Giao quyền “làm án” ma tuý cho bộ đội biên phòng?

(Dân trí) - Nhiều ý kiến “không yên tâm” về nội dung tăng quyền điều tra án ma tuý cho bộ đội biên phòng, cảnh sát biển… trong phiên thảo luận về việc sửa đổi Pháp lệnh điều tra hình sự của UBTVQH chiều 23/2.

Giao quyền “làm án” ma tuý cho bộ đội biên phòng? - 1
Bộ đội biên phòng có thể được khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố án ma tuý?
 
Theo tờ trình của Chính phủ, nhiều nội dung trong pháp lệnh được đề nghị sửa đổi theo hướng bổ sung các đơn vị phòng, chống ma túy Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Cảnh sát môi trường.
 
Cơ quan làm dự thảo pháp lệnh nêu ý kiến tăng thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra đối với tội phạm về ma túy và tội phạm trong lĩnh vực môi trường.
 
Quyền hạn tiến hành điều tra cụ thể được giao cho các chủ thể: Cục trưởng, phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy bộ đội biên phòng; trưởng phòng, phó trưởng phòng phòng, chống ma túy cấp tỉnh cũng như các chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và cụm trưởng, phó cụm trưởng thuộc lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của cảnh sát biển thực hiện một số hoạt động điều tra tội phạm ma túy; Cục trưởng, phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, trưởng phòng, phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường có quyền hạn tiến hành một số hoạt động điều tra tội phạm về môi trường.
 
Ủy ban Tư pháp của QH thể hiện sự đồng tình với kiến nghị “tăng quyền” của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác cũng nêu không ít nghi ngại.
 
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng thành lập thêm Cục phòng chống ma tuý, giao thêm nhiệm vụ cho cơ quan này ở cấp TƯ nhưng bộ máy ở địa phương lại không đi kèm. Như vậy, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh vẫn “đá”... bao sân, không khác trước.
 
Ông Vượng đề xuất, nếu sửa luật theo hướng tăng thẩm quyền điều tra án ma tuý cho lực lượng chuyên trách của bộ đội biên phòng, cảnh sát biển thì phải lập hệ thống điều tra an ninh và điều tra ma tuý độc lập để tránh giẫm chân nhau.
 
Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền cũng phân tích, chức năng chính của Bộ đội Biên phòng là giữ gìn an ninh biên giới. Nếu tham gia công tác phòng, chống buôn lậu và ma tuý, việc xử lý rất bất cập, nảy sinh nhiều vướng mắc, chồng chéo.
 
Ông Hiền khẳng định “không yên tâm” vì việc giao quyền lực quá nhiều, quá lớn cho bộ đội biên phòng, cấp phòng đã có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam và khám xét. Theo ông Hiền, chức năng điều tra phải để cơ quan công an tiến hành vì án ma tuý luôn rất phức tạp, đòi hỏi quá trình điều tra, xét xử “bài bản” của cơ quan chuyên trách.
 
Giải trình cho những nội dung còn “vênh”, thứ trưởng Bộ công an, thượng tướng Lê Thế Tiệm phân trần, thực tế tình hình tội phạm ma túy rất phức tạp, nhất là trên biên giới và biển, cơ quan “gác cửa” phải có đầy đủ chức năng, quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ.
 
Tướng Tiệm khoanh quyền cho các lực lượng bổ sung được phép điều tra từ đầu, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, hoàn thiện hồ sơ và chuyển thẳng cho viện kiểm sát đối với những tội ít nghiêm trọng. Với những tội phức tạp, các lực lượng trên chỉ thực hiện một số thủ tục cần thiết, sau đó chuyển sang cho cơ quan điều tra chuyên trách.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận việc sửa đổi Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự là cần thiết trong điều kiện hiện tại. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần xác định rõ nhiệm vụ của cơ quan điều tra trong mối quan hệ với các cơ quan được giao một số hoạt động điều tra sơ bộ theo yêu cầu.
 
Việc tổ chức lại các cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, kết hợp chặt chẽ giữa công tác trinh sát và hoạt động điều tra tố tụng hình sự là yêu cầu về lâu dài.
 
Dự kiến, pháp lệnh điều tra hình sự sửa đổi bổ sung sẽ được thông qua trong ký họp thứ 17 này.
 
P.Thảo