1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đua hạ lãi suất, cơ hội vốn cho doanh nghiệp

(Dân trí) - Bám theo lãi suất cơ bản, khối ngân hàng thương mại đang bước vào một cuộc đua giảm lãi suất mới. Cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Lãi suất huy động giảm mạnh

Ngay trong ngày Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất cơ bản VND xuống 13%/năm, nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 10%/năm, đồng thời cho phép các ngân hàng thanh toán trước thời hạn 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, các ngân hàng thương mại cổ phần đã vào cuộc giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 1% - 1,5%.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) hạ lãi suất huy động từ 1% - 1,5% so với biểu lãi suất cũ, xuống còn 16,5%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng, 16,75%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng, 16,4%/năm cho kỳ hạn 9 tháng và 16,3%/năm với kỳ hạn 12 tháng, kể từ ngày 21/10.

Bắt đầu từ sáng hôm nay 22/10, lãi suất huy động tiết kiệm thưởng và tiền gửi kỳ hạn ở khu vực Hà Nội và Hậu Giang của LienVietbank còn phổ biến từ 15,6%/năm - 15,85%/năm  dành cho kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng; tại TPHCM, lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này cao hơn, ở mức từ 15,7%/năm - 15,95%/năm.

Lý giải về “hành động” kịp thời, ông Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng Giám đốc ABBank cho hay: “Các chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã giúp thanh khoản thị trường được cải thiện, chỉ số giá tiêu dùng giảm liên tục qua từng tháng.

Do đó, các ngân hàng đã chủ động cân đối được nguồn vốn và sử dụng vốn của mình. Tất cả các tác nhân này dẫn tới lãi suất huy động giảm như là một hệ quả tất yếu. Tôi tin là sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới”.

Còn ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc LienVietBank thì cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn chính sách tiền tệ cũng sẽ có tác dụng tích cực trong ngắn hạn và là tín hiệu tốt đối với thị trường. Loạt chính sách này sẽ không chỉ đáp ứng đủ việc thiếu hụt vốn hiện nay của nền kinh tế mà thậm chí có thể dư vốn tạm thời”.

Đến thời điểm này, khi lạm phát đã dần được kiềm chế, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được chú trọng hơn. Các quyết định của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 21/10) đã làm cho mặt bằng lãi suất chung của thị trường tài chính giảm xuống. Lãi suất huy động hạ nhiệt là tiền đề để lãi suất cho vay giảm thêm, tạo cơ hội cho khối doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động, ABBank và LienVietBank cũng công bố giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, ABBank giảm lãi suất cho vay VND xuống còn 18% - 19%; đối với các khách hàng thân thuộc, sử dụng nhiều dịch vụ của ABBank, mức lãi suất ưu đãi chỉ còn 17%. Lãi suất cho vay của LienVietBank cũng giảm từ 18% xuống còn 17%/năm.

Giảm mạnh nhất cho đến thời điểm này là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), với lãi suất cho vay VND đối với các hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp giảm tới 4,5%, xuống còn 16,5%; đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, lãi suất cho vay còn 16,8%/năm.

Luồng vốn đang hướng về DN nhỏ và vừa

Thời gian vừa qua, khá nhiều ngân hàng đã từng bước tiến hành cắt giảm lãi suất. Mức lãi suất cho vay của khối ngân hàng thương mại cổ phần dao dộng trong khoảng 19% -21%/năm, khối ngân hàng quốc doanh là 18% - 20%/năm.

Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi này chủ yếu dành cho các doanh nghiệp lớn hoặc đã hợp tác lâu dài với các ngân hàng. Còn lại hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải vay vốn với lãi suất trần trên thị trường, cao nhất lên tới 21%/năm.

Giảm lãi suất cho vay là một yêu cầu thực tế từ khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc Ngân hàng nhà nước ra quyết định giảm lãi suất cơ bản từ 14% xuống 13%/năm hé mở khả năng giảm bớt chi phí vay vốn, tạo thêm điều kiện để tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới.

Với việc hạ lãi suất cơ bản này, dự báo, lãi suất cho vay của các ngân hàng thời gian tới sẽ dao động ở mức 18%/năm.

Ông Phạm Quốc Thanh, đại diện của ABBank cho biết, ngân hàng này sẽ tiếp tục mở rộng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp tốt, có thị trường ổn định, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được quản trị tốt, các nhà thầu điện lực luôn là khách hàng chiến lược của ABBank”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thời gian gần đây, một số ngân hàng đã có động thái quan tâm hơn đến việc cho vay vốn đối với loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp này chỉ trông chờ vào vốn tín dụng cho vay ngắn hạn của ngân hàng cũng khó để cải thiện được tình hình bế tắc hiện nay.

Một số chuyên gia gợi ý: Nhà nước nên tìm các nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không chỉ đơn thuần là những nguồn vốn vay ngắn hạn từ các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, các tồn tại trong quá trình doanh nghiệp đi vay vốn như: thủ tục, thời hạn và số lượng vốn được vay... cũng cần được quy định rõ ràng hơn.

Nguyễn Hiền