Giật mình với chăn, gối “xịn” nhồi ruột bẩn

“Chú xem đó, làng tôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Máy dệt tiền tỷ, xe tải nửa tỷ nhiều lắm. Nhờ làm chăn “nhái” đấy. Đố tìm được cái ruột gối bông do cây “đẻ” ra” - Một người dân thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội nói.

Công trường... chăn

 

Chúng tôi về làng Trát Cầu vào một ngày tháng 7, vờ như người đi mua chăn đệm về bán. Trước mặt chúng tôi có cả một dãy xe tải chất đầy chăn, ga, gối nuối đuôi nhau rời làng. Và những chuyến hàng chở bao bì chứa bông, sợi đưa về các xưởng sản xuất cũng không kém phần sôi động.

 

Giật mình với chăn, gối “xịn” nhồi ruột bẩn - 1

Bông, sợi được phơi đầy hai bên đường bụi, đất bám đầy

 

Tiến sâu vào trong làng tiếng máy dệt, máy sợi chạy ầm ầm, cảnh người dân làm chăn hối hả. “Đó là mùa nóng mà làng chăn này đã vậy, mùa đông anh về, cứ gọi là chật cứng xe” - một bác xe ôm bảo.

 

Không khí ngày nắng nóng của Trát Cầu càng trở nên khó thở với tiếng máy dệt, máy sợi chạy xập xình suốt ngày. Vậy mà  bên trong những căn xưởng chật chội, người lao động với đủ các cỡ tuổi khác nhau vẫn miệt mài ngồi gỡ những thứ bông sợi ra để đem phơi nắng. Bụi, sợi bông bay mù mịt. Mùi hôi thối tan ra khiến không gian như đặc quánh lại...

 

Cũng từ ngày khai sinh nghề làm chăn hiện đại, dòng sông Cụt (thuộc sông Nhuệ) màu nước đen kịt; mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tất cả các nguồn nước thải từ làng nghề Trát Cầu đều thải ra con sông này.

 

Ruột rác, vỏ xịn

 

Anh T, chủ một cơ sở vừa tiếp chúng tôi vừa buột miệng: “Nguồn bông, sợi này tôi thu mua từ các vùng khác về, đa số là chăn phế thải, được mua theo ký. Nhiều nơi họ vứt đi nhưng mình mua với giá vài nghìn đồng/cái họ sẽ bán ngay thay vì đốt hoặc thả trôi sông. Hàng thu mua về sẽ được người làm phân loại phơi khô đóng bao. Một phần nguyên liệu dùng cho việc sản xuất, một phần khác xuất đi Trung Quốc”.

 

Tại cơ sở sản xuất chăn ga, gối đệm của vợ chồng chị Ph. và anh Ch., một kho bông tận thu từ thứ hàng phế thải được đóng bao chất cao quá đầu người. Đống bông phế liệu có màu đen sẫm, vàng ố lẫn lộn vào nhau. Việc thu mua vẫn tiếp tục, tưởng chừng như không bao giờ dừng lại....

 

Giật mình với chăn, gối “xịn” nhồi ruột bẩn - 2
Một cơ sở đang phân loại bông, vải sau khi mua về

 

Anh Ch. cho biết đống bông này thu gom từ các mối khác nhau. Nó có nguồn gốc ban đầu như thế nào thì chính anh cũng chịu. Nguyên liệu này không được xử lý hay giặt tẩy mà chỉ đem ra phơi khô, sau đó đóng bao chất trong kho đến mùa thì đem ra làm chăn hoặc bán bông thành phẩm. “Nói là thành phẩm cho oai chứ anh chỉ có việc thu mua, phân loại và phơi khô” - anh Ch. hài hước.

 

“Nguyên liệu như bông, sợi tôi mua lại những chủ lớn trong làng làm ra, còn vải, hoa văn nhập từ nhiều nơi khác. Mỗi ngày cơ sở tôi cũng sản xuất được trên 20 bộ chăn gồm vỏ chăn, ga, gối với đủ mẫu mã và nhiều mức giá khác nhau”, chủ cơ sở L.N. nói.

 

Giàu nhờ làm chăn “nhái”

 

Từ đầu làng theo con đường bê tông rộng lớn, nhà cao tầng nằm cạnh nhau san sát. Trước đây, ở xã Tiền Phong chỉ riêng làng Trát Cầu có nghề làm chăn. Hiện nay đã được mở rộng ra toàn xã, không chỉ dừng lại ở sản xuất chăn, người dân còn làm thêm cả ga, gối, đệm.

 

“Chăn chúng em bán nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Mỗi cơ sở đều có xe tải nên một khi khách hàng yêu cầu là chở đến liền. Có những khách hàng kỹ tính, họ đánh cả xe container đến gom hàng và chở về, sau khi móc nối làm ăn thì bọn em lại đưa đến tận nơi cho họ”, chị L. một chủ cơ sở cho biết.

 

Giật mình với chăn, gối “xịn” nhồi ruột bẩn - 3
Một kho chứa bông để tái chế

 

Người dân thôn Trát Cầu giàu lên nhờ làm chăn. Hiện nay, làng có trên 40 bộ máy công nghệ cao của Hàn Quốc, Nhật Bản để làm chăn, gối. Mỗi bộ máy có giá trên dưới một tỷ. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều sắm xe tải riêng.

 

Theo thống kê tại thôn Trát Cầu, mỗi máy làm được từ 90 đến 100 chiếc chăn/ngày. Còn những hộ dân nhỏ lẻ cũng cho ra được vài chục bộ chăn, ga, gối, nệm… Nhưng xe về lấy hàng nườm nượp nên các xưởng chưa bao giờ  rơi vào cảnh ế hàng.

 

Trong 900 hộ ở Trát Cầu hiện nay thì có tới 80% người dân sống bằng nghề làm chăn. Vậy nên nói rằng làng Trát Cầu giàu lên nhờ nhà nhà làm chăn cũng không sai.

 

Bói không ra một cái chăn “nguyên liệu thiên nhiên”

 

Cả làng làm chăn nhưng khó mà tìm được một bộ ruột chăn, gối làm bằng bông thiên nhiên mà người làng Trát Cầu từng tự hào một thuở....

 

Từ các loại bông có sẵn trong thiên nhiên, từ 500 năm nay người thôn Trát Cầu đã chế biến ra các loại chăn, đệm rất nổi tiếng nhưng nay công nghệ truyền thống đã biến mất.

 

Giật mình với chăn, gối “xịn” nhồi ruột bẩn - 4
Nguyên liệu sản xuất chăn được phơi bên đường

 

Theo người dân nơi đây, giờ muốn đắp một cái chăn thủ công truyền thống cũng khó kiếm vì không ai ngồi khâu, đánh tan bông như trước.

 

Chăn truyền thống làng Trát Cầu đòi hỏi rất tỉ mỉ qua các công đoạn như: chọn bông, đập bông, rát bông, rồi mới tỉ mẩn khâu từng mũi chỉ, đường kim để cố định bông… Để cho ra một chiếc chăn bông phải có 2 thợ cùng làm. Thợ tay nghề cao, nếu làm nhanh cũng phải mất một ngày mới làm được 1 một chiếc.

 

Nghề làm bông thủ công cầu kỳ đến mức người làm phải dùng 2 máy quay tay để tách hạt và hoa bông, tạo nên những tựa bông trắng và xốp sau đó dùng sa cán và dây cung bật cho bông tơi dài, mịn và đều. Khi đã tựa được bông như ý, người thợ tiếp tục dùng cung chải cho mặt chăn trải dài, rộng tùy theo kích cỡ 1,8 đến 2m rồi gấp bìa cho chăn vuông vắn…

 

Mới chỉ trên dưới chục năm mà đó đã là chuyện ngày xưa. Giờ làng nghề làm chăn truyền thống 500 năm đã “đắp chiếu” nhường chỗ cho những dây chuyền công nghệ làm chăn nhái.

 

“Mà thực ra mấy ai  hỏi mua chăn bông cũ kiểu như ngày xưa nữa đâu. Các anh chị cứ ra hiệu thì thấy, người ta cứ hỏi mua “ruột chăn Hàn Quốc”...” - một cụ già cao niên nói với chúng tôi,  giọng cũng chẳng vương chút buồn nào...

 

Xã từ chối cung cấp thông tin

 

Chúng tôi xin liên hệ lãnh đạo xã Tiền Phong để tìm hiểu về làng nghề truyền thống Trát Cầu nhưng khi đặt vấn đề thì được các vị lãnh đạo xã yêu cầu phải làm theo một nguyên tắc: “muốn xã cung cấp về số liệu của làng nghề truyền thống hiện như thế nào thì phải có giấy thiệu của UBND huyện lúc đó xã mới hợp tác. Nếu không có giấy của huyện sẽ từ chối cung cấp mọi thông tin về làng nghề Trát Cầu”.

 

Phóng viên đặt câu hỏi, có đúng là quy định từ huyện Thường Tín, Hà Nội hay đó chỉ là cách từ chối khéo của cán bộ xã để công nghệ làm chăn nhái, nguyên liệu không rõ nguồn gốc có cơ hội phát triển?

 

Theo Sơn Thủy - Phạm Thanh

 Khoa học & Đời sống