1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Giá Quota dệt may sốt ảo

Nếu như cuối quý I, giá quota chợ đen của một số Cat nóng là hơn 2-3 USD/tá thì nay lên đến 3,5 USD. Cá biệt có doanh nghiệp "hét" tới 10 USD/tá ở mã 647/648. Những người trong ngành cho rằng, điều này vô cùng tệ hại vì thực tế lượng hàng dệt may VN xuất vào Mỹ đang giảm mạnh.

Sau một thời gian tương đối lắng dịu, thị trường chuyển nhượng quota hàng dệt may giữa các doanh nghiệp Việt Nam sôi động trở lại, và có nguy cơ bùng nổ thành cao trào nóng bỏng khi có thông tin Mỹ áp đặt hạn ngạch trở lại với 4 chủng loại hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm Cat 331; 340/640; 638/639 và 338/339 cộng với 3 nhóm tuyên bố trước đó là 347/348; 352/652; 338/339.

Cuối quý I, giá quota chợ đen dao động 2,5-3 USD/tá (338/ 339), 2-2,5 USD/tá (347/348). Đến thời điểm này, giá tăng đến 3,5 USD/tá (338/339), 3 USD/tá (347/348). Cá biệt có doanh nghiệp "hét" tới 10 USD/tá (647/648).

Theo giới chuyên môn, đây là điều vô cùng tệ hại, vì thực tế lượng hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm từ 20-30% so cùng kỳ, tùy từng mặt hàng. Nếu không điều tiết giá quota để tận dụng cơ hội xuất hàng thì vừa không giảm được áp lực thiếu hàng, lại vừa mất cơ hội do khách hàng bỏ đi do phải đội thêm gánh nặng giá quota.

Theo nhận định của Hội dệt may TPHCM, các đơn đặt hàng của Trung Quốc sẽ chuyển sang các thị trường tương tự như: Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam... Tuy nhiên, dệt may Việt Nam sẽ không có biến động lớn do sự chuyển dịch này, vì các doanh nghiệp nội địa khó cạnh tranh được với các nước ở các mặt hàng chất lượng cao, có nhãn hiệu nổi tiếng.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam còn nhấn mạnh, hàng may không chảy về Việt Nam mà sẽ qua các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia... vì họ vừa không bị hạn ngạch lại vừa được phía Mỹ xét miễn, giảm thuế. Bù lại Việt Nam sẽ có các công ty lớn của Nhật chuyển hướng, đầu tư sang (trước đây, Trung Quốc chiếm tới 90% thị phần đầu tư dệt may của Nhật).

Tổng công ty dệt may Việt Nam dự kiến 4 giải pháp trình lên Bộ Thương mại về việc phân bổ số quota còn lại, xem như phương thuốc hạ nhiệt cho cơn sốt quota. Theo ý kiến của các doanh nghiệp, nếu tiếp tục phân theo thành tích là không xác đáng, mà phải căn cứ vào tình hình thực tế phân bổ cho đúng đối tượng, đúng người có nhu cầu.

Theo Tổng công ty, trước hết doanh nghiệp phải chứng minh được nhu cầu thực tế (tính đến hết 30/6 phải xuất được ít nhất 60% lượng đã được cấp); nếu tiếp tục xin cấp phải cam kết số lượng còn lại không được chuyển nhượng; có xác nhận về số lượng của nhà nhập khẩu. Cuối cùng, số lượng được cấp thêm bắt buộc phải ký quỹ (thông qua thư bảo đảm của ngân hàng) gửi về Bộ Thương mại.

Nhiều doanh nghiệp được hỏi rất đồng tình với giải pháp thứ 4 vì cho rằng, với phương thức ký quỹ thì doanh nghiệp có nhu cầu thực sự sẵn sàng chấp thuận.

Riêng chủ trương quota tự động (cho tự động cấp Visa) đối với các cat 647/648; 347/348 của Bộ Thương mại, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải thận trọng vì sẽ bất lợi nếu không kiểm soát được số lượng, và Trung Quốc lợi dụng cơ hội này để chuyển quota qua Việt Nam.

Theo VnExpress/DĐDN