Gặp người 2 vợ, 20 con ở “xóm siêu đẻ”

Ở xóm nghèo Mỏ Ba (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) có những hộ gia đình luôn đi đầu trong phong trào sinh đẻ… vỡ kế hoạch. “Quán quân” là ông Ngô Văn Sùng, mới chòm chèm ở cái tuổi 55 nhưng ông Sùng đã chuẩn bị lên chức… cụ.

“Xóm siêu đẻ” nơi thâm sơn cùng cốc



Gặp người 2 vợ, 20 con ở “xóm siêu đẻ” - 1
Người đàn ông vô địch... đẻ vỡ kế hoạch ở Mỏ Ba
Đến trung tâm xã Tân Long, hỏi đường về xóm Mỏ Ba, một người dân đang trồng rau bên đường chỉ tay lên một đỉnh đồi cao. Cứ tưởng vượt qua con đèo trước mặt là đến. Ai ngờ con đường được đổ bê tông đứt đoạn như người ta chặn mương tát cá khiến chúng tôi cứ lên xe xuống hố xoành xoạch. Mới rẽ vào con đường đất được vài mét, hướng về cánh đồng dưới chân ngọn đồi cao vút là hình ảnh những đứa trẻ tuổi chừng lên 3 lên 5 đang đào bới, vui đùa trên đồng ruộng khô, thấy người lạ chúng gọi nhau í ới chạy về nhà.

 

Chúng tôi đến Mỏ Ba đúng thời điểm nhiều đợt gió mùa đông bắc tăng cường cứ nối đuôi nhau ào ào đổ về. Ở Hà Nội nhiệt độ còn xuống dưới 10 độ C, còn ở một số tỉnh vùng cao nhiệt độ đã xuống đến độ âm, vậy mà những đứa trẻ nơi đây vẫn trần như nhộng, vui chơi như trong thời tiết mùa hè.
 
Gặp người 2 vợ, 20 con ở “xóm siêu đẻ” - 2
Một góc xóm Mỏ Ba nhìn từ xa

 

Ông Chủ tịch xã Tân Long - Lăng Viết Thắng - ngán ngẩm cho biết: “Cả xóm Mỏ Ba hiện có hơn 100 hộ mà có đến gần 1.000 nhân khẩu. Có 6 dân tộc anh em là: Mông, Dao, Sán Dìu, Kinh, Tày, Bana… nhưng người dân tộc Mông chiếm đến hơn 60% dân số của xóm; gần 100% các hộ người Mông đều sinh con thứ 3, nhiều hộ trên 10 người con”.

 

Đi một vòng quanh xóm, đâu đâu cũng nghe tiếng trẻ con khóc ỉ ôi đòi theo mẹ đi nương. Chúng tôi rẽ vào một ngôi nhà 3 gian 2 trái bằng gỗ được sơn vàng bóng, có lẽ đây là ngôi nhà gỗ đẹp nhất nhì xóm, chủ nhân của ngôi nhà là anh Năm - Bí thư xóm đồng thời được coi là người sinh đẻ kế hoạch nhất xóm. Cậu con trai lớn năm nay học lớp 2 rồi anh mới tính đẻ đứa nữa. Anh Năm nở nụ cười hóm hỉnh: “Mình là cán bộ mình phải làm gương thôi, chứ đẻ như mọi người thì lấy gì mà ăn. Nhiều gia đình ở đây đẻ hơn 10 con khổ lắm, đặc biệt là nhà ông Sùng, ông ấy lấy hai vợ, cả thảy có 19 người con”.

 

Ngoài ông Sùng với chức “quán quân” còn hàng loạt ông bố, bà mẹ người Mông khác cũng có từ 10 con trở lên như hộ ông Đào Văn Tư (13 con), Hồng Văn Páo (12 con), Lý Văn Día (11 con), Hồng Văn Nó (10 con), Vương Văn Khìn (10 con)…

 

Gặp “quán quân xóm đẻ”

 

Gặp người 2 vợ, 20 con ở “xóm siêu đẻ” - 3
Ông Sùng không nhớ hết tên và số con hiện ở trong nhà
 
Theo chỉ dẫn của anh Năm, chúng tôi tìm đến gia đình ông Ngô Văn Sùng. Thấy khách lạ, 4 đứa trẻ sàn sàn nhau vội chạy nấp sau phên vách, thậm thụt ngó. Ông Sùng tuổi chừng ngoài 50, nước gia hồng hào, mái tóc đã có vài sợi bạc giấu dưới tấm khăn ố màu, tươi cười ra chào khách.

 

Hỏi về danh hiệu “quán quân đẻ”, ông Sùng cười tươi: “Họ nói đúng đó, mình đẻ nhiều mà, không tin cứ lên nhà trên mà xem, chúng nó đang xem ti vi”. “Nghe người trong xóm nói ông có tới 19 người con?”, ông Sùng quay ngoắt lại phản đối: “20 chứ, mình có 2 vợ mà”.

 

Qua ít phút tiếp xúc được biết người đàn ông này tên đầy đủ là Ngô Văn Sùng, sinh năm 1956. Năm 15 tuổi ông lấy vợ đầu là bà Lý Thị Chi, kém ông ba tuổi. Có lẽ bởi cái đói, cái nghèo cùng bao lần sinh nở và lo toan cho đàn con nheo nhóc nên trông bà mới ngoài 50 mà chẳng khác gì cụ bà 70. Được biết cháu nội của ông bà vừa đi lấy chồng hồi tháng 11 năm ngoái, cuối năm nay ông bà sẽ lên chức cụ.

 

Ở với bà Chi gần chục năm, có tới 8 mặt con, ông Sùng tính chuyện lấy vợ hai. Bà là Vương Thị Nhung, khi về làm lẽ nhà ông đã có hai mặt con. Bà vợ hai cũng “thi đẻ” với vợ đầu, chẳng mấy nỗi ông Sùng có tới 20 mặt con.

 

Có hai vợ nên ông Sùng phải xây dựng hai ngôi nhà bằng gỗ nằm sát nhau để tiện thăm nom chăm sóc, ngôi nhà bên dưới là 3 gian 2 trái, nhà trên 5 gian 2 trái. Ông Sùng cho biết: “Nhà đông người nên phải làm rộng thế này mới đủ chỗ ngủ, mùa đông chúng ngủ chung thì còn đỡ chứ mùa hè nóng thì bao nhiêu giường cho đủ”.

 

Thăm hai ngôi nhà của gia đình, nhìn quanh chẳng thấy có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi để ở giữa nhà đã bị đàn con ông vây kín.

 

Ông Sùng nói, ngoài thời gian đi làm nương, cả vợ con ông đều ở nhà… xem ti vi, khi nào đói thì vào rừng hái rau về nấu ăn, gạo cấy ăn chỉ nửa mùa là hết. Ấy thế mà trông đàn con ông đứa nào cũng xinh đẹp, khỏe mạnh. Lúc chúng tôi tới chơi, bà vợ hai của ông lại đang nằm trong buồng, ri đô căng kín…
 
Gặp người 2 vợ, 20 con ở “xóm siêu đẻ” - 4
Đàn con, cháu của ông Sùng cứ thấy máy ảnh là quay mặt... chạy

 

Thấy nhà báo giơ máy ảnh lên chụp, đàn con ông vội vàng dùng tay che mặt, ông Sùng thì cúi gằm mặt xuống nhất quyết không cho chụp. Ông nói: “Chụp ảnh phải đưa cho tôi chứ không được đưa lên báo, tôi xấu hổ lắm”. Ít phút sau vợ cả và các con ông đã chạy đâu mất hút.

 

Trở lại bên bếp lửa cháy bùng bùng, da mặt ông Sùng căng lên vì nóng, lân la hỏi chuyện các con ông thì được ông Sùng ngập ngừng kể: “5 người con của bà cả đã lập gia đình và ra ở riêng, còn bà hai thì tôi không biết, tôi cũng không biết bây giờ nhà còn bao nhiêu người nữa”. Ngạc nhiên hỏi tiếp: “Thế ông có nhớ đầy đủ tên con mình không?”, ông Sùng lắc đầu: “Nhớ làm sao được, hộ khẩu thì đang mang đi bổ sung người mới vẫn để ngoài xã chưa lấy về”.

 

“Noi gương” người cha, các con ông Sùng sau khi lập gia đình và ra ở riêng cũng sòn sòn… đẻ vỡ kế hoạch. Những ngày lễ tết, con cháu ông đổ về như trảy hội. Theo nhẩm tính thì đến nay ông Sùng đã có trên dưới 40 người con, cháu.

 

Chia tay ông Sùng, rời bếp lửa ấm áp, chúng tôi kịp ghi lại một số hình ảnh về ông. Trước khi ra cửa tôi không quên hỏi: “Thế sau này ông còn tính đẻ nữa không?”, ông Sùng cười với vẻ mặt tự hào: “Có chứ! Vợ mình đẻ chứ có phải mình đẻ đâu”. Rồi ông Sùng cười - cái cười hồn nhiên pha chút méo mó.

 
 
Gặp người 2 vợ, 20 con ở “xóm siêu đẻ” - 5