Giấc mơ con, giấc mơ ánh sáng

“Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng cũng có một người đồng ý “cho” em đứa con. Từ ngày nhận được tin tới ngày hẹn gặp anh ấy, trong đầu em lúc nào cũng lung bung những suy nghĩ: Có nên không? Sau này cuộc sống thế nào? Mọi người sẽ nhìn em ra sao?...

Khi biết mình có bầu, em cắt liên lạc với anh ấy, một mình vượt cạn, nuôi đứa con của riêng mình” - lời tâm sự của người phụ nữ mù cứ ám ảnh tôi mãi về những đau đớn của số phận con người.

Những buổi sinh hoạt
văn hóa là động lực giúp người mù vượt qua nỗi đau số phận.

Những buổi sinh hoạt văn hóa là động lực giúp người mù vượt qua nỗi đau số phận.

Một đứa con không chỉ đơn thuần là giọt máu của mình, đó còn là mặt trời mơ ước của chính họ.

Mầm cây non nớt

Tôi gặp H trong một lần đi qua vườn hoa Kim Đồng ở dải trung tâm thành phố Hải Phòng. Ở cái vườn hoa hiếm hoi, bé tẹo này trong những ngày cuối tuần, lúc nào người cũng đông như nêm cối. Trong khi người lớn dắt trẻ con đi chơi thì đứa bé khoảng 10 tuổi dắt tay người mẹ trẻ bị mù dò dẫm giữa dòng người trở thành tâm điểm chú ý của nhiều ánh mắt.

Thói đời vẫn vậy, người ta cứ thấy ai làm việc gì đó khác với số đông thì để ý rồi bàn tán. Bị mẹ con người mù va vào, có kẻ vô tâm đã buông ra một câu ác khẩu: “Đã mù lại còn thích đi chơi”.

Hình như H không quan tâm tới lời mắng. Cô ngước đôi mắt mờ đục nhìn mông lung, dỏng tai nghe tiếng cười khanh khách của đứa con rồi mỉm cười rạng rỡ.

Cô kể, mình bị mù bẩm sinh, từ nhỏ đã sống trong cảnh cô đơn, luôn khép kín như con ốc chui sâu trong lớp vỏ. Nhưng khi đến tuổi trưởng thành, những khát khao thầm kín của người phụ nữ vẫn luôn dày vò H trong những giấc mơ. 30 năm tuổi đời, không một mối tình, H nghĩ tới những ngày tăm tối phía trước. Thế rồi, sau những trằn trọc suy nghĩ, cô đi đến quyết định tìm “nguồn sáng” cho cuộc sống của mình, bằng cách “xin” một đứa con.

Đem chuyện của H kể với ông Nguyễn Quang Tâm - Chủ tịch Hội Người mù Hải Phòng - ông Tâm nhướng đôi mắt mờ đục chia sẻ: “Khi hai con mắt bị bóng tối bao phủ, chúng tôi luôn cố gắng níu vào một cái gì đó để tìm nguồn sáng. Nguồn sáng đó có thể là sự sẻ chia của cộng đồng, nhưng trên hết đó là có một gia đình trọn vẹn hoặc có đứa con lành lặn, khỏe mạnh để mà níu kéo, nương tựa”.

Ở Hải Phòng, ông Tâm là một trong những người may mắn nhất vì có nghề nghiệp ổn định, một người vợ mắt sáng, hai đứa con ngoan, biết thương bố mẹ... Con gái ông - em Bùi Hồng Nhung - bây giờ đã trưởng thành, vẫn nhớ như in quãng thời niên thiếu. Em kể đầy tự hào: “Sáng nào em cũng cầm tay bố đi qua quãng đường 3km từ nhà đến nơi bố làm việc, chiều lại đến cầm tay bố về trong ánh mắt tò mò, hiếu kỳ của người qua đường”.

“Con cái của người mù thường chín chắn, thương bố mẹ hơn những đứa trẻ cùng trang lứa” - ông Tâm khẳng định sau khi kể một loạt hoàn cảnh, như chị Vớ có đứa con tên Tùng. Khi còn nhỏ, sau giờ học Tùng lại đạp xe khắp thành phố tìm mẹ, rồi cùng mẹ đẩy xe, đi bán chổi đót.

Rồi cháu Thủy - con của chị Bé và anh Nhi - từ nhỏ đã là lao động chính trong nhà. Bây giờ, đang là sinh viên Đại học dân lập Hải Phòng, sau giờ học Thủy vẫn hằng ngày đến làm bảo vệ, trông xe tại cơ sở tẩm quất của Hội Người mù Hải Phòng, kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học hành.

Chúng là những mầm cây non tơ, nhưng vừa mọc lên đã biết hy sinh và che đỡ.

Em là mẹ

H, chị Vớ, chị Bé, anh Tâm là những người mù may mắn trong hành trình tìm “nguồn sáng”. Hội Người mù Hải Phòng có hơn 1.800 hội viên, trong đó gần 1.000 là nữ. Đối với người mù nam, việc cưới một người phụ nữ là điều rất khó khăn, còn với những người phụ nữ thì đó là việc gần như không thể.

Các chị Khúc Thị Hiền
và Phí Thị Tuất vui đùa bên những đứa con.
 
Các chị Khúc Thị Hiền và Phí Thị Tuất vui đùa bên những đứa con.

Anh Hoàng Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Người mù Hải Phòng - kể về người phụ nữ mù lấy chồng sáng mắt duy nhất ở Hải Phòng đến thời điểm này: Chị V - bị mù bẩm sinh - sinh ra trong một gia đình khá giả ở nội thành Hải Phòng. Năm 20 tuổi, có một chàng trai mắt sáng đến làm quen, yêu nhau và quyết định đi đến hôn nhân. Ngày cưới của họ tràn ngập những lời chúc mừng cho mối tình đẹp, cao cả của đôi uyên ương vợ mù, chồng sáng. Chuyện cảm động của họ thậm chí còn được một phóng viên về tìm hiểu, viết bài, phát trên sóng phát thanh cả nước.

Tuy nhiên, câu chuyện cổ tích đẹp đó kết thúc không có hậu. Sau ngày cưới, từ một thanh niên nhà quê, được gia đình nhà vợ chăm lo, tìm việc làm, mua nhà cho, anh ta lộ rõ là một kẻ “đào mỏ”. Kiên quyết không có con với V, khi kiếm đủ “cơ sở vật chất”, người chồng lạnh lùng viết đơn xin ly dị vợ.

Nếu không bị mù, Khúc Thị Hiền - sinh năm 1983 ở huyện An Lão, Hải Phòng - là người phụ nữ đẹp mặn mà. Do bị mù bẩm sinh, suốt thời thơ ấu tới tuổi thanh niên, Hiền sống rất khép kín, không hề có bạn bè.

Năm 2000, Hiền ra học nghề tẩm quất ở một cơ sở của Hội Người mù Hải Phòng. Những ngày tháng học ở đây, trái tim người phụ nữ mù sớm rung động khi có một thanh niên làm nghề sửa chữa điện tử ngay sát nơi cô học. Yêu nhau nhưng Hiền không biết chắc chắn người yêu mình tên gì vì có người gọi anh ta là Triều, có người gọi là Sáng. Mặc dù biết Triều (Sáng) chỉ yêu chứ không muốn cưới, nhưng Hiền cũng có ý định của riêng mình. Mối tình nửa công khai, nửa vụng trộm đem lại kết quả như Hiền mong muốn: Cô có thai.

Sau khi Hiền thông báo rằng đã có thai, mấy ngày sau Triều bỏ đi, không để lại một lời nhắn gửi. Tuy buồn như những người phụ nữ bị phụ bạc, nhưng Hiền không hề thấy nuối tiếc về những điều đã qua. Tới nay, cháu Khúc Thị Thanh Tú (con của Hiền) đã 9 tuổi, trở thành niềm tin, lẽ sống của Hiền, nhưng nhớ lại những ngày một mình “vượt cạn”, nuôi con, cô vẫn còn thấy sợ. Câu đầu tiên sau khi sinh con Hiền hỏi những người xung quanh là: Mắt con em có sáng không?

Rất may, con Hiền không có khuyết tật gì. Sau đó là cả chuỗi ngày gian khổ trong việc chăm bẵm đứa trẻ sơ sinh. Do không nhìn thấy, Hiền phải dùng tay sờ vào mặt con xem miệng đứa bé ở đâu để cho con ăn, cho con bú. Những công việc tưởng như đơn giản với người sáng mắt như phát hiện con mình có bị muỗi đốt, bị cảm, sốt thế nào... đối với Hiền đều vô cùng khó khăn.

Khi hỏi khó khăn gian khổ đến như vậy, Hiền có hận Triều (Sáng) không? Cô thản nhiên: “Không. Em đã đạt được mục đích của mình. Em là mẹ. Cháu Thanh Tú là của riêng em...”

Giấc mơ bé bỏng

5 năm trước, tôi quen vợ chồng Trần Mạnh Thư và Phí Thị Tuất ở xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Cả hai vợ chồng đều bị mù, đến với nhau bằng tình yêu chân thành của những người đồng cảnh ngộ. Sau ngày cưới là những tháng ngày vất vưởng sống đậu ở nhờ trong những căn nhà trọ tồi tàn, có khi phải ở trong chuồng bò rộng chưa đầy 10m2 của người bảo vệ cống thoát nước Sở Dầu ở quận Hồng Bàng.

Trong những ngày tháng đó, lần lượt 3 đứa con của anh Thư, chị Tuất sòn sòn ra đời, lớn lên như cây cỏ. Gặp lại chị Tuất ở Hội Người mù Hải Phòng sau mấy năm bẵng tin, tôi hỏi tới những đứa con, chị Tuất buồn buồn: “Cháu lớn nhà em bị di truyền từ bố mẹ nên cũng bị mù, hai cháu bé mắt cũng kém, em đang gửi ở nhà bà ngoại (mẹ chị Tuất cũng bị mù)”.

Trường hợp khác là chị Bùi Thị Ngà ở quận Kiến An, trong những ngày làm việc tại một cơ sở tẩm quất của Hội Người mù Hải Phòng, Ngà có con với một đồng nghiệp cùng cảnh ngộ. Đứa bé sinh ra cũng bị mù bẩm sinh khiến cuộc sống của Ngà đã khó khăn còn vất vả hơn.

Khi tôi nhắc đến chuyện này, ông Nguyễn Quang Tâm thở dài thườn thượt: “Rất hiếm người mù lấy được người mắt sáng, còn người mù lấy nhau thì những đứa con sinh ra, tỉ lệ mù di truyền rất cao”.

Lại thêm một nỗi đau nữa đối với những người được coi là bất hạnh hơn ai hết. Có một đứa con lành lặn, khỏe mạnh để chăm lo khi còn trẻ, nương tựa lúc về già là một nhu cầu chính đáng của người mù, nhưng nếu chẳng may đôi mắt của những đứa trẻ cũng không khác gì bố mẹ chúng, thì thật muôn phần bất hạnh.

Chia tay tôi, ông Tâm khoe: “Hội Người mù Hải Phòng vừa có thêm một phụ nữ đang có thai tên là M...”. Tôi không biết đó là tin buồn hay vui sau những gì đã thấy, đã nghe. Cũng như nhiều người khác, tôi chỉ biết cầu mong đứa con sắp chào đời của chị lành lặn, khỏe mạnh để trở thành “nguồn sáng” trong chuỗi ngày tăm tối vĩnh viễn của chị phía trước...

Theo Phạm Việt Hòa
Lao động