Gặp người anh hùng mở đường ra đảo Cồn Cỏ

(Dân trí) - Giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt ở Quảng Trị, có những người lính đã dũng cảm vượt mưa bom bão đạn vận chuyển lương thực, đạn dược từ đất liền tiếp tế cho đơn vị ở đảo Cồn Cỏ.

Một trong số những người sống sót trở về mà chúng tôi gặp lại hôm nay là ông Lê Văn Ban (SN 1933, ở thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Phải vất vả lắm chúng tôi mới tìm được nhà ông Ban, căn nhà nấp sâu trong con hẻm gần bãi biển. Nơi đây khi xưa là tiêu điểm bắn phá của địch trong đợt chiến tranh phá hoại của kẻ thù, đặc biệt đây cũng là địa bàn gần giới tuyến và đảo Cồn Cỏ nên mật độ ném bom cũng dày đặc hơn.

Vững vàng nơi tuyến lửa

Nhấp chén nước trà, ông bắt đầu kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt và quá khứ hào hùng của đời mình. Tuy giọng nói có chút già yếu nhưng những chiến tích năm xưa vẫn khắc ghi trong tâm trí ông. Ngày ấy, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Đảo Cồn Cỏ cách vĩ tuyến không xa nên chịu sự bắn phá ác liệt của kẻ thù. Vì là địa phương nằm gần nhất với đảo, ông cùng một số người được đơn vị giao trọng trách tiếp tế lương thực, đạn dược phục vụ đồng đội ở ngoài đảo.

Ngày 5/8/1964, quân Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ nhằm lấy cớ tấn công miền Bắc. Đảo Cồn Cỏ cũng bị bắn phá hết sức dữ dội. Tình hình hết sức nguy cấp khi tàu của ta không thể tiếp cận được với đảo để tiếp tế lương thực và đạn dược. Ngoài biển luôn có tàu tuần tiểu của Hạm đội Mỹ canh giữ ráo riết. Tàu của ta đến với đảo luôn bị phục kích và bắn phá.

Gặp người anh hùng mở đường ra đảo Cồn Cỏ
Cửa Tùng Lập - sông Bến Hải những năm tháng chiến tranh ác liệt (Ảnh tư liệu)

“Hôm đó thôn Tùng Luật được cấp trên cử 6 Đoàn viên, trong đó có tôi và một Đảng viên là thuyền trưởng phụ trách công việc tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Anh em chuẩn bị sẵn kế hoạch, đúng 18 giờ xuất phát. Khi chỉ còn cách đảo chừng 3km liền bị địch phục kích dữ dội. Tình thế hết sức nguy nan nên đồng chí thuyền trưởng bảo chúng tôi cuốn buồm lại. Nhưng tôi cho rằng nếu cuốn buồm thuyền sẽ chạy chậm, như thế càng bị bắn phá nhiều hơn. Chỉ còn cách duy nhất là ngoan cường đối mặt, có như thế mới thoát được”. Nhờ sự yểm trợ của đồng đội từ trong đảo bắn, chúng tôi đã buộc địch phải rút lui. Sau mấy tiếng đối mặt với bom đạn cuối cùng thuyền tiếp tế cũng đến đảo an toàn”.

Ông Ban kể tiếp: “Ngày 15/4/1964, nhận được lệnh 4 người đi tiếp tế, tui được điều làm nhiệm vụ khác. Lần này bị địch phục kích nên cả 4 đồng chí đều hy sinh. Sau đợt ấy tôi được cử làm thuyền trưởng, tiếp tục nhận nhiệm vụ chuyển hàng ra đảo. Ngày 20/4/1965, đoàn có 12 thuyền gồm đoàn Quân sự QK4, cùng các văn nghệ sĩ, trong đó có nhà văn Nguyễn Khải ra nghiên cứu tình hình và phục vụ văn nghệ cho cán bộ chiến sĩ ngoài đảo. Đi an toàn, đến khi về cách đất liền 7-8 km thì bị địch phục kích và đánh phá. Tình hình hết sức cam go tôi nhận được lệnh phải quay trở lại đảo. Một tiếng đồng hồ sau, được cấp trên đồng ý, đoàn tiếp tục trở về đất liền.

Lại một lần nữa bị địch tập kích bắn phá và kêu gọi đầu hàng, nếu không sẽ nã pháo. Chúng tôi vừa chạy vừa kiên quyết bắn trả, trời lúc này đã tối om, pháo sáng rực cả bầu trời. Giữa biển khơi sóng to mưa lớn phần lại bị địch bắn nên chìm mất 4 thuyền. Tôi cùng đồng đội vẫn căng buồm, phóng thật nhanh ra khỏi vùng bị tập kích. Sau 5 đợt tấn công chỉ còn lại 2 thuyền, số còn lại bị lạc giữa đảo. Một lúc sau địch không bắn nữa, thuyền chúng tôi cũng bị trôi dạt cách đất liền 60km. Mãi đến 10 giờ sáng hôm sau chúng tôi mới đến được vùng giải phóng của ta”.
 
Sau chuyến đi ấy ngày 16/6/1965, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Gặp người anh hùng mở đường ra đảo Cồn Cỏ
Ông Ban ngồi bên vợ, kể lại những năm tháng vượt lên mưa bom bão đạn tiếp tế lương thực, đạn được cho đơn vị ở đảo Cồn Cỏ

Không thể để gián đoạn việc tiếp tế lương thực, ảnh hưởng đến sức chiến đấu của đồng đội, ông cùng anh em bàn nhau thay đổi chiến thuật tiếp tế nhằm đánh lạc hướng kẻ thù. Lần này ăn cơm trưa xong anh em sẽ xuất phát ra đảo, thay vì đi vào lúc 6 giờ tối như trước kia.

“Tránh được sự tình nghi, theo dõi của kẻ địch nên chúng tôi thực hiện việc tiếp tế với mật độ dày hơn. Những đồng đội trên đảo cũng có đủ lương thực, đạn dược để quyết chiến với kẻ thù”, ông Ban kể.

Người anh hùng giữa đời thường

Với những cống hiến to lớn trong việc giúp đồng đội vững vàng chiến đấu, ngày 1/1/1967, ông Ban vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được ra Hà Nội báo cáo thành tích trước Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong lần đi ấy, ông nhớ mãi kỷ niệm khi được gặp Bác Hồ.

Khi đất nước ở vào thời kỳ khó khăn nhất của cuộc chiến tranh, ông cùng đồng đội đã lập nên biết bao chiến công hiển hách. Đến bây giờ mỗi khi nhắc đến thì những kỷ niệm ấy vẫn hiện về trong tâm trí ông. Sau bấy nhiêu năm hòa bình lập lại, người anh hùng năm xưa vẫn sống cuộc sống bình dị bên người vợ và những đứa con tại quê hương. Dù cuộc sống chưa có gì khấm khá nhưng hai vợ chồng vẫn hòa thuận và nuôi dạy con cái thành đạt.

Bác Nguyễn Văn Linh, Thiếu tá nghỉ hưu, bạn cùng xóm với ông Ban cho biết: “Dù đã ở tuổi 78 ông vẫn hăng say tham gia công tác xã hội ở địa phương. Ông Ban là một Đảng viên mẫu mực trong Chi bộ được nhiều người trân trọng và học tập”.

Gặp người anh hùng mở đường ra đảo Cồn Cỏ
Khi rảnh ông Ban lại cùng những người bạn năm xưa ôn lại ký ức hào hùng

Với những cống hiến của mình, ông Ban cũng nhận được nhiều bằng khen và giấy khen do UBND tỉnh Quảng Trị trao tặng, kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng đảo Cồn Cỏ. Bà Nguyễn Thị Chiêu, vợ ông Ban chia sẻ: “Tuy tuổi cao nhưng hàng ngày ông vẫn chăm nom vườn tược, thỉnh thoảng lại cùng những người bạn gặp nhau tâm sự về quá khứ và cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh nơi xóm làng”.

Gần 50 năm tuổi Đảng, 78 năm tuổi đời nhưng ông vẫn xây dựng xóm làng, quê hương bằng khí chất của người lính cụ Hồ năm xưa.

                                                     Đăng Đức - Đặng Tài