Gia Lai

Giữ hồn cồng chiêng Tây Nguyên của các “Chiêng nhí”

(Dân trí) - Các đội cồng chiêng nhí ở một số buôn làng của tỉnh Gia Lai đang được kỳ vọng sẽ gánh vác được sứ mệnh tiếp tục lưu giữ, nối truyền nét văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vốn có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Trăn trở với “hồn Tây Nguyên”

Nhắc đến Tây Nguyên thì không thể thiếu được không gian văn hóa Cồng chiêng. Bởi với người dân Tây Nguyên trước đây, Cồng chiêng không chỉ là văn hóa tinh thần gắn liền với đời sống của người dân bản địa, mà nó còn là minh chứng cho các giai thoại phát triển của người dân nơi đây qua các bài chiêng. Vì vậy, năm 2005, Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2009, Cồng chiêng Tây Nguyên được chuyển thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy nhiên, “cơn lốc” hiện đại hóa xâm nhập vào các bản làng, cùng với nó là những loại hình âm nhạc hiện đại đã “lôi kéo” các thế hệ trẻ xa rời tiếng chiêng. Nếu trước đây, mỗi bản làng ít nhất cũng có 1 bộ cồng chiêng, thậm chí có gia đình có đến vài bộ cồng chiêng thì bây giờ nhiều buôn làng đã vắng bóng cồng chiêng. Đơn cử như huyện Đăk Đoa (Gia Lai) chỉ còn 131 bộ cồng chiêng, 42 làng không còn Cồng chiêng. Và điều đáng buồn đến mức cần phải “báo động đỏ” là các thế hệ trẻ của các buôn làng không thiết tha và không biết chơi cồng chiêng.

Giữ hồn cồng chiêng Tây Nguyên của các “Chiêng nhí” - 1

Già làng Đinh H'Mưnh và một số thành viên đội cồng chiêng "nhí"

Là người được nghe tiếng cồng chiêng từ khi còn nằm trong bụng mẹ, biết nghe, biết chơi cồng chiêng từ lúc còn chưa biết đến con chữ, già Đinh H’Mưnh (làng Mơ H’Ra, Kông Lơng Khơng, Kbang, Gia Lai) luôn đau đáu hoài niệm về quá khứ mà buồn với hiện tại khi lớp trẻ không còn để ý tới cồng chiêng, không còn biết chơi cồng chiêng. Suy nghĩ này đã thôi thúc già H’Mưnh cần phải làm một việc gì đó để lưu giữ tiếng cồng chiêng của buôn làng mình…

Vậy là cách đây vài năm, già H’Mưnh quyết định bỏ việc nương rẫy, với một cánh chân bị thương tật, bước đi cà nhắc đến nhiều gia đình các em học sinh trong làng để vận động các em học sinh trong làng tham gia thành lập đội cồng chiêng nhí của làng.

Vậy là vào các buổi chiều tối hàng ngày, hơn 30 các em thiếu nhi từ 10-14 tuổi của làng Mơ H’Ra lại tập trung tại nhà Rông của làng để già H’Mưnh dạy chơi cồng chiêng. Không chỉ tận tình chỉ dạy cho các cháu chơi chiêng, mà để động viên các cháu có hoàn cảnh khó khăn, già đã nấu cơm cho các cháu ăn để động viên các cháu. Có những cháu nghỉ học không có lý do, già lại đến tận nhà hỏi nguyên nhân, cùng gia đình tham gia tháo gỡ khó khăn, động viên các cháu đi học lại.

Giữ hồn cồng chiêng Tây Nguyên của các “Chiêng nhí” - 2

Các thành viên kế cận của cồng chiêng Tây Nguyên

“Nếu trước đây, bất kỳ các lễ hội, các sự kiện trong làng đều có tiếng cồng chiêng, lũ trẻ như già chỉ biết đến mỗi tiếng cồng chiêng, nghe tiếng cồng chiêng nhiều đến mức là tự thuộc các bài chiêng, cầm đến cái chiêng là biết đánh ngay. Còn bây giờ, lớp trẻ toàn chạy theo các loại hình âm nhạc hiện đại nên không có ai muốn học chơi cồng chiêng, càng ngày càng xa rời tiếng cồng chiêng. Trong khi đó, đội cồng chiêng ở làng cũng đã lớn tuổi, nên già sợ chỉ vài ba năm sau khi những người này chết sẽ không còn ai tiếp tục đánh cồng chiêng nữa. Vì vậy, già tự nói với mình bằng bất cứ giá nào cũng phải truyền dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ trong làng mình”, già H’Mưnh tâm sự.

Và đến nay, sau hơn 2 năm tự mở lớp đào tạo cồng chiêng nhí miễn phí cho các bạn trẻ trong làng, đội cồng chiêng nhí của làng Mơ H’Ra không chỉ chơi cồng chiêng thành thạo, mà hơn hết các cháu đã kế tục được nét văn hóa truyền thống của cha ông, đủ tự tin đi tham gia biểu diễn ở các cuộc thi.

“Khi lớp cồng chiêng nhí này được đào tạo thành công, tôi sẽ tiếp tục đi vận động, mở dạy thêm những lớp cồng chiêng nhí khác. Tôi sẽ tiếp tục truyền dạy cho đến khi nào mình không còn sức khỏe để dạy nữa”, già Đinh H’Mưnh nghẹn ngào.

Đội chiêng nhí duy nhất của 12 thôn làng

Là thành viên trẻ nhất, nhưng cũng được đánh giá là tay chiêng nổi trội có năng khiếu nhất của đội chiêng làng Mơ H’Ra, em Đinh Văn Mường (10 tuổi), hào hứng khoe, sắp tới đội chiêng của em sẽ đi lưu diễn nên cứ khi nào rãnh là các em lại rủ nhau đi tập luyện. Mường đã học đánh chiêng từ hơn 2 năm trở về trước: “Chính già H’Mưnh đã đến nhà em và bảo em có học đánh chiêng không thì đăng ký để già dạy, nên em đã đồng ý ngay lúc đó”, Mường nhớ lại.

Và từ đó, cứ chiều chiều, sau khi kết thúc buổi học trên trường, Mường lại đạp xe đến nhà Rông của làng để học đánh cồng chiêng. Khi cầm đến chiếc chiêng, tập chơi chiêng thì Mường đã bị cuốn hút và đam mê ngay. Vì vậy, suốt thời gian học, hiếm khi nào Mường nghỉ buổi học nào chỉ trừ khi bị ốm đau, lụt bão.

Câu chuyện tập đánh cồng chiêng của em Đinh Văn Bé (12 tuổi) lại khác, hoàn cảnh gia đình Bé khó khăn, cậu nghỉ học sớm và hàng ngày đi theo cha mẹ lên rẫy để phụ việc. Nên lúc được già H’Mưnh đến nhà đặt vấn đề truyền dạy chơi cồng chiêng miễn phí cho em, thì Bé đã thẳng thừng từ chối vì lười học. Thấy vậy, già H’Mưnh đã kiên trì thuyết phục cậu bé. Trước sự kiên trì và tấm lòng của già H’Mưnh, Bé đã chấp nhận đi học đánh cồng chiêng. Những ngày đầu tiên, Bé luôn đến lớp đều đặn, nhưng chỉ một thời gian sau, Bé càng ít đến lớp hơn. Vì vậy, khi đội cồng chiêng tập dượt chuẩn bị đi diễn thì Bé đã đánh nhầm điệu chiêng, khiến cả đội trêu Bé.

Giữ hồn cồng chiêng Tây Nguyên của các “Chiêng nhí” - 3

Tham gia biểu diễn trong cuộc thi cồng chiêng

Bị các bạn trêu, có bạn lại nhỏ tuổi hơn cả mình khiến Bé xấu hổ, và quyết tâm phải tập bằng được các bài chiêng. Vì vậy, Bé đã mượn chiêng về nhà tập đánh, có hôm trời đã khuya, mọi người đi ngủ nhưng Bé vẫn ngồi đánh chiêng khiến ai cũng buồn cười, “bó tay” với cậu bé này.

“Khi bị các bạn trêu em xấu hổ lắm, nên em phải quyết tâm đánh bằng được các bài chiêng. Em đã mượn chiêng về nhà tự tập đánh, chỗ nào em không biết em đến nhờ già H’Mưnh chỉ dạy. Nên bây giờ em đã đánh được tất cả các bài chiêng, không thua bất kỳ bạn nào trong đội”, Bé tự hào kể.

Bà Trần Thị Bích Ngọc- cán bộ Văn hóa xã Kông Lơng Khơng cho biết, trên địa bàn xã có 12 thôn, làng, nhưng chỉ có 1 đội chiêng nhí của làng Mơ H’Ra. Đội chiêng nhí này không chỉ tham gia biểu diễn tại các làng, xã mà còn tham gia các cuộc thi cấp huyện, tỉnh. Các em đã 2 lần đoạt giải B trong cuộc thi Liên hoan Cồng chiêng huyện Kbang. Đặc biệt, các em là thế hệ được kỳ vọng sẽ nối tiếp các thế hệ cha ông tiếp tục gìn giữ văn hóa Cồng chiêng trên địa bàn.

“Để có được đội cồng chiêng nhí ngày hôm nay, công của già Đinh H’Mưnh rất lớn. Già đã không ngại khó khăn, đến từng nhà vận động các em tham gia lớp học, trực tiếp truyền dạy, chỉ bảo cho các em; đưa các em đi giao lưu, biểu diễn… Và xã đã tặng bằng khen động viên tinh thần của già”, bà Ngọc chia sẽ thêm.

Thiên Thư