1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá sữa cao chót vót, có 'công' người tiêu dùng

(Dân trí) - Dù luôn miệng than giá sữa tăng vù vù, nhưng khi ra khỏi cửa hàng, chị Quỳnh Anh vẫn xách hộp XO. “Vợ chồng tôi mới có một cháu nên muốn dành những gì tốt nhất cho con”, chị nói. Tâm lý “sùng ngoại, kén nội” đã góp phần đẩy giá sữa lên chót vót.

Giá sữa cao chót vót, có 'công' người tiêu dùng - 1
Một cửa hàng sữa tại Hàng Buồm vào giờ tan tầm (Ảnh: Tuấn Hợp)
 
“Cục cưng” phải uống sữa “tốt nhất, đắt nhất”
 
“Chợ” sữa Hàng Buồm từ bao lâu nay là nơi tập trung nhiều cửa hàng sữa, với nhiều nhãn hiệu sữa nhất Hà Nội. Dạo qua nơi này giờ tan tầm mới thấy hết không khí náo nhiệt khi các bà mẹ trên đường đi làm về ghé mua sữa cho con.
 
Theo khảo sát của Dân trí, 2/3 nhãn hiệu sữa bày bán tại các cửa hàng là sữa nhập ngoại và cũng có tới 2/3 người tiêu dùng chọn các loại sữa đắt tiền này cho “cục cưng”.
 
Chị Trần Thị Minh, một người dân sống ở Giảng Võ cho biết: “Thị trường nhiều loại sữa quá, trong lúc loay hoay chọn sữa cho con thì được bạn bè tư vấn nên chọn sữa ngoại cho có nhiều dưỡng chất. Giờ giá sữa liên tục tăng cao, muốn đổi loại sữa khác rẻ hơn thì bé đã quen hương vị cũng như thành phần sữa nhập rồi”.
 

Giá sữa đang niêm yết tại các cửa hàng sữa ở Hàng Buồm:

 

Friso1 có giá 113.000đ/hộp 400g, 226.000đ/hộp 900g

 

Friso 2-3-4 900g có giá 224.000đ - 205.000đ - 190.000 đ/hộp

 

Dumex 165.000đ/hộp 400g, 305.000đ/hộp 900g

 

Cô gái Hà Lan 52.000đ/hộp 400g, 105.000đ/hộp 900g...

Dù luôn miệng than vãn giá sữa tháng sau cao hơn tháng trước, nhưng khi ra khỏi cửa hàng chị Quỳnh Anh (Cầu Giấy) vẫn xách trên tay hộp sữa XO: “Cháu đã quen loại sữa này rồi, hôm nọ tôi thử đổi sang dòng sữa khác cháu chê ngay. Thôi thì đành cố, vợ chồng tôi mới chỉ có một cháu nên muốn dành những gì tốt nhất cho con”.
 
Ghé vào một cửa hàng bán sữa trên đường Nguyễn Thông (quận 3, TPHCM), chị Lê Thị Lan Anh chọn mua hai hộp sữa Gain plus với giá 614.000 đồng cho đứa con gái 2 tuổi của mình.
 
Chị Lan Anh ngao ngán: “Giá sữa cao quá nhưng vì con cũng phải đành chịu thôi. Cũng muốn tìm sữa khác nhưng trên thị trường sữa ngoại nhập giá nào cũng cao như nhau, còn sữa nội thì sợ chất lượng không bằng”.
 
Theo anh Nguyễn Mười, chủ một cửa hàng kinh doanh sữa (đường Nguyễn Thông, quận 3), đa phần khách ở khu vực trung tâm lựa chọn mua sữa ngoại. Số người đến mua sữa trong nước không nhiều. Khách hàng vẫn chuộng sữa nhập ngoại vì ai cũng muốn chọn loại tốt nhất, chứa nhiều dinh dưỡng hơn cho con. Cũng theo anh Mười, dù giá sữa nhập có cao đến mấy khách mua cũng không hề giảm.
 
Về vấn đề giá sữa, bà chủ cửa hàng Kim Hồng (Hàng Buồm) cũng bày tỏ: Mỗi một hãng sữa chỉ có một nhà phân phối nên cửa hàng sữa cũng như người tiêu dùng trên toàn quốc không có cơ hội so sánh giá.
 
“Một trong những cách để giữ chân khách là báo sát giá công ty. Các chương trình khuyến mãi hiện nay thường diễn ra trong vòng 2 tháng, là thời điểm để các cháu uống hết 2 - 4 hộp sữa rồi đổi lấy phần thưởng như xe đạp, hộp quà...”.
 
Sữa ngoại “bành trướng” thị trường
 
Trên thị trường sữa bột hiện nay, sữa ngoại chiếm đến 80% thị phần bao gồm các nhãn hiệu nổi tiếng như: Abbott, Enfa, XO, Friso, Dumex, Milmax, Meiji, Anmum… chỉ 20 % còn lại của các doanh nghiệp trong nước như Vinamilk, Nutifood…
 
Lí do mà các doanh nghiệp nhập khẩu sữa đưa ra mức giá cao “ngất ngưởng” là phải “cõng” hàng loạt chi phí. Đó bao gồm thuế nhập khẩu, chi phí hậu vận như kho bãi nhập khẩu, chi phí marketing - quảng cáo, chưa kể lương nhân viên lao động cho doanh nghiệp nước ngoài cũng cao hơn.
 
Kể từ ngày 9/3, thuế suất đối với sữa bột nhập khẩu được Bộ Tài chính giữ nguyên, giúp các doanh nghiệp ổn định giá sữa, không gây khó khăn cho người tiêu dùng; nhưng trên thực tế, hàng loạt hãng sữa nhập liên tục tăng giá. Nhiều bà mẹ cho hay, dù họ thường xuyên mua sữa cho con nhưng không khỏi ngỡ ngàng với mức giá liên tục “nhảy múa”.
 
Về tâm lý người tiêu dùng nghĩ sữa ngoại luôn chứa nhiều dưỡng chất hơn cả, giới chuyên gia cho rằng đó là một nhận định không hoàn toàn chính xác. Thông thường các loại sữa đều phải tuân thủ những thành phần chính như: đạm, chất béo, các hoạt chất.
 
Một trong những phương thức “hút” người tiêu dùng của dòng sữa ngoại là mác ngoại và cách pha chế cho thêm các hương vị, kích thích vị giác của trẻ nhỏ. Nhiều bà mẹ khi nghe thông tin giá sữa tăng, sẵn sàng mua về dự trữ và càng đẩy giá lên cao hơn.
 
Vì thế theo TS. Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tại một cuộc hội thảo diễn ra vào cuối tháng 4: “Giá sữa Việt Nam thuộc vào loại cao nhất thế giới”.
 
Sữa bắt đầu tăng giá mạnh và liên tục kể từ năm 2007, khi thị trường sữa thế giới khủng hoảng giá bán. Lúc ấy, giá sữa nguyên kem của các nước ở châu Úc lên đến 5.000 USD/tấn, còn giá sữa nguyên liệu của các nước Tây Âu lên cao đến 5.700 USD/tấn.
 
Tuy nhiên, hơn một năm qua giá sữa liên tục giảm mạnh. Trong 4 tháng đầu năm nay, giá sữa nguyên liệu của các nguồn cung cấp cũng khá ổn định dao động từ 1.900 - 2.250 USD/tấn (sữa của châu Úc) và 2.100 - 2.450 USD/tấn (sữa của Tây Âu).
 
Thế nhưng, giá sữa bột trên thị trường hiện nay không chỉ vẫn giữ như thời điểm năm 2007 mà còn có chiều hướng tăng lên. Chưa kể, trong chính sách bình ổn giá và khuyến khích người tiêu dùng, Chính phủ vẫn chủ trương giữ nguyên thuế nhập khẩu sữa bột. Rõ ràng, giá sữa bán ra cao như hiện nay là hết sức vô lý và lợi nhuận thu được của các nhà kinh doanh sữa hiện nay là quá lớn.
 
L.Phương - N.Hiền - T.Hợp