Giá gạo "sốt" vì tin đồn, người nghèo khốn khổ

(Dân trí) - Giá gạo tăng đột biến đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân, nhất là những lao động nghèo. Một bà nội trợ tại chợ An Đông cho biết, từ hôm qua, tôi phải cắt giảm lượng gạo nấu cho cả gia đình từ 2 lon xuống còn 1,5 lon.

Theo chị Như Phương, Ban quản lý chợ An Đông, mặt hàng gạo hút hàng kể từ hôm qua (26/3), người tiêu dùng sốt sắng mua hàng vì sợ hết gạo. Giá cả tăng đột biến thế này, người làm công tác quản lý như chúng tôi còn không phản ứng kịp huống hồ chi là người dân nghèo, đời sống còn cực kỳ khó khăn. Nhiều điểm bán lẻ đóng cửa vì hết hàng khiến người dân rơi vào cảnh hoang mang không biết mua gạo ở đâu. Ban quản lý chợ cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, bình ổn giá cả tại chợ.

Tại chợ Hòa Bình, các mặt hàng như trứng, mỳ gói đột ngột đắt hàng. Nhiều bà nội trợ tích cực trữ mặt hàng này trong gia đình do lo ngại giá gạo tăng cao và khan hiếm kéo dài sẽ không còn gạo để ăn.

Siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng đã treo biển hết gạo từ 20 giờ tối ngày hôm qua (26/4). Không có gạo, rất nhiều người đổ xô đi mua mì gói để dự trữ. Sáng 27/4, gian hàng bán mỳ gói của siêu thị này chật ních người chen chúc nhau mua hàng.

 

Giá gạo "sốt" vì tin đồn, người nghèo khốn khổ - 1

Mua mỳ tích trữ vì tin đồn thiếu gạo. (Ảnh: Nguyên Tuấn)

Gạo “đội giá” khiến các quán cơm cũng đồng loạt điều chỉnh giá bán cơm. Quán cơm Hương Thủy tại quận Bình Thạnh tăng giá một đĩa cơm từ mức 15.000 đồng/đĩa lên 20.000 đồng/đĩa. Bà chủ tiệm cơm này cho biết: Giá bán cơm sẽ còn tăng nữa vì chúng tôi mua gạo rất khó khăn, nhiều đại lý gạo là các mối quen hù dọa: “Ngày hôm sau giá gạo còn cao hơn hôm nay”. 

Bạn Ngọc Lâm, sinh viên trường Đại học Hồng Bàng than vãn: “Một chén cơm thêm đã bị chủ quán “chặt” 2.000 đồng. Tình hình này thì tụi em thủng túi sớm nếu không nhận thêm “viện trợ” từ gia đình”.

Vừa bước ra từ chợ Thanh Đa, chị Phương Thúy than vãn: “Gạo tăng thì thứ gì cũng sẽ tăng giá lên theo. Một ký bún tươi tôi thường mua với giá 7.000 đồng thì nay cũng đã lên 10.000 đồng/kg”.

Thiếu gạo không phải vấn đề của nước ta!

Ông Xuân Trình, ngụ tại quận Bình Thạnh cho biết: “Giá gạo “sốt” trong thời điểm trước lễ 30/4 và 1/5 là do tin đồn gây nên. Tình trạng đầu cơ tích trữ đang diễn ra ở khắp nơi, đây là hậu quả của tin đồn thất thiệt. Cần phải biết ai là người tung ra tin đồn vì tăng giá gạo là đánh trực tiếp vào nồi cơm của từng người dân, nhất là tầng lớp lao động nghèo. Giá gạo tăng mười mấy ngàn một ký như thế này là không thể chấp nhận được”.

Do nghĩ gạo tăng giá chỉ là một hiện tượng tin đồn nên nhiều người cũng cảnh giác. Chị Hồng Hạnh, ngụ tại quận Gò Vấp cho biết, trước đây tôi thường mua 20 kg ăn dần, nhưng bây giờ chỉ dám mua 1 - 2 kg, ăn tới đâu mua tới đó. Nếu cứ đổ xô mua gạo thì chỉ làm giàu cho những nhà buôn gạo chuyên đầu cơ tích trữ. Tôi nghĩ, sau ít ngày nữa, giá gạo sẽ trở lại mức giá bình thường. 

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính phủ, cho biết, chuyện thiếu gạo không phải là vấn đề của nước ta. Nếu Chính phủ có cho phép xuất khẩu gạo như số liệu dự kiến năm nay khoảng 3,5 tấn cũng không ảnh hưởng nguồn cung gạo. Tình hình sản xuất gạo trong nước vẫn bình thường, vì thế, chuyện thiếu gạo do cung thiếu là vấn đề không thể nào xảy ra được.

Theo ông Trương Trung Việt, Phó giám đốc Sở Thương Mại TPHCM, thị trường gạo trong mấy ngày qua diễn biến khá phức tạp. UBND thành phố đang họp khẩn cấp để bàn phương án kìm giá gạo trong thời gian tới.

Cần Thơ - Sóc Trăng: Giá gạo tăng, giá cơm tăng theo

 

Cho đến 13h chiều này 27/4, nhiều cơ sở bán gạo vẫn đóng cửa, nhiều cơ sở khác không treo bảng giá. Một chủ tiệm bán gạo tại chợ An Hòa cho biết, tôi đang cố liên lạc với các nhà máy gạo nhưng không được, mặc dù đã đặt cọc từ trước đó. Nhiều người dân vẫn hỏi giá gạo liên tục trong ngày hôm nay và mua với số lượng nhiều để dự trữ.

 

Trong khi đó theo tìm hiểu của Dân trí tại các cơ sở bán cơm trên địa bàn TP Cần Thơ thì hầu hết đều tăng giá. Mức giá tăng cũng chóng mặt từ 2.000 đến 3.000đ/phần, có nơi đến 5.000đ/phần.

 

Một số cơ sở bán cơm nhỏ lẻ trước đây bán với mức 8.000đ/phần thì trong 3 ngày qua đã tăng lên 10.000đ/phần. Trong khi đó nhiều quán cơm lớn hơn thì tăng từ 10.000đ lên 13.000đ/phần, có nơi tăng đến 15.000đ/phần.

 

Trong khu kí túc xá sinh viên Cần Thơ, nhiều chủ căng tin vẫn giữ mức giá 8.000đ/phần, nhưng phần cơm ít đi. Anh Sử, một chủ căng tin cho biết, mấy ngày qua giá gạo tăng quá cao, tôi định tăng lên 1.000 đến 2.000đ, vì bán cho sinh viên nên chúng tôi phải giữ giá nhưng đành phải giảm suất cơm để tránh bị lỗ.  

 

Tại TP Sóc Trăng, nhiều cơ sở bán cơm cũng đồng loạt tăng giá để "tránh bù lỗ". Một chủ quán cơm cho biết "mấy ngày qua người ăn kêu trời vì giá cơm tăng, nhưng chúng tôi không làm khác hơn vì phải theo giá gạo đang tăng trên thị trường". 

 

Khi chúng tôi hỏi về mức tăng hơi cao so với việc giá gạo tăng thì nhiều chủ quán biện minh rằng để "phòng" giá gạo sẽ tăng nữa.

 

Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh, ông  Huỳnh Thành Hiệp đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, kiểm tra liên tục các cơ sở bán gạo để tránh việc đầu cơ trục lợi. Và UBND tỉnh cũng tiến hành kiểm tra các cơ sở bán cơm để bình ổn giá.

Nguyên Tuấn - Huỳnh Hải