Hà Nội:

GĐ Sở Y tế làm Chủ tịch Hội đồng chữa bệnh Rùa Hồ Gươm

(Dân trí) - GĐ Sở Y tế Hà Nội, TS Lê Anh Tuấn, được chỉ định là Chủ tịch HĐ chữa trị Rùa Hồ Gươm. Trước khi thực hiện các phương án chữa bệnh cho cụ Rùa, hội đồng sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm, xác định bệnh nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Hôm qua UBND TP Hà Nội đã thống nhất các giải pháp chữa trị, chăm sóc và bảo vệ Rùa Hồ Gươm. Giám đốc Sở Y tế thành phố, TS Lê Anh Tuấn, đã được chỉ định là Chủ tịch Hội đồng chữa trị Rùa Hồ Gươm. Giúp việc cho Giám đốc Sở Y tế Hà Nội là chuyên gia y tế, bác sỹ thú y, các nhà khoa học, sinh vật học... Ngoài ra, có thể mời chuyên gia quốc tế trực tiếp khám, chữa trị, chăm sóc Cụ Rùa.
GĐ Sở Y tế làm Chủ tịch Hội đồng chữa bệnh Rùa Hồ Gươm - 1
Nếu cụ Rùa bị bệnh nặng, thời gian chữa trị có thể kéo dài 1-2 năm. (Ảnh: H.Hồng)
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm và bộ phận chuyên môn phải tập trung lực lượng ứng trực 24/24h, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Cùng với việc chữa trị, chăm sóc cụ rùa, ông Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ Hoàn Kiếm. Theo đó, phải tổ chức bắt và xử lý rùa tai đỏ, vớt rác, váng rêu trên mặt hồ; thu dọn chướng ngại vật và nạo vét bùn trong hồ, bảo đảm không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái của hồ; bổ cập nước vào hồ, thả bè thủy sinh...

Ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ Hà Nội,  Phó ban chỉ đạo cho biết: công tác chữa bệnh cho Rùa Hoàn Kiếm trên cạn sẽ tiến hành ở khu vực chân Tháp Rùa. Ngay khu vực đó cũng sẽ lắp đặt bể bơi thông minh chứa nước hồ đã loại bỏ yếu tố độc nhằm hỗ trợ quá trình chữa bệnh trên cạn, rồi đưa cụ Rùa vào đó để có thể tiến hành thăm khám thường xuyên.

Về phương án đưa cụ Rùa lên cạn, theo ông Rao, sẽ cùng lúc áp dụng cả hai phương án bẫy tự nhiên và chủ động đánh bắt. Theo đó phương án một là tạo lối tự nhiên cho cụ Rùa lên phơi nắng tại Tháp Rùa theo thói quen, sau đó thiết kế hệ thống bẫy để giữ cụ lại. Phương án này có ưu điểm tránh gây ra những chấn động mạnh nhưng có thể phải kéo dài. Phương án hai là chủ động bắt cụ Rùa bằng các thiết bị bẫy, lưới. Với phương án này, sẽ cố gắng giảm thiểu sốc cho cụ.

Theo dự đoán ban đầu của tổ chuyên môn, nếu các vết thương trên thân cụ Rùa là do virus, vi khuẩn thì phương án điều trị có thể kéo dài 3 tháng. Nhưng trong trường hợp bệnh nặng đã ăn đến xương thì công tác cứu chữa có thể kéo dài đến 1-2 năm.

P. Thanh