1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giá muối tăng, diêm dân “bỗng dưng muốn khóc”

(Dân trí) - Thương lái khắp ĐBSCL đang đổ xô tới các ruộng muối để thu mua với giá cao. Tuy nhiên, sau những cơn mưa trái mùa liên tiếp vào trung tuần tháng 2/2009, diêm dân gần như không còn muối dự trữ.

Giá muối tăng, diêm dân “bỗng dưng muốn khóc” - 1
Diêm dân Bến Tre rầu rĩ bên ruộng muối ngập nước.

Sau đợt tăng giá vào cuối năm, diện tích sản xuất muối được mở rộng, diêm dân thêm một lần nữa nuốt trái đắng vì trót… đánh bạc với ông trời.

Tiền tỷ thành nước mặn

Bạc Liêu được coi là vựa muối của miền Tây, trước khi có những cơn mưa trái mùa vào các ngày 11 và 12/2, diện tích muối nơi đây đã được mở rộng đến gần 2.300 ha do muối được giá. Sau đợt mưa kéo dài, toàn bộ diện tích muối gần như mất trắng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Dân, diêm dân ở xã Long Điền Đông huyện Đông Hải chua chát: “Nhà có 8 sân muối, mỗi sân là 100 giạ muối, mỗi giạ 60.000 đồng đang nhẫm tính thành quả. Sau một đêm mưa muối tan hết, vậy là trắng tay. Mấy chục năm lam lũ, tui chưa từng thấy ông trời trêu ngươi như vậy”.

Xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri) là vùng chuyên canh muối lớn nhất tỉnh Bến Tre với khoảng 1.000 ha và 1.300 hộ dân (chiếm hơn 50% hộ trong xã) sống bằng nghề muối. Sau đợt mưa trái mùa hơn 20.000 giạ muối của diêm dân tạn thành nước biển, thiệt hại gần 2 tỷ đồng.

Huyện Duyên Hải (tỉnh Tiền Giang) có khoảng 270 ha đất làm muối, tập trung ở các xã Dân Thành, Đông Hải, và một phần của xã Long Toàn, Trường Long Hòa, Long Khánh; với trên 450 hộ làm muối.

Cùng ký năm ngoái (sau hơn 3 tháng làm muối) thì các hộ làm diêm nghiệp ở Duyên Hải đã thu hoạch được hơn 30% sản lượng muối trong năm; nhưng vụ muối năm 2009 thì diêm dân thu được 3 - 5% sản lượng. Sau đợt mưa trái mùa, diêm dân không chỉ mất trắng mà còn phải tốn công sức tiền của cải tạo lại các ruộng muối.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, sau đợt mưa trái mùa trung tuần tháng 2/2009, hơn 4.000 ha muối ở các tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại không dưới 20 tỉ đồng.

Tại các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh và Sóc Trăng, toàn bộ số muối trên ruộng chưa kịp thu hoạch đều không còn. Đi đến đâu cũng gặp cảnh nông dâu thất thểu bên những ruộng muối ngập trắng xóa.

Giá càng tăng, diêm dân càng rầu

Bà Dương Thị Trúc Linh, cán bộ nông - lâm nghiệp xã Dân Thành (Duyên Hải, Trà Vinh), cho biết: Trước đợt mưa, hàng loạt dân xã đã chuyển từ ao nuôi tôm sú sang làm muối nhưng một lần nữa bị ông trời xô mất miếng ăn. Hiện giá tăng cao và khá hấp dẫn nhưng có rất ít hộ có muối để bán.

Tại Bạc Liêu, trong năm 2008, giá muối liên tục tăng khiến diêm dân đổ xô lấp ao tôm làm muối. Thời điểm đó, giá muối đen đã lên đến 1.300 đồng/kg, muối trắng ở mức 3.600 đồng/kg (cao gấp 10 lần so với năm 2007).

Đến thời điểm hiện tại, muối vẫn tăng giá khủng khiếp do không có nguồn cung, hành loạt thương lái đổ xô đến tận ruộng đặt hàng nhưng vẫn hiếm.

Một lãnh đạo huyện Đông Hải, Bạc Liêu cho biết: chuyện muối tăng giá do thiếu hụt sản lượng là không mới. Sau đợt mưa trái mùa, sẽ tiếp tục phát sinh một trào lưu lấp ao làm muối mới. Nông dân vẫn luẩn quẩn trong nghành nông nghiệp… nhờ trời.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, muối tại Bến Tre hiện đang được thương lái thu mua tận ruộng với giá 100 ngàn đồng/giạ (20 kg), giá muối đạt trên dưới 5.000 đồng/kg, tương đương giá lúa và cao gấp đôi so với cùng thời điểm này năm trước.

Giá muối tăng đột biến là do những đợt mưa trái mùa trong những ngày gần đây đã là cho vụ muối đầu năm gần như mất trắng, diêm dân không có muối để bán.

“Muối có đắt bằng giá vàng thì cũng chịu, ông trời nuốt mất hết rồi” - ông Đoàn Huy Phong, diêm dân ở xã Bảo Thạnh (Ba Tri, Bến Tre) ngao ngán: “Cả xã gần như không còn hạt muối, lấy đâu ra muối mà bán, nghe muối lên giá càng ức ông trời chú ạ”.

Nhật Trường