Giao thông TPHCM vẫn “nóng” vì những vấn đề cũ

(Dân trí) - Trong buổi chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM chiều 8/7, các đại biểu HĐND TP đã lật lại nhiều vấn đề cũ của ngành giao thông như: thu phí xe cá nhân, cấm quảng cáo trên xe buýt, lát vỉa hè bằng gạch bê tông...

Tại sao không cho quảng cáo trên xe buýt?

 

Trong phiên thảo luận tổ ngày 7/7, các đại biểu đã có nhiều bức xúc về vấn đề cấm quảng cáo trên xe buýt vì khó quản lý nội dung quảng cáo và ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Các đại biểu đã nhất trí đưa nó vào danh sách các câu hỏi chất vấn yêu cầu Sở Giao thông Vận tải giải trình.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng: “Trong lĩnh vực giao thông công cộng, xe buýt dùng nhiều, tại sao không cho quảng cáo trên xe buýt. Tôi vẫn thấy tiếc vì mất một nguồn thu. Đặc biệt là trong điều kiện hiện nay kinh tế khó khăn, ngân sách chúng ta không đảm bảo, thì đây là một phần bù lỗ đáng kể”.

 
Giao thông TPHCM vẫn “nóng” vì những vấn đề cũ  - 1

Những khoảng trống trên thân xe buýt TP đang bị lãng phí?
 

Đại biểu Đặng Văn Khoa đồng tình: “Nhiều nước, nhiều tỉnh làm; việc quản lý nội dung quảng cáo nằm trong tầm tay chúng ta nhưng tại sao chúng ta không làm? Tôi đề nghị ủy ban nên xem xét lại vấn đề này”.

 

Đại biểu Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin khẳng định: “Là người làm lâu năm trong ngành quản lý quảng cáo, tôi khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được nội dung quảng cáo. Vì họ phải nộp mẫu cho cơ quan quản lý cấp phép”.

 

Trong phiên chất vấn Sở GTVT chiều 8/7, đại biểu Lê Văn Trung nhắc lại câu hỏi này. Đến cuối phiên họp, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài chính thức trả lời: UBND TP không cho quảng cáo trên xe buýt không chỉ vì khó quản nội dung quảng cáo trên xe, mà còn vì các nguồn thu chưa được làm rõ ràng.

 

Ông nhấn mạnh: “100 tỷ đồng thu được là ở đâu? Và không phải nhà nước thu hết số tiền này, vì xe phần lớn là của người dân, họ cũng phải có phần trong con số này. Từ tháng 10/2008, UBND TP đã giao cho Sở GTVT là đơn vị đề nghị làm rõ vấn đề này và Sở Tài chính thẩm định, nhưng vẫn chưa thuyết phục được UBND TP”.

 

Thu phí  để hạn chế xe cá  nhân

 

Đại biểu Võ Văn Sen thì đặt lại vấn đề hạn chế xe cá nhân. Ông cho rằng: Hiện số xe máy của TP đã là hơn 3,8 triệu chiếc, tức 2 người có 1 xe, và vẫn không ngừng tăng lên. Nếu chúng ta không hạn chế từ bây giờ thì sẽ rất khủng khiếp trong tương lai. Và ông đề nghị nên xem xét vấn đề thu phí xe cá nhân.

 

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT trả lời: “Trước đây Sở đã đề nghị, đã trình Thủ tướng và Bộ Tài chính về đề án này. Nhưng Bộ Tài chính đã bác sau khi báo chí phản ánh không đồng thuận. Nhưng chúng tôi vẫn đang đeo đuổi và liên tục kiến nghị Bộ Tài chính thay đổi”. 
 
Giao thông TPHCM vẫn “nóng” vì những vấn đề cũ  - 2
Kẹt xe do quá tải xe cá nhân đang làm điên đầu lãnh đạo TPHCM

 

Theo ông, nhờ đó mà vừa qua đã đạt được một số thành tựu đáng kể như Chính phủ ra nghị định cho riêng 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM được cho cơ chế khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng và hạn chế xe cá nhân. Vừa qua, trong Bộ Luật Giao thông mới sửa đổi cũng có quy định cho các thành phố lớn được có chính sách riêng để phát triển vận tải công cộng và hạn chế xe cá nhân.

 

Tuy nhiên, đại biểu Võ Văn Sen vẫn chưa hài lòng. Ông cho rằng: “Sở phải làm quyết liệt hơn, không thể thụ đồng chờ các bộ đồng ý. Phải tổ chức các hội thảo, chuyên đề... để bàn bạc và đưa ra các giải pháp thực hiện cho đến kỳ cùng”.

 

Phá bỏ những đoạn vỉa hè đã lát bê tông

 

Việc hàng loạt tuyến vỉa hè bị lật tung lên và lát lại bằng gạch bê tông, giảm diện tích và hạn chế khả năng ngấm nước mưa của đường phố TPHCM vừa qua được nhiều đại biểu quan tâm đến và đưa ra chất vấn ông Trần Quang Phượng.

 

Các đại biểu cho là cơ quan quản lý là Sở GTVT phải chịu trách nhiệm trong việc này. Vì nó đã được thực hiện một phần khá lớn, nhiều đoạn đã bị bê tông hóa, gây ảnh hưởng đến việc thoát nước mưa và trữ lượng nước ngầm của TP. Mãi sau này báo chí lên tiếng mới chịu sửa đổi.

 

Ông Phượng giải thích: “Việc cải tạo vỉa hè đã phân cấp cho các quận huyện, Sở chỉ chịu trách nhiệm giám sát và hướng dẫn. Khi sự việc xảy ra, chúng tôi cũng đã kịp thời tham mưu lãnh đạo Thành ủy, UBND TP đình chỉ các công trình này”.

 

Nhưng đại biểu Võ Văn Sen vẫn chất vấn: “Là Sở quản lý mà không nghĩ ra tác hại của việc lát bê tông vỉa hè, không hướng dẫn các quận huyện thì trách nhiệm thuộc Sở GTVT”. Và ông thẳng thừng đặt câu hỏi: “Phải giải quyết thế nào? Phá làm lại hay cứ để vậy?”.

 

Ông Trần Quang Phượng cho biết: “Hiện tất cả các dự án cải tạo vỉa hè đã dừng lại. Đoạn nào làm rồi thì chấp nhận. Đoạn nào chưa làm thì ngưng ngay và làm theo mẫu thiết kế có trồng cây xanh, tăng thêm diện tích mảng xanh và thấm nước. Như đường Lê Duẩn, phần còn lại chưa thi công lát gạch bê tông sẽ chỉ lát vỉa hè 2,5m, còn lại 4,5m sẽ dành để trồng cây xanh”.
 
Giao thông TPHCM vẫn “nóng” vì những vấn đề cũ  - 3
Nhiều tuyến vỉa hè đã bị đổ bê tông rồi lát gạch lên

 

Tuy nhiên, đại biểu Võ Văn Sen cho rằng: “Chúng tôi kiến nghị phá hết những đoạn đã làm. Vì chương trình lớn của chúng ta là chống ngập nước đô thị mà chúng ta quên vấn đề thấm nước tự nhiên. TP đã có 1 triệu mấy trăm ngàn căn nhà, nay lại bê tông hóa vỉa hè thì làm sao chống ngập?”.

 

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP phải ra “can” để làm dịu nghị trường: “Phá thì cũng rất lãng phí, vấn đề là ở những đoạn mới chúng ta phải rút kinh nghiệm”.

 

Tùng Nguyên