1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đường cao tốc mau hư

Nhiều đường cao tốc mới đưa vào khai thác hoặc sử dụng tạm thời đã xuất hiện những hư hỏng khiến dư luận bức xúc.

Đường cao tốc mau hư

Vết nứt trên đại lộ Thăng Long (ảnh chụp tháng 5/2011, đoạn hầm chui qua đường sắt) - Ảnh: Lâm Hoài

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đại lộ Thăng Long, rồi đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, thậm chí là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang thi công đều có vấn đề về chất lượng.

Tốn tiền nhiều, đường vẫn xấu

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là một tuyến đường có vốn đầu tư lớn, được thiết kế theo đúng chuẩn nhưng chất lượng công trình lại có vấn đề ngay khi bắt đầu khai thác. Bằng chứng là chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng thì mặt đường đã liên tục xuất hiện ổ gà, thậm chí ổ voi. Hàng ngàn sự cố, tai nạn do nổ vỏ, hỏng máy, xe cùng chiều đâm nhau, xe lao xuống ruộng hay lao vào dải phân cách liên tục xảy ra.

Tình hình nghiêm trọng đến mức tháng 10/2011, Ban An toàn giao thông tỉnh Long An phải đi khảo sát, đếm số ổ gà, ổ voi để có căn cứ kiến nghị Tổng công ty Cửu Long khắc phục khẩn cấp. Kết quả đếm sơ sơ đoạn qua địa bàn tỉnh Long An có khoảng... 500 cái “ổ” các loại. Đó là chưa kể vô số ổ gà trên đường dẫn dài 22km ở hai đầu TP.HCM và Tiền Giang.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tháng 2/2010, sau bốn tháng đưa vào khai thác, trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã xuất hiện năm vị trí lún tập trung tại điểm tiếp giáp giữa phần nền đường và phần công trình có móng cọc, phải cho bù lún nền đường bằng giải pháp rải lớp nhựa đường tạo nhám. Dù đã được bù lún, đường cao tốc vẫn liên tục hư hỏng và xuất hiện nhiều ổ gà trải dài trên nhiều kilômet đường.

Cuối tháng 12/2010, trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT giải trình do địa chất khu vực phức tạp với những biến đổi bất thường, khi đưa vào khai thác thì xuất hiện hiện tượng lún nền đường. Trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, đơn vị thiết kế có khảo sát địa chất nhưng không phát hiện được sự thay đổi bất thường, chủ nhiệm đồ án cũng chưa lường hết sự thay đổi địa chất để yêu cầu bổ sung khảo sát.

Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư dự án theo dõi kịp thời bù lún để đảm bảo độ bằng phẳng và an toàn trong quá trình khai thác đường cao tốc. Thế nhưng năm 2010 và 2011, đường cao tốc tiếp tục xuất hiện nhiều ổ gà và lún sụt mặt đường trên nhiều đoạn, kể cả đường nhánh nối từ Bình Thuận (quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Linh) đến đầu đường cao tốc ở Chợ Đệm (Bình Chánh) mới hoàn thành cũng có tình trạng mặt đường bị lún. Tới cuối năm 2011, khi dư luận lên tiếng về tình trạng đường cao tốc không bảo đảm an toàn, Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư dự án sửa chữa đường cao tốc phải hoàn thành việc sửa chữa đường trước ngày thu phí vào cuối tháng 2/2012.

Dù vậy, đến thời điểm cuối tháng 4/2012 công việc khắc phục tình trạng nham nhở trên mặt đường vẫn chưa xong. Hiện tại trên tuyến vẫn còn rất nhiều cái “ao” hình chữ nhật thấp hơn mặt đường chừng 2cm. Theo Trung tâm Quản lý đường cao tốc, đó là những nơi bị hư hỏng nặng đang được sửa chữa. Dự kiến đến ngày 15/5 sẽ hoàn tất việc sửa chữa mặt đường chính thuộc phạm vi 40km có thu phí.

Chưa làm xong đã hỏng

Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (sau này đổi tên là đại lộ Thăng Long, Hà Nội) còn một số hạng mục chưa hoàn thành và được thông xe khai thác tạm vào tháng 10/2010 nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đến khoảng tháng 4/2011, tình trạng lún nứt mặt đường đã xuất hiện nhiều đoạn từ km8 đến km9. Thời điểm đó, tổng thầu và đại diện chủ đầu tư giải thích do phải thi công trên những đoạn có nền đất yếu nên đường vẫn tiếp tục lún theo quy phạm. Đến thời điểm hiện nay, các nhà thầu đã tiến hành bù vênh, khắc phục tình trạng lún nứt và rải lớp bêtông tạo nhám. Tuy nhiên, do thiếu tiền nên việc thi công lớp tạo nhám cũng chưa xong toàn bộ. Bên cạnh đó, hiện tượng nứt lớp bêtông ximăng ở mặt hầm chui (km7+538) cũng xuất hiện và đang được cơ quan chức năng đánh giá, khắc phục.

Với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ngay lễ thông xe khai thác tạm 20km đầu tuyến, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã bày tỏ sự không hài lòng về chất lượng và yêu cầu lập tổ công tác rà soát, xử lý kỹ thuật với đoạn đường đã hoàn thành và 30km đang tiếp tục xây dựng. Dự án này cũng là một trong bốn dự án được kiểm tra về mặt chất lượng theo chỉ đạo của bộ trưởng. Kết luận sơ bộ của đoàn kiểm tra cho thấy trong quá trình thi công có nhiều sai sót. Đến nay, những điểm không bằng phẳng và lún ở phần đường đầu cầu, đầu cống trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được nhà thầu khắc phục.

Dự án BOT càng hư hỏng nhiều

Tình trạng dự án vừa hoàn thành đã hư hỏng không chỉ xảy ra ở những công trình do ngành giao thông làm chủ đầu tư mà xảy ra trầm trọng hơn ở một số dự án theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Đơn cử, một dự án “khủng” theo hình thức BOT đang bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư và bộc lộ những khiếm khuyết chất lượng là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI) làm nhà đầu tư.
 
Gói thầu đầu tiên của dự án được khởi công vào tháng 5/2008 và dự kiến toàn tuyến sẽ khai thác vào năm 2011 nhưng đến nay chín gói thầu của dự án chưa có gói thầu nào vượt quá 45% tiến độ. Bên cạnh đó tuyến đường cao tốc này (có tổng mức đầu tư ban đầu 24.566 tỉ đồng, dài 105,5km, sáu làn xe) cũng tăng tổng mức đầu tư trên 40% và đang chờ cơ quan chức năng thẩm định để điều chỉnh.

Trong khi đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng vừa có văn bản yêu cầu VIDIFI khắc phục những tồn tại trong việc thi công đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau khi cơ quan này kiểm tra một số gói thầu trong tháng 3 vừa qua. Cụ thể, thiết bị thi công trên hiện trường không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng thi công. Tại công trình cầu Lạch Tray, đoàn kiểm tra của hội đồng nghiệm thu cho biết công tác bảo quản cốt thép đã gia công đang chờ đổ bêtông ở một số dầm chưa tốt, cốt thép bị han gỉ nhiều. Tại cầu Thanh An, nhà thầu thi công cũng để cốt thép chờ của trụ cầu bị gỉ nhiều, không đánh gỉ cốt thép trước khi đổ bêtông...

Dự án BOT quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh do Tập đoàn Sông Ðà đầu tư cũng bị hư hỏng nặng nề ngay sau khi đưa vào sử dụng. Đây là tuyến đường có chiều dài 16,3km được khởi công vào tháng 11/2005, dự kiến đưa vào sử dụng tháng 5/2008 nhưng do chậm tiến độ nên đến đầu năm 2009 mới hoàn thành và xuống cấp nghiêm trọng. Tổng mức đầu tư của dự án gần 460 tỉ đồng, khi đưa vào khai thác, dự án vẫn còn hai hạng mục trị giá gần 160 tỉ đồng chưa thi công xong do vướng mặt bằng và do năng lực nhà thầu yếu. Với dự án này, Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn chỉnh việc sửa chữa trước quý 2/2012 và phải thi công xong toàn dự án trước quý 3/2012.
 

Đường không còn là đường

Suốt hai năm nay, giới tài xế liên tục “kêu cứu” về tình trạng xuống cấp trầm trọng của đoạn quốc lộ 1A tránh Huế. Đây là đoạn đường khủng khiếp nhất trên toàn tuyến quốc lộ 1A đoạn qua miền Trung và trở thành nỗi ám ảnh của tài xế.

Trở lại “đoạn đường khủng khiếp” này vào ngày 25-4, chúng tôi nhận thấy mặt đường đã hư hỏng hoàn toàn. Suốt chiều dài 36km của tuyến đường không chỗ nào là không có ổ voi, ổ trâu, ổ gà, sình lún. Mặt đường bung nát, trơ sỏi đá, xe đi qua làm đất đá, bụi bay tứ tung, mù mịt.

Tại ngã ba Phú Bài, nhiều tài xế phải cho đậu xe lại để “nghỉ” khi vừa vượt qua tuyến đường gian nan. Mồ hôi nhễ nhại, tài xế Lê Xuân Chúc (Đà Lạt) thở dài: “Đường kiểu này thì giết chết con người ta. Quá sức là tồi tệ, xe phải “bò” từng mét đường”. Tài xế Trần Minh Thuận, chở hàng rau quả chạy tuyến Hà Nội - TP.HCM, cho biết đi trên tuyến đường này các xe thường xuyên bị gãy nhíp, cháy lốp vì bị “ăn” đá. Nhiều lần vừa thay lốp đi được chưa đầy chục cây số lại phải thay lốp tiếp. “Phí đường thì đóng đều đều mà đường thì không chịu sửa, thế là sao?” - anh Thuận bức xúc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Châu Thành, trưởng phòng quản lý giao thông Công ty CP Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên - Huế (đơn vị quản lý tuyến quốc lộ 1A tránh Huế), nói mỗi năm được phân bổ 10 tỉ đồng cho công tác duy tu, bảo dưỡng, giặm vá và vệ sinh mặt đường. Nhưng tuyến quốc lộ 1A tránh Huế đã hư hỏng đến mức trầm trọng thì kinh phí dành cho việc duy tu, bảo dưỡng như hiện nay chỉ đủ để giặm vá tạm thời. Mới đây (tháng 2-2012), Tổng cục Đường bộ đã phê duyệt dự án nâng cấp tuyến quốc lộ 1A đoạn tránh Huế, với vốn khoảng 437 tỉ đồng, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Trong khi đó ở Quảng Ngãi, tai nạn luôn rình rập từ các điểm đen, cầu hẹp. Năm 2011, dự án sửa chữa mặt đường, thảm bêtông nhựa quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Ngãi đã được Khu Quản lý đường bộ 5 thực hiện, nhưng giới tài xế vẫn ngán ngại tai nạn rình rập và tốc độ bị hạn chế mỗi khi đi qua địa phận Quảng Ngãi dài gần 100km.

Ông Lê Minh Hùng, phó giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Quảng Ngãi, cho biết hiện có 54 cây cầu trên quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Ngãi, trong đó có tới 25 cầu hẹp và 11 cầu yếu gây ảnh hưởng rất lớn đến giao thông. Điển hình như cầu Kênh (huyện Sơn Tịnh), một điểm “đen” thường xuyên xảy ra tai nạn vì cây cầu này như nút thắt cổ chai. Đại tá Lê Văn Vĩnh, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Quảng Ngãi, cũng nói đối với những cầu hẹp, cầu yếu không an toàn, đơn vị đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được khắc phục, trong khi tai nạn thì thường xuyên xảy ra.

Nhóm PV miền Trung

 
Theo Tuấn Phùng - Ngọc Ẩn - Vân Trường
Tuổi Trẻ