1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gặp người nông dân cứu rừng Kẻ Gỗ

(Dân trí) - Bây giờ thì núi rừng thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) đã yên ả trở lại, những kẻ phá rừng đã tra tay vào còng, chờ ngày ra trước vành móng ngựa. Một trong những người có công lớn trong việc cứu rừng Kẻ Gỗ là anh nông dân Nguyễn Hữu Ngụ, người đã có công đưa vụ phá rừng ra trước công luận.

Nhà báo bất đắc dĩ

 

Hơn một năm nay, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên bỗng rối loạn trước tình trạng rừng bị ngang nhiên tàn phá. Nhiều cánh rừng tại thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ - một trong những công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung - bỉ “xẻ thịt” không thương tiếc.

 

“Hàng chục chuyến xe rầm rộ chở gỗ đi trước ngõ mỗi ngày. Xót lắm. Từ nhỏ tới giờ tui cũng như dân làng ở đây sống được là nhờ có rừng bảo vệ. Không có rừng e cả cái làng ni, cả xứ ni nữa bị nước hồ Kẻ Gỗ cuốn trôi hết rồi” - anh Ngụ nhớ lại những ngày phải chứng kiến những đoàn xe chở gỗ rừng đi trước ngõ.

 

Quá bức xúc, anh Ngụ bỏ cả nghề buôn bán thịt lợn, gom tiền mua một chiếc máy ảnh, rủ thêm vài người bạn cùng tham gia “chiến đấu” với mình. Ròng rã cả tháng trời, đôi chân anh hết leo núi lại lội suối, đi khắp những cánh rừng ở thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ, ghi lại hình ảnh những cánh rừng bị tàn phá đến thê thảm. Ngoài việc chụp ảnh, anh còn cẩn thận ghi lại những con số vào sổ.

 

Hành trình cứu rừng

 

Có chứng cứ trong tay, anh Ngụ bắt đầu hành trình gõ cửa các cơ quan chức năng. Nhưng đó là những chuyến đi đầy khó khăn và gian nan hơn cả những lần anh trèo đèo lội suối giữa chốn rừng sâu. “Đến xã họ bảo lên huyện. Lên huyện họ lại đánh công văn về xã. Lắm lúc tui chẳng biết kêu ai” - anh Ngụ kể lại.

 

Sau mấy tháng trời ròng rã lên chính quyền không hiệu quả, anh Ngụ đã tìm đến các nhà báo. Những phóng sự tố cáo sự thật về rừng đầu nguồn hồ Kẻ Gỗ ra đời nhờ những thông tin quý giá mà anh Ngụ cung cấp. Nhưng sau mỗi bài báo, anh Ngụ gặp rất nhiều việc phiền toái. Đơn giản nhất là tuần nào anh cũng phải bỏ việc để cùng các đoàn công tác của xã, huyện, tỉnh lên rừng điều tra, đo đếm diện tích rừng bị phá. Mỗi chuyến đi anh đều làm hết trách nhiệm của mình.

 

Cảm phục tinh thần trách nhiệm của anh Ngụ, một vị lãnh đạo huyện đã đề nghị tặng anh bằng khen vì đã có công giúp tỉnh ngăn chặn vụ phá rừng. Anh bảo: “Thật ra tui chẳng muốn tố cáo làm hại một ai. Tui đấu tranh vì môi trường, vì mạng sống của hàng ngàn con người. Đấu tranh mà lấy cái bằng khen thì tôi đã không làm!”.

 

Bây giờ thì những kẻ phá rừng đã bị bắt giữ, chờ ngày bị xét xử theo đúng pháp luật, trong số đó không ít những cán bộ làm công tác bảo vệ rừng.

 

Sau những ngày bỏ công bỏ của đi tìm công lý cho rừng, anh Ngụ lại quay trở về với cuộc sống thường ngày, lam lũ cùng miếng cơm, manh áo…

 

Văn Dũng