Nghệ An:

Gặp dũng sĩ diệt 6 tàu chiến Mỹ trên sông Vàm Cỏ

(Dân trí) - Sau 14 loạt B41, 6 tàu chiến của địch đã bốc hỏa ngùn ngụt và chìm dưới lòng sông Vàm Cỏ Đông. Chẳng ai có thể tin được, người chiến sĩ giữ khẩu B41 ấy vẫn hoàn toàn khỏe mạnh sau loạt đạn inh tai nhức óc ấy.

Gặp dũng sĩ diệt 6 tàu chiến Mỹ trên sông Vàm Cỏ

Dũng sĩ Trần Võ Việt hồi tưởng lại trận đánh trên sông Vàm Cỏ Đông...

Chúng tôi tìm đến nhà dũng sĩ diệt tàu chiến Mỹ Trần Võ Việt tại xóm 2, Thanh Đồng, Thanh Chương, Nghệ An vào một ngày cuối tháng Tư. Hai bên đường, màu cờ đỏ rực hòa trong cái nắng cháy da của miền Trung, cả đất nước đang sống trong những ngày chiến thắng lịch sử, thế nhưng người dũng sĩ năm xưa lại nặng trĩu những ưu tư.

Một mình diệt 6 tàu chiến Mỹ

Trần Võ Việt là người con cả trong một gia đình có 8 anh em. Năm 1970, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, lúc này, Trần Võ Việt cũng vừa tròn 18 tuổi, bỏ dở giấc mơ bút nghiên lên đường tòng quân. Sau thời gian huấn luyện, đại đội 19 Công binh thuộc Trung đoàn 271 - quân khu 4 được lệnh lên đường tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ. “Nhiệm vụ của chúng tôi là thọc sâu vào sào huyệt kẻ thù. C19 lĩnh nhiệm vụ phục kích đánh tàu giặc trên sông Vàm Cỏ Đông, chặn đường tiến của địch từ Trảng Bàng vào Sài Gòn”.

Sông Vàm Cỏ Đông là con đường huyết mạch chi viện quân cho chiến trường Sài Gòn của chính quyền Ngụy, đồng thời đây cũng là nơi tàu chiến Mỹ cho quân đổ bộ nhằm xóa sạch “Việt Cộng” và dân quân du kích phía bên này sông. Trần Võ Việt được giao phụ trách “tên lửa cá nhân” B41 phát lệnh khai hỏa mở đầu cuộc tấn công.

Gặp dũng sĩ diệt 6 tàu chiến Mỹ trên sông Vàm Cỏ
... và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với một người đồng đội cũ

Ngày 16/5/1972, 12 chiếc tàu địch trong đó có những tàu có trọng tải 1.000 tấn chở xe tăng, vũ khí và tiểu đoàn lính đi càn từ Trảng Bàng hướng vào Sài Gòn, vừa đi vừa bắn như vãi trấu “dọn cỏ” 2 bên bờ sông. Cả trung đoàn nằm im chờ đợi thời cơ. Khi chiếc tàu dẫn đầu vào tầm ngắm, Trần Võ Việt nín thở siết cò. Bùm, chiếc tàu trúng đạn bốc cháy. Bị tấn công bất ngờ, đội hình tàu địch bắt đầu hỗn loạn, chống cự yếu ớt. Đơn vị C19 ào lên tấn công. “Lúc đó đạn sau lưng, kẻ thù trước mặt, tôi “làm” một mạch 14 quả B41 dù biết nếu bắn liên tiếp 3 quả, với sức công phá khủng khiếp và áp lực của loại tên lửa cá nhân này có thể khiến mình hộc máu tai, choáng và ngất xỉu. Nhưng nếu khi siết cò, mình há miệng ra để giảm áp lực lên tai thì có thể khắc phục được những điểm yếu đó. Kinh nghiệm này tôi có được từ những lần mang cơm lên đồi tiếp tế cho đơn vị pháo binh ở Rú Bụt hồi còn ở nhà. Tiêu diệt được tàu địch, “say” quá, tôi cũng không biết đống đạn sau lưng mình đang bén lửa, may có anh Cường (Đại tá Lê Cường, nguyên là sỹ quan thuộc cơ quan Tổng cục Chính trị) lao đến dập lửa cứu thoát”, ông Việt nhớ lại.

Sau 2 giờ đồng hồ chiến đấu anh dũng, ta giành được thắng lợi trong trận đầu. Riêng ông Trần Võ Việt, với 14 quả B41 đã bắn chìmc 6 tàu chiến của địch, trong đó có tàu tải trọng trên 1.000 tấn, tiêu diệt gần 400 lính ngụy và 1 cố vấn Mỹ. Sau trận đánh này, ông Việt được nêu gương học tập trên toàn đơn vị và được tặng thưởng Huân chương giải phóng Hạng 3. Ông cũng được cử đi báo cáo cách đánh Mỹ cho các đơn vị bạn học tập.

Gặp dũng sĩ diệt 6 tàu chiến Mỹ trên sông Vàm Cỏ
Nhưng vẫn canh cánh một nỗi niềm: hồ sơ đề nghị phong tặng Anh hùng LLVTND đã gửi đi từ lâu nhưng vẫn chưa nhận được tín tức gì

Bị tấn công ban ngày, địch quyết định cho tàu chạy vào ban đêm. Nếu không có đủ ánh sáng, với tầm bắn quá xa như vậy thì kính hồng ngoại của khẩu B41 cũng bị vô hiệu hóa. Ông Việt đề xuất ý kiến: dùng pháo sáng M79 của địch để “rọi” mục tiêu. Ông cùng 2 đồng đội nhận nhiệm vụ vào sâu trong vùng tạm chiếm, phối hợp với du kích địa phương và bà con lấy được gần 30 quả pháo sáng chuẩn bị cho cuộc chiến đấu. Lần này, đơn vị C19 tiêu diệt được thêm 2 tàu chiến địch, lập công xuất sắc mừng sinh nhật Bác.

Bị tập kích bất ngờ, tiêu hao nhiều sinh lực, địch dùng máy bay trực thăng dồn ép quân ta ra sông để tiêu diệt. Tàu chiến vãi đạn phía trước, trực thăng quần đảo trên đầu, bộ đội ta không thể tiến lên được. Không ngần ngại, Trần Võ Việt ôm khẩu B41 đu mình lên cành cây, hướng thẳng lên trời và siết cò. Viên đạn không trúng mục tiêu nhưng khiến trực thăng Mỹ hoảng hốt vì nghĩ lọt vào ổ pháo kích của Việt Cộng đành phải nâng dần độ cao, từ bỏ kế hoạch đổ quân tiêu diệt quân giải phóng từ phía sau.
 
Không những lập công xuất sắc trên sông Vàm Cỏ Đông, tiêu diệt tàu chiến địch, ông còn được biết đến bởi lòng dũng cảm, gan dạ và lối đánh nhiều biến hóa. Cũng chính ông là người không nề nguy hiểm, bò lên giàn hỏa tiễn H12 gom pin kích nổ đạn nhằm chặn đứng đoàn xe tăng địch đang tiến vào để quần nát trận địa ta.

Nỗi niềm của người dũng sĩ

Sau những chiến công lập được, đêm 28/1/1973 Trần Võ Việt được điều về sở chỉ huy Trung đoàn viết báo cáo thành tích trước đại hội anh hùng thi đua miền Đông Nam Bộ. Trong thời gian chờ mở đại hội, ông được Tổng cục Chính trị quân giải phóng miền Nam Việt Nam cử đi đào tạo tại trường Sĩ quan lục quân. Đến tháng 5/1975, do vết thương cũ tái phát ông được cấp trên giải quyết cho phục viên về địa phương.
 
Gặp dũng sĩ diệt 6 tàu chiến Mỹ trên sông Vàm Cỏ
Ông Trần Võ Việt và vợ

Sau khi tiếp tục theo học chương trình phổ thông và thi đậu vào trường Đảng Trần Phú Nghệ Tĩnh, ông được phân về công tác tại Huyện ủy Đô Lương và giữ nhiều chức vụ khác nhau. Đến năm 2002, ông được nghỉ hưu và trở về địa phương, tiếp tục tham gia hoạt động tại các tổ chức cơ sở.

Cuộc sống tương đối ổn định, con cái dần trưởng thành nhưng người dũng sĩ năm xưa vẫn canh cánh một nỗi niềm. Thực hiện Thông báo số 179-TB/TW ngày 22/8/2008 của Ban Bí thư TW Đảng về việc tiếp tục xét truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT đối với tập thể và cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc chiến tranh, Hội đồng thi đua khen thưởng Trung đoàn 271 đã tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm và thống nhất đề nghị Chủ tịch nước phong tặng ông Trần Võ Việt danh hiệu Anh hùng LLVTND. Hồ sơ gửi đi đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có tin tức gì.

“Của cải để lại cho con rồi cùng hết, còn tiếng thơm thì muôn đời. Tôi mong mỏi được công nhận Anh hùng LLVTND để sau này chết đi, con cháu mình biết được rằng ngày xưa cha ông chúng đã gian khổ hiểm nguy như thế nào để có hòa bình hôm nay”, ông tâm sự.

Hoàng Lam