Giải cứu thành công 30 người bị lũ cô lập trên rẫy

(Dân trí) - Chiều ngày 3/11, ông Lữ Phúc Phong - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Pa (Gia Lai) - cho biết, cơ quan chức năng đã đưa thành công 30 người dân đi làm rẫy tại xã Ia Broái bị mắc kẹt do mưa lũ, đến nơi an toàn.

Ông Rơ Ô Aluyn - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Broái (Ia Pa) - thông tin thêm, trước đó có khoảng 30 người thuê đất ở buôn Jứ Ma Uôk (Ia Broái) để trồng dưa hấu. Vào ngày 2/11, nước lũ đã đổ về gây ngập lụt tại khu vực này của xã Ia Broái, tuy nhiên người dân không về mà đã ở lại chòi rẫy để canh giữ phân bón.

Đến sáng nay, một số người đã di chuyển ra ngoài, còn một số người bị mắc kẹt trên chòi rẫy. Nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã cho người vào vận động, đưa những người mắc kẹt đến nơi an toàn. Đến đầu giờ chiều, 17 còn người dân bị mắc kẹt trên rẫy đã được đưa ra khỏi vùng nguy hiểm phòng nước lũ tiếp tục dâng cao.

Lực lượng chức năng huyện Ia Pa cùng người dân đưa tài sản đến nơi an toàn để tránh lũ
Lực lượng chức năng huyện Ia Pa cùng người dân đưa tài sản đến nơi an toàn để tránh lũ

Cũng tại buôn Jứ Ma Uôk, từ sáng sớm những người già và trẻ em được tập kết tại trường THCS Lê Lợi trên địa bàn xã để tránh lũ; đồng thời, người dân đã sơ tán trâu, bò lên khu vực đất cao.

Nước bắt đầu tấn công vào nhà dân
Nước bắt đầu "tấn công" vào nhà dân

Ngoài ra còn có 7 buôn tại xã Ia Rsai (Ia Pa) cũng bị nước ngập làm cho cô lập.

Nước lũ ngập trắng cánh đồng
Nước lũ ngập trắng cánh đồng

Cũng trong sáng ngày 3/11, lực lượng chức năng thị xã Ayun Pa (Gia Lai) cũng đã gấp rút tiến hành sơ tán người dân, tài sản ra khỏi vùng sạt lở. Đặc biệt là 10 hộ dân thuộc khu vực phường Sông Bờ bị ngập… Tại QL25 (đoạn qua đèo Tô Na) giáp ranh 2 huyện Krông Pa và TX Ayun Pa cũng bị sạt lở làm ảnh hưởng đến giao thông.

Một số đoạn đường bị lũ chia cắt
Một số đoạn đường bị lũ chia cắt

Cơ quan chức năng đang xử lý tình trạng sạt lở tại đèo Tô Na
Cơ quan chức năng đang xử lý tình trạng sạt lở tại đèo Tô Na

Tây Nguyên ngập nhiều nơi do mưa lũ

Mưa lớn kéo dài 3 ngày nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã khiến một số xã trên địa bàn 2 tỉnh này bị ngập lụt

Tại Gia Lai, sáng ngày 3/11, ông Trương Phước Anh- Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Gia Lai cho biết, vào lúc khoảng 2h sáng nay, tại QL25 (đoạn qua xã Ia Sao,TX Ayun Pa) đã xảy ra ngập lụt, khu vực lụt kéo dài khoảng 400m dọc quốc lộ.

Nguyên nhân được ông Anh cho biết, do từ chiều tối ngày 2/11 đến sáng nay, tại khu vực huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa xảy ra mưa lớn liên tục, cộng với việc lưu lượng nước sông Ba về mạnh hơn và các suối nhỏ của lưu vực hứng nước chảy về nên đã gây ra ngập ở khu vực trên.

Tính đến khoảng 10h sáng nay, nước đã bắt đầu rút. Hiện ông Anh đã có mặt ở khu vực trên từ sáng sớm và đang đi khảo sát.

Nước ngập vào sân một nhà dân tại khu vực gần cầu Bến Mộng, TX Ayun Pa (Ảnh: Thanh Trần)
Nước ngập vào sân một nhà dân tại khu vực gần cầu Bến Mộng, TX Ayun Pa (Ảnh: Thanh Trần)

Liên quan đến việc thủy điện An Khê- Ka Nak xả lũ, theo ông Anh khu vực xảy ra ngập lụt cách thủy điện An Khê- Ka Nak cả trăm km, vì vậy việc xả không có ảnh hưởng nặng nề, tuy lượng nước có tăng hơn và thủy điện có điều chỉnh, nên cũng chưa kết luận được việc ngập là do thủy điện.

Tại Kon Tum, sáng ngày 3/11, ông Nguyễn Văn Lân- Chủ tịch UBND huyện Kon Plong (Kon Tum) cho biết, 2 ngày nay tại địa bàn huyện xảy ra mưa lớn gây sạt lở nhiều ở 2 xã Đăk Nên và Đăk Ring, gây ách tắc giao thông từ chiều ngày 1/11 kéo dài đến 16h ngày 2/11. Vì vậy, huyện đã tập trung lực lượng xử lý các điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông. Đến hiện tại, xe máy và người đi bộ đã qua lại được giữa 2 xã trên.

Đến 9h sáng nay nước vẫn ngập tại nhà dân 2 bên đường Hùng Vương, TX Ayun Pa (Ảnh: Thanh Trần)
Đến 9h sáng nay nước vẫn ngập tại nhà dân 2 bên đường Hùng Vương, TX Ayun Pa (Ảnh: Thanh Trần)

Sáng nay, huyện đã tập trung nhân lực để xử lý thông đường, và dự kiến một vài ngày nữa thì đường sẽ thông hoàn toàn, ô tô có thể qua lại được.

Vụ việc không gây thiệt hại về người, vì trước khi nhận được thông báo mưa lũ ở miền trung, huyện Kon Plong đã chủ động trong công tác ứng phó nên các lực lượng công chức, viên chức tập trung hết cho các thôn vận động người dân không được đi lại qua các sông suối, không được vào rừng sản xuất, đưa gia súc, gia cầm về nơi an toàn.

Đường tỉnh lộ giữa xã Đăk Ring và Đăk Nên bị chia cắt 1 ngày, đến chiều qua xe máy đã qua lại được. Tại xã Đăk Ring thì có 1 đoạn đường bị đứt 6m giữa thôn Ngọc Hoàng và Măng lây đã bị nước cuốn trôi.

Ngoài ra, tại đường Trường Sơn Đông (đoạn từ xã Hiếu đi xã Ngọc Tem) cũng bị chia cắt khoảng 8 tiếng đồng hồ bắt đầu từ 20h ngày 1/11, do đất đá từ trên ta luy dương sạt lở xuống. Đến 16h ngày 2/11, huyện đã xử lý xong, giao thông đã được thông suốt.

Sáng nay huyện đang phối hợp với Sở GTVT tỉnh đang tập trung xử lý những khu vực trên để thông tuyến, ô tô có thể qua lại được.

Tuệ Mẫn