Đường Lâm: Quyền lợi “xa lạ” với giá trị làng cổ

(Dân trí) - “Đáng lẽ người dân ở Đường Lâm phải được hưởng lợi từ nguồn kinh phí thu được do bán vé tham quan di tích. Quyền lợi của họ khi đó sẽ gắn với những giá trị của ngôi làng cổ. Việc trả lại danh hiệu chứng tỏ người dân không hài lòng”…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi nêu quan điểm về những bức xúc của người dân làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) vừa qua.
Đường Lâm: Quyền lợi “xa lạ” với giá trị làng cổ
Ông Đào Trọng Thi: "Không cớ gì Hà Nội không làm được như Hội An khi di sản đó còn quy mô hơn Đường Lâm nhiều" (ảnh: Việt Hưng).

Câu chuyện về làng cổ Đường Lâm, một trong năm làng cổ còn lại của thế giới, những ngày qua thu hút sự chú ý của dư luận bởi những lá đơn xin trả lại danh hiệu vì những bí bức, trói buộc với danh hiệu. Ông có kiến giải gì về “nghịch lý” này ?

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chưa nhận được phản ánh nào của người dân Đường Lâm. Nhưng qua các phương tiện thông tin, tôi thấy việc người dân viết đơn đòi trả lại danh hiệu chứng tỏ họ không hài lòng.

Chúng ta hơi máy móc, cứng nhắc trong thực hiện các quy định liên quan tới bảo tồn nhưng lại không quan tâm tới việc khai thác giá trị của di sản và khai thác giá trị di sản để phục vụ quyền lợi  người dân. Mà làm cái đó thì từng người dân không làm được.

Lúc này, chúng ta cần xem xét kỹ tình hình cụ thể. Thành phố Hà Nội phải có đề án để làm sao phát huy được giá trị di sản, phục vụ quyền lợi người dân.

Gần chục năm nay, người dân làng cổ vẫn phải sống trong cảnh chật chội, khổ sở vì mục tiêu bảo vệ di sản. Và mâu thuẫn này xem chừng vẫn khó có hướng gỡ khi mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, phục vụ cuộc sống dân sinh chưa được giải quyết?

Theo tôi, sắp tới Luật Thủ đô có hiệu lực, Hà Nội sẽ có cơ chế đặc thù để tổ chức tốt hơn việc khai thác di sản phục vụ người dân. Nhưng thực sự là có những vấn đề không hoàn toàn phải chờ Luật thủ đô. Chúng ta nhiều khi hơi quan liêu.

Điều mà Hà Nội có thể làm ngay lúc này là đứng ra tổ chức đầu tư, tạo mọi môi trường thuận lợi để phát triển các dịch vụ du lịch liên quan đến Đường Lâm. Như thế không chỉ người dân được hưởng lợi mà thành phố cũng sẽ khai thác, thu lợi được.
 
Nhiều gia đình ở làng cổ Đường Lâm có thu nhập vài chục triệu một tháng nhờ nhà cổ
Người dân Đường Lâm tự hào với danh hiệu làng cổ, nhưng nhiều người cũng cảm thấy bức bối vì nhà cửa chật hẹp, xuống cấp (Ảnh: Quang Phong)

Thực tế, mỗi năm Đường Lâm thu được hàng tỷ đồng từ việc bán vé tham quan di tích cho khách du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng số tiền này cần được chi cho chính những người dân phải chịu thiệt, chịu khổ để duy trì hình ảnh cho di sản?

Đáng lẽ người dân phải được hưởng lợi từ nguồn kinh phí này. Tự từng người dân khó tổ chức khai thác giá trị của di sản nhưng với sự tổ chức chung của chính quyền thành phố, thậm chí phải có đầu tư trước về cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch thì sau đó, người dân trên cơ sở chung từng nhà sẽ đầu tư riêng và khai thác. Khi người dân khai thác thì sẽ đóng thuế cho nhà nước, quyền lợi của họ sẽ gắn với những giá trị của ngôi làng cổ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị mới đây cũng đã đến Đường Lâm, gặp gỡ và xin lỗi người dân về việc chậm giải quyết chậm bức xúc. Ông Nghị hứa chính quyền sẽ tạo cơ chế thuận lợi hơn trong việc cấp phép xây dựng, từ kiểu dáng nhà ở đến thủ tục. Cơ chế ở đây đi liền với vấn đề công khai, công bằng trong việc sử dụng nguồn thu từ bán vé tham quan di tích?

Việc này chính quyền thành phố phải xem xét thật kỹ nhưng tôi cho rằng, thực ra chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ chế bảo tồn ở Hội An. Hà Nội nên nghiên cứu kỹ mô hình này. Tất nhiên mình phải ứng dụng như thế nào cho phù hợp với điều kiện của Hà Nội. Người ta đã làm được thì không lý do gì Hà Nội không làm được. Mà Hội An thì còn quy mô hơn Đường Lâm rất nhiều.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)