vệ rừng đã khuyến khích người dân có trách nhiệm hơn. Nếu hộ không làm tốt, để xảy ra tình trạng xâm lấn rừng già, rừng đầu nguồn thì sẽ bị cắt không chi trả tiền và còn bị phạt nữa.

Đồng bào Cơtu làm lễ “Tạ ơn rừng”
Đồng bào Cơtu làm lễ “Tạ ơn rừng”

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch huyện Tây Giang cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có ba đơn vị quản lý, bảo vệ rừng gồm Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La, Ban quản lý rừng phòng hộ Avương và Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung. Ba đơn vị này có trách nhiệm phối hợp với huyện hàng tháng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho dân. Ngoài ra, diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp còn lại giao cho xã và các hộ dân.

“Giao rừng cho cộng đồng quản lý là một cách thực hiện chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân bảo vệ rừng. Đời sống của người dân cũng nhờ đó được cải thiện, nhận thức bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao, tạo tâm lý phấn khởi, động viên cộng đồng cùng tham gia...”, ông Linh khẳng định.

Ông Lê Viết Sang - Hạt trưởng kiêm Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung cho biết, bên cạnh việc thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân, Hạt còn thường xuyên cử cán bộ bám sát cơ sở, tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng người dân không phát rừng già, rừng đầu nguồn làm nương rẫy.

“Hiện nay, vào mùa hanh khô trùng với thời điểm bà con phát rẫy để chuẩn bị gieo tỉa lúa nên dễ xảy ra cháy rừng. Đối với những địa bàn là điểm nóng về cháy rừng, chúng tôi cử lực lượng thường xuyên bám địa bàn kiểm soát, vận động và có khi hướng dẫn họ cách phòng cháy, chữa cháy...

Không chỉ bảo vệ rừng già, rừng đầu nguồn mà hiện nay chúng tôi còn tuyên truyền người dân không phát, đốt nương rẫy dọc theo hành lang các tuyến đường trên địa bàn huyện, nhất là tuyến đường Hồ Chí Minh nhằm tránh gây ra sạt lở, hư hại sau này”, ông Sang nói.

Đ.Hiệp-C.Bính