Èo uột bữa cơm công nhân 4.000 đồng

Nhiều công nhân làm việc tại TPHCM, Bình Dương đang đối mặt với tình trạng suy kiệt sức khỏe khi bữa ăn của họ - từ công ty, nhà máy về đến phòng trọ đều èo uột, nghèo nàn.

 
Bữa ăn tối của 4 người là 4 gói mì tôm, 2 quả trứng và nửa cây xúc xích. Ảnh: Q.M.
Bữa ăn tối của 4 người là 4 gói mì tôm, 2 quả trứng và nửa cây xúc xích. Ảnh: Q.M.

 

Cầm cự qua bữa

 

Xóm trọ công nhân nằm trong khu phố Đông Nhì, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An (Bình Dương) có hơn 40 phòng trọ với tổng số gần 200 công nhân. Phần lớn công nhân đều đi làm từ sáng sớm đến gần 6h chiều mới về tới phòng trọ. Khoảng 1/3 trong số đó chuẩn bị tiếp tục đi làm tăng ca buổi tối, từ 22h cho đến 6h sáng hôm sau.

 

Nồi canh rau lõm bõm và ít con cá kho nhỏ bằng ngón tay là bữa cơm của cả gia đình chị Mai Thị Út gồm hai vợ chồng và đứa con nhỏ hiện đang ngụ cả trong xóm trọ.

 

Chị Út cho biết, khoảng 2, 3 năm trở lại đây, cuộc sống của những công nhân có thu nhập trung bình hiện nay khoảng 2,5 - 3 triệu như chị rất khốn khó.

 

“Ngày nào tăng ca có thêm được mấy chục mới dám đi chợ mua thêm ít đồ ăn ngon. Ngày thường chỉ ăn qua loa thôi. Cứ đến kỳ nhận lương là trả tiền phòng trọ, tiền vay mượn trong tháng hết sạch”, chị Út nhẩm tính.

 

Bữa cơm chiều của 3 người gia đình chị Út chưa đến 15.000 đồng. Chị Út cho hay, bữa cơm dè sẻn một chút, dư ra được ít đồng mua sữa cho con. Con trai chị Út thường xuyên đau ốm.

 

“Trong xóm trọ nhiều chị đang có bầu, vậy mà đến bữa cơm chỉ dám mua ít thịt ba chỉ về kho mặn ăn cả tuần”, chị Út kể.

 

Cuộc sống khó khăn, nhiều công nhân phải bớt xén bữa cơm đến mức thấp nhất có thể. Hoàng Văn Bửu (quê Bến Tre) làm công nhân bốc xếp tại một Cty sản xuất phân bón ở phường Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) được hơn 2 năm. Bửu kể, ngày trước ở quê cân nặng được hơn 60kg. “Làm việc lao động nặng nhọc mà ăn uống chỉ qua bữa giờ chỉ còn hơn 50kg, Bửu nói.

 

Ở Cty, Bửu được bao cơm trưa. Dù cơm được nhiều công nhân đánh giá là “không nuốt nổi” nhưng ai cũng phải cố ăn để có sức làm việc. Gần 6h chiều, Bửu về đến phòng trọ ở địa chỉ 34/10 khu phố Đông Nhì.

 

Trong phòng trọ khoảng 9m2 chỉ có chiếc bếp ga mini và thùng mì tôm Hảo Hảo là có giá trị. Bữa ăn buổi tối của Bửu và ba người bạn ở cùng phòng là 4 gói mì tôm, 2 quả trứng gà, và nửa cây xúc xích.

 

Tính ra mỗi người chỉ ăn hơn 4.000 đồng. Buổi sáng khi đi làm, Bửu nuốt sống một quả trứng gà hơn 2.000 đồng và mang theo một quả đến Cty.

 

Mắt mờ, chân run

 

Bác sĩ Lê Kim Huệ- Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, cuộc khảo sát trên 1.000 công nhân làm việc ở các khu công nghiệp tại TPHCM cho thấy 30% công nhân đang suy dinh dưỡng do chế độ ăn thiếu chất.

 

Trong đó, phổ biến nhất là thiếu vitamin nhóm B, gần 20% công nhân bị thiếu máu và hơn 70% bị thiếu iốt. “Nhiều công nhân phản ánh họ bị hoa mắt, chân run vì kiệt sức khi làm việc. Thậm chí không còn đủ sức để tăng ca kiếm thêm thu nhập”- bác sĩ Huệ cho biết.

 

Trong khi đó, tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng của công nhân của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho thấy, khẩu phần ăn của công nhân chỉ đáp ứng chưa tới 90% nhu cầu về năng lượng.

 

Nguy hại hơn, khoảng 25% thực phẩm cung cấp cho công nhân có tồn dư lượng chất bảo quản thực phẩm, hàn the và nhiều loại phụ gia độc hại.

 

Còn nghiên cứu về khẩu phần ăn dành cho công nhân của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho thấy bữa cơm công nhân không chỉ nghèo về dinh dưỡng mà còn kém về chất lượng. Trong thành phần bữa ăn chỉ có 12% protein, 16% chất béo còn lại 72% là các chất bột, đường như gạo, khoai...

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Chi cục Phó chi cục An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, các đợt kiểm tra ở bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho công nhân cho thấy khẩu phần ăn của công nhân chỉ có 7.000-12.000 đồng/suất.

 

“Giá rẻ trong thời buổi giá cả đắt đỏ nên suất ăn không đạt dinh dưỡng là điều dễ hiểu”- bác sĩ Huỳnh Mai nhận xét.

 

Nói về chi tiêu cho nhu cầu ăn uống của công nhân, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, qua khảo sát hơn 1.000 công nhân cho thấy công nhân chỉ dám tiêu cho việc ăn uống 27,3% thu nhập, khoảng 700.000 đồng/tháng.

 

Theo bác sĩ Diệp nhiều công nhân lại thiếu kiến thức về dinh dưỡng trong khi phải làm việc nặng nhọc, tăng ca thường xuyên, làm đêm khiến cho nguy cơ suy dinh dưỡng ở công nhân ngày càng cao.

 

“Có đến gần 20% công nhân bỏ bữa ăn ít nhất một lần trong ngày, trong đó bỏ bữa sáng chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguyên nhân khiến công nhân bỏ bữa ăn là do mệt mỏi, không có thời gian và do thói quen”- bác sĩ Diệp nêu.

 

Tại Hội thảo “Ảnh hưởng sức khỏe do ngộ độc thực phẩm” diễn ra ngày 21-12 tại TPHCM, đại diện Chi cục An toàn thực phẩm TPHCM cho biết số vụ ngộ độc thực phẩm do các cơ sở cung cấp suất ăn ngày càng gia tăng. Theo Chi cục An toàn thực phẩm TPHCM trong năm 2012 kiểm tra 2.828 bếp ăn tập thể chỉ có 1.747 bếp ăn đạt tiêu chuẩn. L.N

 

Theo Lê Nguyễn - Quang Minh
 
Tiền phong