Đồng Nai:

Gà, vịt “ba không” tràn lan trước nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1

(Dân trí) - Cúm gia cầm bùng phát tại Campuchia và đang có nguy cơ “tấn công” các tỉnh phía nam Việt Nam. Mặc dù vậy, cũng như tại TPHCM, ở Đồng Nai, gia cầm không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch, không đảm bảo vệ sinh vẫn tràn lan trên phố.

Những ngày này, các tuyến phố như Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, Bùi Văn Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn tấp nập cảnh mua bán giết mổ gia cầm “bẩn”. Mặc dù thông tin về dịch bệnh đang được cảnh báo ở mức cao nhưng người bán lẫn người mua vẫn thờ ơ. Một tiểu thương khẳng định: “Dịch bệnh ở tận Campuchia nên chẳng có gì phải sợ. Chỉ khi nào dịch bệnh bùng phát tại Đồng Nai thì việc mua bán mới ngưng”.
 
Tình trạng bán, giết mổ gia cầm trái phép đang là “mảnh đất” màu mỡ để dịch bệnh bùng phát

Tình trạng bán, giết mổ gia cầm trái phép đang là “mảnh đất” màu mỡ để dịch bệnh bùng phát

 

Tuy dịch bệnh chưa ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, chưa bùng phát tại Đồng Nai nhưng việc mua bán, giết mổ gia cầm “bẩn” đang là “mảnh đất” màu mỡ để dịch bệnh tấn công. Số lượng gia cầm được bày bán, giết mổ trên các tuyến phố này nhiều không thể đếm xuể. Mỗi ngày có đến hàng trăm kg thịt gà, vịt không qua kiểm dịch được “tuồn” vào bữa ăn của người tiêu dùng.

 

Trên đường Đồng Khởi thuộc phường Tân Phong, TP Biên Hòa, cảnh mua bán gia cầm tấp nập. Gia cầm khỏe hay ốm đều được nhốt chung trong lồng sắt. Khi khách hàng tới mua, các tiểu thương sẽ tiến hành giết thịt ngay tại chỗ với giá 70 – 80 nghìn đồng/kg gà; 70.000 – 85 nghìn đồng/kg vịt.

 

Trên những con phố này, việc mua bán gia cầm hoàn toàn tự phát. Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần bắt giữ và xử lý, tuy nhiên sau mỗi đợt “càn quét”, tình trạng buôn bán lại tái diễn.

 

Vừa làm thịt gà cho khách, chủ lò giết mổ Nguyễn Văn D. trên phố Đồng Khởi cho biết: “Gà, vịt mình nhập từ các thương lái nơi khác mang đến nên làm sao xác định được nguồn gốc. Người dân vẫn mua và ăn hàng ngày nhưng có ai bị gì đâu! Tuy không có dấu kiểm dịch như trong các khu chợ, quầy bán thực phẩm an toàn nhưng tôi xin đảm bảo về chất lượng”.
 
Tình trạng bán, giết mổ gia cầm trái phép đang là “mảnh đất” màu mỡ để dịch bệnh bùng phát
Gia cầm không nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch được bày bán tràn lan trên phố Đồng Khởi, phường Tân Phong, TP Biên Hòa

 

Tại một số điểm giết mổ trên đường Bùi Văn Hòa thuộc phường Tân Bình, TP Biên Hòa, gà vịt được các tiểu thương trói chân và bày ngay trên lề đường. Bên cạnh là bếp nước sôi và một số dụng cụ đơn sơ dùng để giết mổ. Các chủ lò mổ tạm bợ này thường dùng chung một nồi nước sôi cho hàng chục con gà, vịt.

 

Không riêng gì các tuyến phố, một số khu chợ tự phát ở phường An Bình, phường Tân Bình, phường Bình Đa (TP Biên Hòa) vẫn tràn lan thực phẩm gà vịt tươi sống không dấu kiểm dịch. Đây là nơi công nhân tập trung đông nên thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh vẫn được bán ra với giá cao.

 

Chị Lê Thị Nhan, công nhân một công ty tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 mua thực phẩm tại chợ Đồi (Phường An Bình, TP Biên Hòa) ái ngại: “Mình đi chợ mua với số lượng ít nên không thể nào chọn gà hay vịt còn sống để giết thịt. Mua gà, vịt được xẻ thịt sẵn thì sợ ăn phải gà bệnh vì tất cả các hàng thịt tại đây đều không có dấu kiểm dịch. Rất sợ chủ hàng thịt mổ gà, vịt đã chết rồi mang ra bán”.

 

Ông Cao Hùng Huỳnh, Chuyên viên phòng Kinh tế TP Biên Hòa, Đồng Nai cho biết “Trước tình trạng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng tôi đã và đang tăng cường lực lượng liên ngành để tiến hành kiểm tra, kiểm soát và xử lý những điểm buôn bán, giết mổ gia cầm trái phép”.

 

Để ngăn ngừa sự “tấn công” của dịch bệnh, tránh tình trạng nhiễm dịch và bùng phát, Chi cục thú y tỉnh Đồng Nai đã có công văn chỉ đạo và triển khai các phương án phòng, chống dịch. Ông Lê Minh Chí, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đàn gia cầm tại tỉnh Đồng Nai hiện tại trên 10 triệu con nên công tác phòng chống dịch là điều cấp thiết. Chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể để công tác phòng dịch được đảm bảo”.

 

Hiện tại, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã bùng phát tại một số địa phương Campuchia giáp biên giới Việt Nam. Theo đó dịch bệnh đã tràn sang biên giới và bùng phát tại xã Tiên Thuận và Bình Minh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
 

Tây Ninh khống chế thành công 2 ổ dịch cúm gia cầm

 

Ngày 22/2, ông Nguyễn Văn Mấy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết, 2 ổ dịch cúm gia cầm tại ấp Bàu Tép, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu và ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh đã được khống chế hoàn toàn.

 

Đầu năm 2013, cúm gia cầm được phát hiện tại đàn gà của ông Phạm Văn Rua (ấp Bàu Tép). Cơ quan thú y đã tiêu hủy toàn bộ đàn gà gần 1.000 con của ông Rua. Bước đầu nhận định nguyên nhân cúm lây truyền có thể từ hai con chim trời tự dưng chết trên phần đất nhà ông Rua.
 
Những đàn vịt chạy đồng vẫn mang nhiều nguy cơ làm lây lan dịch cúm

Những đàn vịt chạy đồng vẫn mang nhiều nguy cơ làm lây lan dịch cúm

 

Ổ dịch thứ hai được phát hiện trên đàn gà của bà Phùng Thị Thủy (ấp Đồng Cỏ Đỏ).

 

Cũng theo ông Mấy, tại 2 xã xảy ra dịch, ngành thú y và chính quyền địa phương đã tổ chức tiêm phòng toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn. Tuy nhiên, trước nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm từ các tỉnh biên giới Campuchia bằng nhiều con đường. Trong đó, nguy cơ từ chim là rất lớn và khó quản lý, nên công tác phòng chống dịch vẫn được tỉnh chú trọng. Hiện tại đã qua 21 ngày mà chưa phát sinh thêm ổ dịch mới.

 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng buôn bán gia cầm sống trên địa bàn vẫn còn rất phức tạp. Bên trong chợ Tây Ninh tình trạng buôn bán gia cầm sống ngay trong thời điểm có dịch vẫn diễn ra. Trong khi đó tại các cánh đồng của huyện Bến Cầu tình trạng thả rong vịt chạy đồng vẫn diễn ra.
 
Một trong hai ổ dịch cúm đã bị tiêu hủy
Một trong hai ổ dịch cúm đã bị tiêu hủy

 

Ông Mấy cho biết: “Trước mắt thì Chi cục thú y tỉnh đang đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có phương án tiêm phòng toàn bộ đàn thủy cầm của tỉnh, còn đối với gà thì chỉ khuyến khích tiêm phòng chứ không bắt buộc”.

 

Thảo Trần

 

Minh Hậu