Đua lãi suất và năng lực quản trị, điều hành

Từ câu chuyện chạy đua lãi suất của các ngân hàng thương mại hiện nay thấy rõ việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành là một trong những thách thức lớn của các ngân hàng thương mại trong nước trong năm 2010 và nhiều năm tới.

Đua lãi suất và năng lực quản trị, điều hành  - 1
Chạy đua lãi suất để huy động tiền từ dân là câu chuyện thời sự của các ngân hàng (ảnh: Quý Đoàn).
 
Trên danh nghĩa lãi suất huy động VND hiện chưa vượt rào 10,5%/năm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định các ngân hàng thương mại không có vấn đề gì về thanh khoản.

Thế nhưng, sự căng thẳng về nguồn VND đang ở đỉnh điểm khi một tháng qua lãi suất huy động trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường dân cư đều liên tục bị đẩy lên.

Lãi suất huy động: Xoay các kiểu

Trên bảng lãi suất, chưa có ngân hàng thương mại nào công bố mức lãi suất huy động vốn từ khu vực dân cư vượt mức 10,5%. Nhưng nếu nhìn vào các chiêu của ngân hàng thương mại thì thấy họ đang “nóng” đến mức nào trong việc huy động vốn.

Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tung ra tất cả những chiêu có thể để thu hút khách hàng. Mức lãi suất thưởng thấp nhất mà các ngân hàng đưa ra ở mức 0,05 % và cao nhất có thể lên đến 0,42%/năm.

Do đó, thực tế khi cộng lãi suất từ các hình thức thưởng (thưởng tiền, thưởng lãi suất, lãi suất cho sản phẩm huy động đặc biệt) thì lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại đã vượt rào 10,5%/năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, theo công bố của NHNN, doanh số giao dịch trong tuần gần đây nhất đạt xấp xỉ 120.350 tỷ VND và 2.033 triệu USD, tăng tiếp 8.507 tỷ đồng và 580 triệu USD so với trung tuần tháng 12/2009.

Đây là tuần thứ ba liên tiếp giao dịch trên thị trường này tăng cao. Sự căng thẳng về thanh khoản còn thấy rõ hơn khi doanh số giao dịch kỳ hạn qua đêm và 1 tuần chiếm tỷ trọng lớn nhất; trong đó giao dịch kỳ hạn 1 tuần chiếm 46%/tổng doanh số giao dịch.

Và tất nhiên, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng lên trên 10%/năm. Hiện lãi suất bình quân qua đêm đang ở mức 10,71%/năm.

Lãi suất bình quân cao nhất, theo công bố của NHNN là 12%/năm nhưng lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, muốn có con số này trên thực tế thì phải cộng thêm vài điểm phần trăm nữa.

“Quân tử” phòng thân?

Tăng trưởng tín dụng quá cao là nguyên nhân chính khiến thị trường huy động vốn căng thẳng như hiện nay. Theo thống kê của NHNN, hiện tăng trưởng tín dụng đã ở mức 37,7% - cách xa con số 25% mà NHNN đưa ra hồi đầu năm và vượt gần 8% so với “phanh” dự kiến của NHNN trong những tháng cuối năm là 30%.

Thực tế, việc tăng trưởng tín dụng đã được NHNN và cả các ngân hàng thương mại lường trước do chương trình hỗ trợ lãi suất (tính chung là có đến 5 chương trình) được triển khai từ đầu năm đến nay.

Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tuy ở mức hơn 445.000 tỷ đồng, song đây chính là lực đẩy khiến “con tàu tín dụng” không sao phanh lại được, dù NHNN liên tục có cảnh báo đối với các tổ chức tín dụng.

Nguyên nhân thứ hai, và cũng là căn bệnh cố hữu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, là hệ quả từ nguyên nhân thứ nhất: sự mất cân đối về kỳ hạn giữa vốn huy động và vốn cho vay.

Tuy NHNN chưa công bố nhưng theo ước tính của các ngân hàng thương mại, hiện hơn 90% vốn huy động VND của các ngân hàng là dưới 12 tháng; trong khi tỷ lệ này trong cho vay trung và dài hạn là 40%.

Cụ thể hơn, nếu nhìn vào bảng huy động lãi suất VND của ngân hàng thương mại có thể thấy rõ sự mất cân đối này. Ví dụ lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng của SHB là 10,44%/năm; từ 12 tháng đến 36 tháng có mức chung là 10,48%/năm.

Ở ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng đều ở mức 10,49%/năm. Hay ở Techcombank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng cao hơn 15 tháng, tương ứng là 10%/năm và 9,20%/năm.

Nguyên nhân thứ ba, để bình ổn thị trường ngoại hối, trong tháng 12/2009, NHNN đã bán ra một lượng lớn ngoại tệ nên các ngân hàng thương mại cũng “tốn” một lượng VND không nhỏ cho việc này. Trước tình hình căng thẳng của thị trường, NHNN đã phát đi thông điệp sẽ hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng thương mại nào thiếu hụt tạm thời.

Hiện tổng phương tiện thanh toán đã ở mức 28,67% - vượt mức dự kiến (25%) của NHNN. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng hơn một lần khẳng định sẽ làm mọi cách để giữ mức cung tiền trong tầm kiểm soát. Vì thế, NHNN sẽ không dễ gì tung tiền ra “cứu” ngân hàng thương mại.
 

Thanh khoản: Cốt lõi là ở năng lực quản trị ngân hàng

Thanh khoản của các ngân hàng thương mại luôn là vấn đề nhạy cảm và được “dự cảm” hàng năm, nhất là vào dịp tết Nguyên đán, khi cả nhu cầu tín dụng và chi tiêu của người dân lẫn doanh nghiệp đều tăng. Thêm vào đó là sự “chia sẻ” nguồn vốn cho các thị trường khác (chứng khoán, bất động sản, vàng...).

Đây là vấn đề thường niên của các ngân hàng thương mại. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, vấn đề thanh khoản hiện chưa nghiêm trọng như năm ngoái nhưng nếu không xử lý kịp thời sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại.

Theo Vietnam+/Doanh nhân