1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đắk Nông:

Dùng dây cáp giữ nhà vì doanh nghiệp nổ mìn phá đá

(Dân trí) - Nằm ngay cạnh mỏ đá nên mỗi khi doanh nghiệp nổ mìn khai thác, những căn nhà của các hộ dân xung quanh lại rung lên bần bật. Có gia đình phải dùng dây cáp gia cố ngôi nhà, để phòng trường hợp nhà sập, trong khi một số gia đình khác phải di dời nhà xa hơn để tránh những cơn mưa đất đá.

Theo một số hộ dân thôn Đắk Tiên (xã Đắk N’drung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) năm 2008, Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất- Thương mại Quang Vũ (Doanh nghiệp Quang Vũ) đi vào hoạt động và sử dụng vật liệu nổ để phục vụ việc khai thác đá. Kể từ đó, cuộc sống của người dân sống gần khu vực trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Hoạt động nổ mìn khai thác đá diễn ra chỉ cách nhà dân khoảng 50m trong khi khoảng cách an toàn phải là 200 m

Hoạt động nổ mìn khai thác đá diễn ra chỉ cách nhà dân khoảng 50m trong khi khoảng cách an toàn phải là 200 m

Là một trong số những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ mỏ đá, chị Vũ Thị Hà (37 tuổi) cho biết, trước đây cứ mỗi lần nổ mìn, đất đá lại bay tung tóe, nhiều lúc còn văng cả lên mái nhà, bay thẳng vào trong giường ngủ. Nhiều lần phản ánh với doanh nghiệp thì họ cho người sang vá lỗ thủng mái nhà, nhưng được mấy hôm lại bị thủng do đất đá tiếp tục dội xuống. Nên để tránh thương tích do “mưa đá”, gia đình chị Hà phải di dời nhà ra xa khu vực mỏ.

Chị Hà chia sẻ: “So với mấy năm trước, vị trí nổ mìn đã được di dời xa ngôi nhà của gia đình hơn. Tuy không còn phải hứng chịu “mưa đá” như trước nữa nhưng mỗi khi Doanh nghiệp Quang Vũ nổ mìn thì căn nhà vẫn rung lên bần bật, khói bụi mù mịt. Thậm chí, nhiều hôm doanh nghiệp này nổ mìn mà không báo với người dân, nghe tiếng nổ bất ngờ, người nào cũng xanh mặt, giật bắn cả người”.

Nằm trong khu vực bị ảnh hưởng do khai thác đá, nhiều năm nay gia đình ông Vũ Văn Quý (55 tuổi) cũng chịu chung tình cảnh như gia đình chị Hà. Ông Quý bức xúc cho biết, doanh nghiệp nổ mìn phá đá có khi thì gõ kẻng sơ sơ, nhưng có khi lại chẳng thông báo gì, thậm chí còn không kiểm tra thực tế nhà dân xung quanh trước khi nổ.

Trong nhà ông Quý có cháu nhỏ mới sinh, mỗi lần nghe thấy tiếng nổ, cháu bé lại hoảng loạn, khóc thét. “Khổ nhất là các cháu trong vùng này, mấy đứa nhỏ nhà tôi đi khám bệnh đều gặp vấn đề về đường hô hấp”, ông Quý than thở.


Để an toàn, gia đình ông Hải phải dùng dây cáp để gia cố ngôi nhà

Để an toàn, gia đình ông Hải phải dùng dây cáp để gia cố ngôi nhà

Nhiều năm qua gia đình ông Trương Công Hải (57 tuổi) cũng phải “gồng mình” chịu đựng những tác động xấu từ hoạt động nổ mìn khai thác đá của Doanh nghiệp Quang Vũ. Ông Hải cho biết: “Vì mỗi lần doanh nghiệp nổ mìn cứ như động đất nên nhà tôi phải gia cố bằng hai sợi dây cáp để giữ cho ngôi nhà đứng yên. Cứ mỗi lần nổ mìn thì vợ chồng, con cái lại chạy ra ngoài đứng, vì sợ nhà sập bất ngờ”

Cũng theo phản ánh của nhiều người dân, Doanh nghiệp Quang Vũ bắt đầy khai thác đá tại khu vực trên khi mà họ đã có cuộc sống ổn định từ nhiều năm về trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn nhiều lần “vô tư” nổ mìn, không đoái hoài gì đến quyền lợi và sự an toàn của người dân.

Qua tìm hiểu, mỗi ngày mỏ đá thôn Đắk Tiên thường tập trung nhiều loại máy móc, hoạt động liên tục như: máy xúc, máy khoan đá, máy nghiền đá … Trong quá trình hoạt động, bên cạnh tiếng nổ mìn, tiếng máy móc ầm ầm thì mỏ đá tạo ra một lượng bụi lớn bay vào không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 20 hộ dân xung quanh.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Nông Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nd’rung xác nhận: “Hoạt động nổ mìn khai thác đá của Doanh nghiệp Quang Vũ đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như sụt nứt nền nhà, thủng mái, khói bụi... Một số hộ dân sống gần khu vực mỏ đá có phản ánh, UBND xã đã đi kiểm tra thực tế hư hại rồi mời hai bên lên làm công tác hòa giải. Nhưng đến nay công tác hòa giải, đền bù vẫn chưa thỏa đáng khiến người dân bức xúc”.

Mặt khác, việc nổ mìn cũng không được doanh nghiệp thông báo và thuộc thẩm quyền của UBND xã Đắk Nd’rung, nên chúng tôi sẽ mời Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Đắk Song về xem xét, giải quyết dứt điểm.

Được biết, trong giấy phép sử dụng vật liệu nổ mà Sở Công thương tỉnh Đắk Nông cấp cho Doanh nghiệp Quang Vũ, việc sử dụng vật liệu nổ phải đảm bảo khoảng cách an toàn là 200m đối với con người, thời gian cho phép sử dụng vật liệu nổ là từ 11 giờ 30 đến 13 giờ hoặc từ 17 giờ đến 18 giờ. Tuy nhiên, thực tế khoảng cách từ bờ ranh mỏ đá đến nhà dân chỉ hơn 50 m nên mỗi khi doanh nghiệp nổ mìn là người dân lại “khăn gói” ra khỏi nhà để bảo toàn tính mạng bất kể đây là giờ nghỉ trưa, nghỉ tối.

Dương Phong