Báo điện tử Dân trí - Tin tức cập nhật liên tục 24/7

Quảng Ngãi:

Giải cứu hai cha con sống hơn 40 năm trong rừng

(Dân trí) - Chiều ngày 7/8, người dân và Công an huyện Tây Trà đã tổ chức tìm kiếm đưa hai cha con người dân tộc Cor hơn 40 năm sống trong rừng, trở về địa phương.

Qua xác minh, người cha có tên là Hồ Văn Thanh (SN 1931) và con trai Hồ Văn Lang (khoảng 41 tuổi), trước đây ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi.

 

Thông tin từ người dân đi làm rẫy, thời gian gần đây, quanh khu vực rừng núi thuộc thôn Trà Kem (xã Trà Xinh, huyện Tây Trà) xuất hiện 2 người lạ mặt có kiểu cách khác lạ. Ngay sau đó, Công an huyện Tây Trà cùng người dân địa phương đã vượt hơn 40km đường rừng, phân chia lực lượng tìm kiếm theo các hướng. Khi tiếp cận với lực lượng tìm kiếm, “người rừng” Hồ Văn Lang tỏ thái độ rụt rè, sợ hãi; người cha đang trong tình trạng sức khỏe suy yếu.

 

Theo lời kể của già làng, cách đây hơn 40 năm, bom đạn chiến tranh đã oanh tạc trúng căn nhà ông Hồ Văn Thanh, làm vợ và 2 người con của ông chết. Quá hoảng sợ, ông Thanh ôm con trai lúc đó mới 1 tuổi chạy vào rừng sâu trú ngụ. Kể từ đó người dân không thấy hai cha con ông Thanh trở về.
 
Người con Hồ Văn Lang luôn muốn bỏ trốn về lại rừng

Người con Hồ Văn Lang luôn muốn bỏ trốn về lại rừng

 

Ông Lê Văn Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Xinh - cho biết: “Khi đưa hai cha con ông Thanh ra ngoài nơi ở biệt lập, họ vẫn còn nhút nhát, sợ hãi người lạ, đặc biệt có nhiều người tò mò tới xem “người rừng” như thế nào khiến họ càng hoảng sợ. Ngoài ra, hai cha con “người rừng” không biết nói tiếng Kinh, chỉ biết nói vài từ tiếng dân tộc Cor và ra hiệu bằng cử chỉ”.

 

Sống biệt lập trong rừng, ông Thanh và con trai tự chế tạo dụng cụ như rìu, dao từ mảnh sắt vụn của bom đạn, sử dụng vỏ cây khô làm khố mặc che thân, ăn uống bằng củ mì, bắp, lá cây và tự dựng túp lều trên thân cây cao khoảng 6m để phòng thú rừng.

 

Hiện hai cha con ông Thanh đã được đưa về xã Trà Phong (nơi ở cũ). Lực lượng chức năng tổ chức canh giữ, đặc biệt với người con Hồ Văn Lang thường xuyên có biểu hiện chạy trốn về lại rừng.

 

Hồng Long

Đọc nhiều trong Xã hội
Xã hội
Tin mới