Giao thông TPHCM: Quá tải!

(Dân trí) - Trong khi hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng giao thông tại TPHCM đang bị đình trệ do gặp nhiều khó khăn thì số lượng phương tiện cá nhân lại tăng quá nhanh. Điều đó khiến giao thông TP rơi vào tình trạng quá tải.

Xe tăng chóng mặt 

 

Phòng Vận tải Công nghiệp (Sở Giao thông - Vận tải TPHCM) cho biết: tính đến ngày 31/5/2008, tổng số phương tiện giao thông cơ giới của người dân TPHCM đã lên đến hơn 3,8 triệu xe (tăng gần 6% so với đầu năm); trong đó tới hơn 3,5 triệu là xe môtô.

 

Ngoài ra, mỗi ngày có khoảng 700.000 xe môtô, xe gắn máy 2 bánh, 60.000 xe ôtô từ các tỉnh vào TPHCM. TP còn có hơn 20.000 xe 3-4 bánh cơ giới và thô sơ tự chế hoạt động; đặc điểm của loại xe này là diện tích chiếm đường khá lớn và tốc độ lưu thông thấp. 

 

Đặc biệt, dù tình trạng lạm phát tăng cao, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2008, số lượng xe ôtô được đăng ký mới hàng ngày ở phòng CSGT TPHCM vẫn tăng đều đều. Trung bình 6 tháng đầu năm 2008 thì có 177 xe đăng ký mới/ngày, cao hơn rất nhiều mức trung bình năm 2007 (120 xe/ngày). Điều đó khiến tình trạng quá tải tăng cao hơn, do mỗi ôtô cần diện tích đường hoạt động lớn gấp 6 lần mỗi xe môtô. 

 

Diện tích đường quá ít

 

Toàn TPHCM hiện có khoảng 3.400 con đường, tổng diện tích khoảng 25 triệu m2. Nếu chỉ tính diện tích đậu xe thì mỗi xe môtô cần khoảng 3m2, xe ôtô nhỏ nhất cũng cần khoảng 8m2 nhân với số xe hiện tại thì TPHCM cần ít nhất 13,5 triệu m2 đường để chất xe. Để chất thêm số xe ngoại tỉnh TP cần thêm 2,5 triệu m2. Như vậy, gần 5 triệu xe cơ giới ở TPHCM chỉ còn 9 triệu m2 để… nhúc nhích.

 

Đó là chưa kể đến khoảng 2 triệu xe đạp, xe 3-4 bánh tự chế khác trên địa bàn TP cũng chiếm một diện tích không nhỏ.

 

Trong khi đó, các tuyến đường vành đai, đại lộ Đông Tây, dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi… và các cây cầu huyết mạch như cầu Nguyễn Văn Cừ, Thủ Thiêm, Công Lý… thì vẫn còn ngổn ngang do vướng giải tỏa mặt bằng, giá vật liệu tăng cao làm chậm tiến độ thi công.

 

Ngoài ra, con số 197 lô cốt trên 77 tuyến đường cũng chiếm một diện tích khoảng 200.000 m2 đường trong quỹ đường eo hẹp của TP. Nó khiến diện tích đường giao thông của TPHCM năm 2008 đã không tăng được mà còn giảm đáng kể.

 

Chính sự quá tải này đã khiến số vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 30 phút trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm 2008 lên đến con số 22 vụ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2007. Đó là chưa kể các vụ ùn tắc nhỏ, kéo dài mươi, mười lăm phút thì hầu như ngày nào cũng có. Và nguyên nhân ùn tắc chủ yếu là do số lượng phương tiện lưu thông cùng lúc quá nhiều. 

 

Đã đến lúc hạn chế xe cá nhân?

 

Có lẽ đã đến lúc TPHCM phải có chế tài đặc biệt để hạn chế xe cá nhân vào trung tâm TP; đặc biệt là xe ôtô cá nhân, do hiệu quả vận tải thấp, diện tích chiếm đường cao trong khi diện tích đường giao thông của TP còn hạn chế. 

 

Ông Đặng Thế Trung - Chánh văn phòng sở GTVT TPHCM - cho rằng: “Tuy giá xe ôtô ở nước ta cao hơn nhiều nước công nghiệp giàu có; nhưng ở các nước giàu có đó, để chiếc xe được lăn bánh, họ phải mất phí bảo vệ môi trường, đóng góp duy tu đường xá… còn lớn hơn giá trị chiếc xe rất nhiều”. 

 

Ông Trung cũng lo ngại: “Hiện nay chúng ta cứ vay tiền nước ngoài để mở đường, làm cầu, đáp ứng nhu cầu cho số xe cá nhân tăng quá nhanh là không ổn. Chúng ta phải học tập mô hình lấy xe nuôi đường của nước ngoài. Ai muốn chạy xe phải trả tiền cho nhà nước làm đường, nhà nước không thể đi vay để làm đường mãi. Vì tiền vay đó sẽ là gánh nặng cho con cháu của chúng ta sau này”.

 

Tùng Nguyên