TPHCM:

Giám đốc Văn phòng đất đai xin thêm cấp phó để... có người ký

(Dân trí) - Ông Dư Huy Quang – Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM - cho biết, trung bình mỗi tháng Ban Giám đốc (3 người) phải ký 4.000-5.000 hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo ông Quang, việc nhiều mà người ít gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc nên ông kiến nghị tăng thêm 1-2 phó giám đốc “để có người ký”.

Ngày 9/1, phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, ông Dư Huy Quang – Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TPHCM – cho biết trong năm qua đơn vị thực hiện nhiều nội dung cải cách hành chính, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Người dân đến làm thủ tục tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Tân Phú. Đây là địa phương có tỷ lệ hồ sơ nhà đất trễ hạn thuộc diện cao nhất thành phố
Người dân đến làm thủ tục tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Tân Phú. Đây là địa phương có tỷ lệ hồ sơ nhà đất trễ hạn thuộc diện cao nhất thành phố

Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận hiện nay Văn phòng còn nhiều hạn chế phải khắc phục và dẫn chứng là số lượng hồ sơ đất đai trễ hạn rất nhiều. Theo thông kê của ngành trên toàn hệ thống, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn khoảng 10%.

“Tỷ lệ trễ hạn phần nhiều nằm ở hồ sơ cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, nhận chuyển nhượng đối với trường hợp đã cấp giấy”, ông Quang nói.

Ông Quang lý giải việc hồ sơ trễ hạn nhiều do 2 nguyên nhân chính là tình trạng pháp lý của đất đai có yếu tố lịch sử phức tạp và do cơ chế thực hiện.

“Trường hợp cấp giấy chứng nhận cho nhà đất xây trái phép, không phép rất nhiều, mà theo quy định phải có ý kiến của cơ quan cấp giấy phép xây dựng đối với công trình đó là được tồn tại hay không, xử lý làm sao. Có ý kiến của cơ quan xây dựng thì cơ quan đất đai mới cấp được. Tuy nhiên, hiện nay quy chế phối hợp thực hiện chưa tốt”, ông Quang nói.

Trường hợp thứ hai là nhà đất có giấy tờ rồi mà chủ cũ khi xây dựng sai phép, không phép xong không làm thủ tục hoàn công mà bán nhà cho người khác. Khi lập thủ tục chuyển nhượng thì công chứng chỉ công chứng chuyển nhượng đối với hồ sơ pháp lý có sẵn, còn đối với phần sai phép, không phép thì không công nhận.

“Sau đó, người mua lại lấy hồ sơ đó đi đăng ký chuyển quyền sử dụng đất. Khi xem xét đăng ký chuyển quyền thì hiện trạng không phù hợp với hồ sơ pháp lý, hợp đồng mua bán... Hồ sơ trễ là do lý do này, phải đi xác minh, kiểm tra, có ý kiến của các ngành”, ông Quang phân trần.

Bên cạnh đó, ông Quang cũng đề cập đến tình trạng đất nông nghiệp (đã cấp giấy chứng nhận) được chủ đất phân thành nhiều miếng nhỏ rồi đem bán giấy tay. Sau đó, người mua xây dựng trái phép trên đất.

“Hiện nay, khi những người mua bán giấy tay đi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận thì địa phương cho rằng trường hợp này đã có giấy chứng nhận rồi, nay đăng ký biến động nên thẩm quyền thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, muốn giải quyết loại hồ sơ này thì đòi hỏi địa phương phải có sự đánh giá lại có phù hợp với quy hoạch, đánh giá các chỉ tiêu về dân số, điều kiện hạ tầng để xem xét cụ thể. Do đó, Sở Tài nguyên – Môi trường cũng có báo cáo và chờ UBND TP chỉ đạo thực hiện.

“Trường hợp này không thể cấp giấy chứng nhận theo thủ tục thông thường được. Ở đây, biến động không phù hợp với pháp luật. Biến động là do chia nhỏ diện tích, do thay đổi mục đích, tự ý xây dựng... thành ra đây là biến động không bình thường”, ông Quang đánh giá.

Người đứng đầu VPĐKĐĐ TPHCM cũng nhấn mạnh cơ chế thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay cũng là vướng mắc gây trễ hạn hồ sơ.

“Số lượng hồ sơ chuyển nhượng thuộc thẩm quyền cấp giấy của Văn phòng hiện nay rất nhiều, mỗi tháng văn phòng phải ký 4.000-5.000 hồ sơ. Mà người có thẩm quyền ký là 3 người thuộc Ban Giám đốc. Do đó khả năng đáp ứng hiện nay rất khó”, ông Quang thông tin.

Do đó, ông Dư Huy Quang tiếp tục kiến nghị phân cấp về cho chi nhánh, giám đốc chi nhánh của VPĐKĐĐ TP được quyền ký giấy chứng nhận mới cho người mua, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có giấy chứng nhận rồi.

Theo ông Quang, kiến nghị trên Sở Tài nguyên – Môi trường đã tham mưu cho UBND TP và Thành ủy cũng báo cáo cơ quan Trung ương nhưng chưa thấy chuyển đổi, nay tiếp tục kiến nghị.

“Trong quá trình chờ kiến nghị này, Văn phòng cũng mạnh dạn kiến nghị UBND TP đồng ý cho phép Sở Tài nguyên - Môi trường bổ sung thêm số lượng Phó Giám đốc Văn phòng ít nhất 1-2 người, để có người ký. Chứ bây giờ số lượng người ký ít, không đáp ứng được công việc”, ông Quang kiến nghị.

Quốc Anh